Đây là một cấp cứu nội khoa ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân vì vậy phải điều trị ngay khi có triệu chứng hạ đường máu.
Các triệu chứng lâm sàng
Biểu hiện chung:
– Bệnh nhân cảm thấy mệt đột ngột không giải thích được.
– Có cảm giác chóng mặt, đau đầu, lo âu
– Cảm giác tay chân nặng nề, yếu
* Dấu hiệu thần kinh thực vật
– Da xanh tái
– Vã mồ hôi thường ở lòng bàn tay, trán, nách
– Hồi hộp đánh trống ngực, lo âu, hốt hoảng, mất bình tĩnh
– Có hiện tượng tăng tiết nước bọt
– Cảm giác ớn lạnh trong người chạy dọc sống lưng
– Run tay
* Dấu hiệu tim mạch
– Nhịp tim nhanh, thường nhanh xoang, có thể gặp cơn nhịp nhanh thất hoặc trên thất
– Tăng huyết áp tâm thu
– Có thể có cơn đau thắt ngực. Cảm giác nặng vùng tim.
* Dấu hiệu tiêu hoá
– Cảm giác đói cồn cào, cảm giác nóng rát vùng dạ dày
– Có thể có cơn đau co thắt dạ dày, đau vùng thượng vị
– Có thể có buồn nôn, nôn .
* Dấu hiệu thần kinh
– Nặng có thể gây co giật toàn thân hoặc co giật kiểu động kinh khu trú.
– Dấu hiệu thần kinh khu trú: liệt 1/2 người, tổn thương thần kinh sọ, rối loạn cảm giác, vận động.
– Hội chứng tiểu não
– Nhìn mờ, nhìn đôi, hoa mắt
* Dấu hiệu tâm thần
– Có thể có biểu hiện kích động, rối loạn nhân cách.
– Nói cười vô cớ
– Có thể có biểu hiện ảo giác.
* Hôn mê hạ đường huyết
– Thường là giai đoạn nặng của hạ đường huyết có thể xuất hiện đột ngột không có dấu hiệu báo trước. Hôn mê thường xuất hiện nối tiếp các triệu chứng có trước nhưng không được điều trị kịp thời.
– Tình trạng hôn mê thường yên lặng, hôn mê sâu không kèm theo các triệu chứng mất nước và đái nhiều. Không có biểu hiện nhiễm trùng.
– Có thể có biểu hiện thần kinh khu trú kèm theo
– Babinski + 2 bên
* Hôn mê sâu có thể phản xạ gân xương giảm
– Co giật toàn thân, có thể gặp co giật khu trú kiểu động kinh
– Không có rối loạn nhịp thở
– Tăng trương lực cơ toàn thân
Chẩn đoán xác định
– Đường máu <70mg/dl ( < 3.9mmol/l )
– Trong trường hợp nghi ngờ giảm đường máu không cần chờ kết quả xét nghiệm mà điều trị thử bằng tiêm truyền G 20% hoặc tiêm glucagon, nếu bệnh nhân tỉnh, chẩn đoán được xác định
Điều trị
Đây là một cấp cứu nội khoa ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân vì vậy phải điều trị ngay khi có triệu chứng hạ đường máu.
+ Đối với trường hợp hạ đường huyết nhẹ và trung bình
– Cần cho ăn ngay tối thiểu 15gr đường (3 miếng đường)
– 100ml nước ngọt (, nước đường , nước hoa quả pha đường ,cocacola)
– Uống 100 – 150ml nước hoa quả (Cam) (100gr đường/lít)
+ Đối với trường hợp hạ đường huyết nặng:
– Tiêm tĩnh mạch dung dịch đường G 20-30% (40-60ml) có thể tiêm nhắc lại nếu bệnh nhân chưa tỉnh.
– Nếu bệnh nhân ở trạng thái kích thích vật và khó tiêm truyền tĩnh mạch có thể Tiêm glucagon 1mg tiêm bắp, sau 10 phút có thể tiêm nhắc lại nếu bệnh nhân chưa tỉnh
+ Bệnh nhân bị hạ đường huyết kéo dài (thuốc uống hạ đường huyết) sau cấp cứu như trên để tránh tái phát có thể truyền :
– Glucose 10% 1000ml/4 giờ; 1000ml/12giờ sau
– Bệnh nhân tỉnh: cho uống hoặc ăn thêm bữa, kiểm tra đường huyết 4giờ/lần để tránh đường huyết quá cao
– Hôn mê kéo dài do cấp cứu muộn hoặc do tai biến nh phù não hoặc tai biến mạch não
– Duy trì đường máu bằng glucose 10%
– Chống phù não bằng hydrocortisone 100mg 4giờ/lần hoặc truyền manitol
– Sử lý nguyên nhân
Bệnh nhân sử dụng insulin phải hướng dẫn lại phương pháp lấy thuốc, bảo quản và cách tiêm, lấy đúng liều lượng ,cách dự phòng và xử lý khi bị hạ đường huyết.
Bệnh nhân do dùng Sulfamid hạ đường huyết đặc biệt người già, phải truyền glucose 10% liên tục 24 giờ và chuyển phòng cấp cứu để theo dõi.
+ Bệnh nhân có rối loạn ý thức nặng phải vào viện để điều trị và theo dõi
+ Phải hướng dẫn phòng hạ đường huyết với bệnh nhân
+ Nếu nghĩ tới hạ đường huyết thì người bệnh phải làm ngay việc sau:
– Ăn ngay 1 bữa ăn, uống nước hoa quả hoặc nước đường
– Báo ngay cho bác sỹ hoặc y tá điều trị bệnh của mình
– Kiểm tra việc đem theo vài tiếng đường khi đi ra khỏi nhà
– Cho bạn bè, người thân đồng nghiệp biết mình đái tháo đường và nói cho họ biết cách xử lý khi bị hạ đường huyết.
+ Phải kiểm tra đường huyết nếu bạn cảm thấy ăn không ngon miệng hoặc ăn ít hơn thường ngày, hoặc vận động quá mức.
+ Hạn chế uống rượu đặc biệt là uống rượu mà không ăn hoặc ăn ít.
+ Đối với phụ nữ phải đặc biệt chú ý những ngày có kinh nguyệt
+ Luôn mang theo người thẻ đái tháo đường hoặc số điện thoại người thân và bác sỹ của mình.
PGS TS Đỗ TRUNG QUÂN – Bệnh viện Bạch Mai
Chưa có bình luận.