Trong lúc truy tìm cây cảnh di sản có tuổi thọ trên 100 năm tại Đại nội Huế được chở đếnvườn ươm thì bất ngờ phát hiện khu vườn có diện tích hàng ngàn m2 tại phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, tỉnh TT – Huế) và nghi ngờ là “biệt phủ”của giám đốc Sở Tài chính.
Cây sứ có tuổi thọ hơn 100 năm tuồi bất ngờ biến mất
Theo phản ánh của người dân, vào khoảng 16h ngày 21/1/2016 tại Đại nội Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế có rất nhiều công nhân, máy cẩu, máy múc, xe tải… đang làm việc tu sửa và có đào bới một cây sứ cổ thụ. Ngay sau đó vào đêm tối, có một chiếc xe tải đã chở cây sứ này rời khỏi khu vực Đại nội đến một vườn cây xanh khác ngoài khu vực.
Một người dân sống gần Đại nội Huế cho biết: “Trong lúc di chuyển cây sứ có kích thước lớn vào đêm khuya ra khỏi di tích thì có vướng mắc vào các băng dôn, dây điện, cây xanh ở dọc đường nên tôi nhớ rất rõ việc di chuyển bất thường này”.
Cây sứ cổ tại điện Kiến Trung bị đào khỏi mặt đất. Ảnh: Cắt từ video Được đưa lên xe tải, di chuyển ra khỏi Đại Nội. Ảnh: Cắt từ video Rồi chuyển đi trong đêm trên đoạn đường Đặng Thái Thân. Ảnh: Cắt từ videoMột nguồn tin riêng cung cấp cho PV nói rằng: 3 cây sứ, có tuổi thọ trên 100 năm tuổi sẽ được di chuyển khỏi Đại nội Huế để làm quà cho một vị “sếp” tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Vào cuối tháng 1/2016, chiếc xe tải mang BKS: 75K – 2176 đã chở một cây sứ từ trong khu vực Đại nội, ra khỏi kinh thành Huế để mang đến khu vườn của một “sếp” hiện đang giữ chức giám đốc sở.
Để làm rõ nguồn thông tin, cây sứ được di chuyển về làm quà cho một vị làm giám đốc sở ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, PV đã liên hệ làm việc với ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.
Ông Phan Thanh Hải cho biết, hệ thống cây xanh trong khu vực Đại nội Huế được quản lý rất chặt chẽ. Việc cắt tỉa cành hay di dời cây đều phải dựa trên các kế hoạch được lập ra một cách khoa học.
Vị giám đốc thừa nhận với PV, có việc di dời cây sứ ra khỏi Đại nội Huế vào đêm 21/1. Việc di dời này là nhằm mục đích để phục vụ cho việc khảo sát trùng tu lại điện Kiến Trung và vào thời điểm ban đêm là để tránh gây phiền hà cho khách tham quan và người đi đường ?! và ông Hải phủ nhận, thông tin cây sứ nói trên được đưa về nhà để làm quà tặng cho vị “sếp” đang giữ chức vụ giám đốc sở.
Tuy nhiên, ông Phan Thanh Hảicũng cho hay, cách đây một thời gian ông có tặng cho ông Huỳnh Ngọc Sơn – Giám đốc sở Tài Chính tỉnh Thừa Thiên – Huế một cây Mộc. Nhưng cây này không được lấy từ khu vực Đại nội và nó cũng không thuộc cây di sản.
Để biết rõ thông tin hơn, PV đề nghị được cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc di chuyển cây sứ khỏi Đại nội Huế và ông Hải đã hướng dẫn chúng tôi gặp ông Lê Công Sơn – Trưởng phòng Cảnh quan Môi trường.
Ông Sơn cho biết, tại Điện Kiến Trung (khu vực Đại nội Huế) có 3 cây sứ tồn tại ở đây lâu năm, vào cuối tháng 1/2016 phía phòng đã tiến hành di chuyển 1 trong 3 cây sứ, dựa trên kế hoạch chi tiết cụ thể từ đầu năm. Tuy nhiên, khi PV muốn được tiếp cận hồ sơ, hình ảnh di dời cây sứ ra khỏi Đại nội tại thời điểm đó thì ông Sơn đã khước từ và rời khỏi nơi làm việc.
Tìm cây sứ hơn 100 năm phát hiện “biệt phủ” khủng không phép của giám đốc sở
Theo tìm hiểu được biết, ông Huỳnh Ngọc Sơn đang giữ chức GĐ Sở Tài chính tỉnh TT – Huế, có nhà riêng tại đường Phan Đình Phùng (TP Huế) nhưng ông Sơn được dư luận cho rằng đã tiến hành thu mua hàng ngàn m2 đất tại số nhà 126 đường Dạ Lê (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) để làm trang trại.
Cổng vào khu trang trại được xây dựng trái phépGhi nhận của PV tại trang trại này cho thấy, trong khuôn viên diện tích hàng ngàn m2, nhiều hạng mục công trình xây dựng không phép được mọc lên. Trong đó, một số căn nhà và các chòi bằng gỗ được thiết kế tinh xảo, tỷ mỉ theo kiến trúc nhà rường. Bên cổng vào được chủ nhân xây dựng tạo tác thành hai đồi nhỏ, trên phần đất bồi đắp là hai cây gỗ sưa lớn, quý hiếm. Cổng vào được chủ nhà dựng một căn nhà gỗ 3 gian và một cái chòi lớn, nhìn ra bờ hồ. Hệ thống các lầu vọng cảnh và nhà gỗ với kiến trúc tinh xảo cũng được hiện diện khi chúng tôi có dịp tiếp cận vào sâu bên trong khuôn viên trang trại.
Theo đó là hệ thống kiến trúc bằng gỗ với các đường nét chạm, khắc tinh xảo thì nhiều người đến đây cũng không khỏi ngỡ ngàng trước hệ thống cây xanh, cây cảnh được chưng đầy khắp đường đi, lối lại.
Thời điểm PV có mặt, phát hiện trong khuôn viên của trang trại này đang sở hữu một số cây sứ trắng có kích thước khá lớn. Qua quan sát cho thấy những cây sứ này có tuổi đời từ khoảng 50 – 100 năm tuổi. Sự hiện diện của những cây sứ này cùng với những luồng thông tin của dư luận càng dấy lên tính hoài nghi việc ông Sơn được “tặng” cây từ trong di tích Kinh thành Huế.
Một công nhân trong khu vực này cho biết,trang trại này được giao cho bảo vệ quản lí, toàn bộ khuôn viên trang trại với diện tích hàng ngàn là của ông Huỳnh Ngọc Sơn – GĐ Sở Tài chính tỉnh TT – Huế.
Trao đổi với PV, ông Võ Thanh Bình – Trưởng phòng TN-MT Thị xã Hương Thủy cho hay, qua kiểm tra sổ sách, khu đất trên hiện đứng tên bà Trương Thị Kim, “Tôi chỉ biết bà Kim là mẹ ông Huỳnh Ngọc Sơn (Giám đốc sở Tài chính – PV) chứ không rõ mẹ vợ hay mẹ ruột…”.
Còn ông Nguyễn Quốc Hữu – cán bộ địa chính phường Thủy Phương tiết lộ, diện tích khu đất này trong hồ sơ rộng 6782.85 m2, việc xây dựng trong đó “chưa thấy báo cáo với phía phường”.
Một số hình ảnh về biệt thự “khủng” không phép:
Báo Tầm nhìn sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả trong bài viết tiếp theo…
Nhóm PV
Nguồn: Báo Tầm Nhìn
Chưa có bình luận.