Thứ Ba, 22/03/2016 | 11:31

Tiếp nhận khám chữa bệnh cho gần 76 nghìn lượt người mỗi năm, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Nam Giang đang là một trong những điểm tựa vững chắc về chăm sóc sức khỏe cho người dân miền núi.

Hết lòng phục vụ

Nằm ở vị trí ngã ba của các tuyến đường giao thông huyết mạch quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh… TTYT huyện Nam Giang là nơi khám và điều trị cho rất đông người dân các xã miền núi nói riêng, cư dân sống và làm việc ở địa bàn huyện Nam Giang nói chung. Trong những năm gần đây, công suất sử dụng giường bệnh ở trung tâm luôn vượt 150 – 170% so với chỉ tiêu giường bệnh được giao. Ông Chơrum Thanh Vòm – Giám đốc TTYT huyện Nam Giang chia sẻ, nhiều năm qua, hệ thống y tế tiếp tục được củng cố từ tuyến huyện đến tuyến cơ sở. Nhiều chỉ tiêu  giao trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được hoàn thành tốt. Đặc biệt, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và chương trình y tế dự phòng được triển khai đồng bộ và đi vào hoạt động nền nếp, đảm bảo nâng cao chất lượng và hiệu quả qua từng năm, góp phần đáng kể cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Năm 2015, Khoa khám bệnh và cận lâm sàng được khánh thành và đưa vào hoạt động, chỉ tiêu tăng thêm 13 giường bệnh tạo điều kiện củng cố và mở rộng về quy mô, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng. “Từ khi thành lập đến nay, đội ngũ cán bộ ngành y tế được phát triển cả về số lượng lẫn năng lực, đặc biệt là nguồn nhân lực tại chỗ. Tổng số lần khám bệnh trong năm 2015 của TTYT đạt 252% so với kế hoạch năm, trung bình mỗi người dân đến khám chữa bệnh 3 lần/năm. Số bệnh nhân điều trị nội trú cũng chiếm tỷ lệ cao, đến 191% so với kế hoạch” – ông Vòm cho biết.  

Trung tâm Y tế huyện Nam Giang: Điểm tựa cho người dân miền núi
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Nam Giang chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, người dân các bản làng đến TTYT ngày càng đông. Sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức của người dân gắn liền với hiệu quả của công tác khám chữa bệnh. Nhiều trường hợp phức tạp được cứu chữa thành công, càng củng cố niềm tin của người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đối với các cán bộ y tế. Anh Hiên Nao, người dân thị trấn Thạnh Mỹ chia sẻ: “Ở đây, ai đau ốm đều tìm đến TTYT để được khám, chữa. Nhiều người được chữa khỏi bệnh nên hầu hết bà con đều tin vào cán bộ y bác sĩ, không còn tình trạng cúng bái, mê tín dị đoan như ngày trước”. Ông A Viết Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, ở các bản làng biên giới, người dân đã tìm gặp cán bộ y tế thôn bản để nhờ khám, nhận thuốc, hoặc xuống Phòng khám Đa khoa khu vực Chà Vàl để khám chữa bệnh. “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân cũng được nâng cao, nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe vì thế cũng tăng cao hơn so với trước. Ngoài ra, hoạt động hiệu quả của hệ thống y tế, đặc biệt là phòng khám đa khoa khu vực Chà Vàl và TTYT Nam Giang đã phục vụ rất lớn vào công tác đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương” – ông Sơn nói.

Khám chữa bệnh cho người Lào Từ năm 2008 đến nay, TTYT  huyện Nam Giang đã đón tiếp, điều trị cho gần 40 lượt người Lào ở các cụm bản dọc biên giới huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông – Lào). Trong đó, có nhiều ca phức tạp như phẫu thuật mổ lấy song thai, phẫu thuật xử lý vết thương phức tạp gối, gãy xương, thai ngoài tử cung, vết thương sọ não hở… Tất cả ca này đều được điều trị miễn phí.

Hạn chế chuyển tuyến

Từ năm 2000 đến nay, TTYT huyện Nam Giang đã tự làm chủ được nhiều thủ thuật, phẫu thuật ngoại khoa, nhiều chỉ số đạt loại cao. Toàn bộ trưởng, phó khoa công tác tại TTYT Nam Giang đều có trình độ chuyên khoa trở lên. Nhờ đó, số ngày điều trị và số ca chuyển tuyến đều giảm. Từ chỗ thiếu nhân lực, trang thiết bị, hoạt động khám chữa bệnh còn hạn chế, đến nay TTYT trở thành một trong những địa điểm tin cậy đối với người dân. Thay vì phải vượt hàng trăm cây số xuống Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc tại Đại Lộc, người dân an tâm đến điều trị bệnh tại TTYT huyện với mức chi phí thấp hơn rất nhiều lần. Đến nay, TTYT hoàn toàn có thể tiếp nhận và xử lý 5 – 7 ca phẫu thuật liên tục mỗi ngày đối với các trường hợp mổ ruột thừa, mổ sản, can thiệp động mạch… Song song với việc tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho đội ngũ y bác sĩ, cán bộ ngành y tế, cán bộ TTYT cũng duy trì và tăng cường mối quan hệ gần gũi, thân thiện đối với người bệnh, từ đó làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bác sĩ Tơ Ngôl Vui – Phó Giám đốc TTYT huyện Nam Giang chia sẻ, đội ngũ cán bộ toàn tuyến có 155 người, với 27 bác sĩ, đạt 10,8 bác sĩ/vạn dân, cao hơn  nhiều so với chỉ tiêu chung toàn tỉnh. Trong số đó, rất nhiều bác sĩ, y sĩ và cán bộ là người địa phương, do đó vừa phát huy được kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ thâm niên, vừa không để xảy ra tình trạng chảy máu nhân lực. Hàng năm, các y bác sĩ này cũng được luân chuyển thường xuyên để tăng cường cho tuyến xã, nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại chỗ cho người dân. “Phần đông các y, bác sĩ tại bệnh viện là người địa phương, có khả năng giao tiếp tốt, lại am hiểu tập quán, tâm lý của đồng bào nên bà con rất tin tưởng. Trước đây bà con không những ít đến bệnh viện khám chữa bệnh, mà còn e ngại, dè dặt không dám chia sẻ với bác sĩ về tình hình bệnh tật. Nhờ khả năng giao tiếp bằng tiếng địa phương, bà con tìm đến nhiều hơn, còn mạnh dạn hỏi thăm tình trạng bệnh, nhờ bác sĩ tư vấn trong và sau khi điều trị” – bác sĩ Vui nói.

Theo Báo Quảng Nam

Nguồn: Báo Tầm Nhìn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook