Thứ Hai, 07/05/2018 | 14:25

Hiện nay do vấn đề toàn cầu hoá và biến đổi khí hậu đã làm thay đổi cơ cấu các bệnh truyền nhiễm, khiến các bệnh này có thể bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào với mức độ nguy hiểm cao và diễn biến khó lường.

Vậy chúng ta cần làm gì để ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi. Mời bạn gặp gỡ vị chuyên gia đầu ngành Truyền nhiễm TTND. GS. TS.  Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để hiểu rõ thêm vấn đề này

Ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổiTTND.GS.TS. Nguyễn Văn Kính.

Phóng viên: Thưa GS. biến đổi khí hậu toàn cầu, trái đất nóng lên có tác động như thế nào tới cơ cấu các bệnh truyền nhiễm hiện nay?

TTND.GS.TS.Nguyễn Văn Kính: Hiện nay, sự biến đổi khí hậu, đặc biệt gắn với toàn cầu hoá đã làm thay đổi rất nhiều cơ cấu, thời điểm xuất hiện, độc lực, khả năng lan truyền… của các bệnh truyền nhiễm. Biến đổi khí hậu dẫn đến bão lũ, cháy rừng và xâm nhập mặn, nước ta được xếp vào một trong những nước chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Do toàn cầu hoá nên chỉ cần vài giờ sau một chuyến bay là các mầm bệnh từ những ổ dịch từ khắp nơi trên thế giới có thể dễ dàng xâm nhập vào nước ta. Vì vậy mà những bệnh trước đây không có vào mùa hè thì nay cũng có thể xuất hiện như cúm, viêm đường hô hấp, sởi, tay-chân-miệng…

Biến đổi khí hậu, bão lũ làm phát tán các mầm bệnh truyền nhiễm lây qua đường nước như các bệnh nấm trên da. Nước thải ở các cống rãnh, nhà vệ sinh trào ra xâm nhập vào nguồn nước ăn, nước sinh hoạt dễ phát sinh, phát triển các bệnh truyền nhiễm có liên quan đến đường tiêu hoá như tiêu chảy cấp, thương hàn, lỵ, amíp…

Sốt xuất huyết trước đây chỉ có tại các tỉnh phía Nam, chủ yếu ở thành phố thì nay bệnh đã xuất hiện tại 63 tỉnh, thành trong cả nước, ở cả nông thôn…

Phóng viên: Vậy những bệnh truyền nhiễm nào được coi là mới nổi và tái nổi, mức độ nguy hiểm của chúng ra sao, thưa GS.?

TTND.GS.TS.Nguyễn Văn Kính: Các bệnh truyền nhiễm mới nổi phải kể đến như các bệnh đường hô hấp (viêm đường hô hấp cấp tối nguy hiểm SARS, viêm đường hô hấp Trung Đông MERS- CoV), các bệnh cúm, đặc biệt là cúm A có khả năng gây thành dịch, thậm chí đại dịch như cúm A H1N1 do chủng virus này có tới 15 kháng nguyên H và 9 kháng nguyên N, hai loại kháng nguyên này tổ hợp với nhau thành rất nhiều chủng virus gây bệnh nguy hiểm, chủng virus sau lại thường có độc lực mạnh hơn, nguy hiểm và tỉ lệ tử vong thường cao hơn các chủng virus có trước.

Bệnh tay chân miệng trước đây không có ở Việt Nam nay đã xuất hiện phổ biến ở nước ta… Hay sốt xuất huyết bùng phát thành dịch ở Hà Nội năm 2017. Bệnh sởi, quai bị, bạch hầu… do trào lưu antivaccin của một bộ phận cư dân. Các bệnh này đã được khống chế tốt với tỉ lệ tiêm chủng cao, trên 95% cư dân trong cộng đồng có miễn dịch bảo vệ thì nay quay trở lại và bùng phát như dịch sởi, các bệnh bại liệt, ho gà, bạch hầu, uốn ván… tái nổi.

Bệnh Ebola, Zika cũng là những bệnh truyền nhiễm mới nổi và nguy cơ tiềm ẩn xâm nhập vào nước ta rất lớn…

Các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi có thể xâm nhập bất cứ lúc nào vào nước ta, không theo mùa, cũng chẳng có quy luật nào nên rất khó lường. Hơn nữa các mầm bệnh này khi đã biến đổi thì độc lực rất cao và trở nên cực kỳ nguy hiểm. Các bệnh truyền nhiễm mới xâm nhập vào nước ta do chưa có miễn dịch trong cộng đồng, chưa có thuốc điều trị, chưa có kinh nghiệm xử lý, chưa có vaccin dự phòng nên nếu xâm nhập sẽ làm cho số người mắc gia tăng nhanh chóng, tỉ lệ tử vong cao. Một ví dụ điển hình là vụ dịch Hội chứng hô hấp Trung Đông MERS- CoV tại Hàn Quốc năm 2013 không chỉ làm cho nhiều người tử vong, lây lan thành dịch nguy hiểm mà còn tiêu tốn của nước này rất nhiều tiền chỉ trong vòng 1 tháng khống chế dịch. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi này không chỉ làm cho nhiều người tử vong, ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội, gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn gây hoang mang, bất ổn trong xã hội.

Ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổiChăm sóc bệnh nhân nặng tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Phóng viên: Vậy chúng ta phải làm gì để ứng phó và phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi này, thưa GS.?

TTND.GS.TS. Nguyễn Văn Kính: Từ năm 2013 do tình hình cấp bách của dịch bệnh Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Quốc gia mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là đơn vị đầu mối. Ban chỉ đạo này có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành liên quan chẳng hạn như để phòng chống các dịch bệnh từ động vật (trâu, bò, lợn, gà…) thì cần có sự tham gia chặt chẽ và tích cực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm kiểm soát dư lượng thuốc tăng trọng, thuốc kháng sinh trong quá trình chăn nuôi, thuốc an thần trong quá trình giết mổ, kiểm soát bơm tạp chất trong quá trình tiêu thụ tôm, chất bảo quản trong lưu thông các loại thuỷ hải sản, tiêm phòng cúm cho gà…

Để chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi trước tiên cần phải có hiểu biết về bệnh. Các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan báo chí cần xây dựng các chủ đề tuyên truyền cho người dân hiểu về bệnh, biết được các hậu quả do bệnh gây ra…

Phòng ngừa chủ động là tiêm vắc-xin. Thế nhưng, thời hạn bảo vệ của nhiều vắc-xin không dài, chỉ 5 tới 10 năm, vì vậy người dân cần chú ý tiêm nhắc lại. Không chỉ tiêm phòng cho trẻ nhỏ mà còn cả phụ nữ mang thai, phụ nữ ở tuổi sinh đẻ để bảo vệ trẻ không mắc các bệnh truyền nhiễm sau này, tiêm phòng cho người cao tuổi…

Phòng ngừa thụ động là cùng nhau tạo môi trường sống an toàn, trong sạch, đến mùa muỗi sinh đẻ cần diệt bọ gậy, thau các nơi chứa nước bẩn, úp các đồ dùng có chứa nước xuống để không cho muỗi sinh đẻ, nuôi cá vàng để diệt bọ gậy…; trở thành những người tiêu dùng thông thái, ăn chín, uống sôi, ăn các thực phẩm an toàn, tươi sạch. Hiện nay nhiều người đã sử dụng điện thoại thông minh có phần mềm kiểm soát xuất xứ thực phẩm giúp người nội trợ phân biệt được thực phẩm an toàn và không an toàn mà mắt thường đôi khi không phát hiện ra.

Cuối cùng nếu không may mắc bệnh thì dấu hiệu đầu tiên của nhiễm vi sinh vật là sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, khám, phát hiện, chữa bệnh kịp thời, tránh chần chừ hoặc tự chữa hoặc chữa bệnh bằng các phương pháp không chính thống khiến bệnh biến chứng nặng khó lường.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn GS.!

Mai Hương (thực hiện)

Nguồn: SKDS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook