Thứ Hai, 28/03/2016 | 10:00

Mới đây, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo gần 87 triệu trẻ em dưới 7 tuổi trên toàn thế giới hiện đang lớn lên trong các vùng chiến sự có nguy cơ chậm phát triển trí não bởi điều kiện sống có thể gây cản trở quá trình phát triển trí não toàn diện của các em.

Trẻ em sống trong vùng chiến sự thiệt thòi đủ đường.

Theo các chuyên gia UNICEF, mỗi trẻ nhỏ khi sinh ra đều có sẵn 253 triệu tế bào thần kinh chức năng hay còn được gọi là các nơron thần kinh. Những nơron này phát triển rất nhanh trong 7 năm đầu đời, tạo tiền đề để phát triển lên 1 tỷ nơron khi trẻ trưởng thành. Quá trình này phụ thuộc chặt chẽ vào những yếu tố phát triển của những năm tháng đầu đời như chế độ dinh dưỡng, cơ hội học tập và đặc biệt là cơ hội sinh trưởng trong môi trường an toàn.

Trẻ em sống trong vùng chiến sự không những phải đối mặt với những tổn thương thể chất luôn rình rập mà còn đứng trước nguy cơ chịu những tổn thương tâm lý sâu sắc.

Việc lớn lên với những tổn thương tinh thần nghiêm trọng sẽ gây cản trở quá trình phát triển các mối liên kết tế bào thần kinh vốn rất quan trọng với sức khỏe con người, đẩy trẻ tới nguy cơ sống trong những căng thẳng cực kỳ có hại đối với quá trình phát triển trí não, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về lâu dài trong phát triển nhận thức, xã hội và thể chất.

UNICEF kết luận, chiến tranh lấy đi cuộc sống an toàn, gia đình, bè bạn, quyền được vui chơi và làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của các em. Chính những yếu tố đó đã cướp đi cơ hội tuyệt vời nhất để các em có một tuổi thơ được phát triển đầy đủ và học tập tốt, cơ hội trở thành những công dân có ích cho cộng đồng và xã hội sau này.

Ngoài các nguy cơ về thể chất mà trẻ em phải đối mặt ngay lập tức, chúng cũng có nguy cơ chịu đựng những vết sẹo về cảm xúc hằn sâu suốt cuộc đời”, bà Pia Rebello Britto, Giám đốc Chương trình phát triển trẻ em giai đoạn đầu của UNICEF cho biết.

“Xung đột cướp đi sự an toàn, gia đình, bạn bè, cơ hội vui chơi và thói quen của trẻ em. Đây là tất cả các yếu tố của thời thơ ấu giúp cho trẻ em có cơ hội tốt nhất để phát triển đầy đủ và học tập một cách hiệu quả, cho phép chúng đóng góp vào nền kinh tế và xã hội của quê hương, cũng như xây dựng một cộng đồng an toàn và mạnh mẽ khi chúng đạt đến tuổi trưởng thành”, bà Pia Rebello Britto nói thêm.

V.N. – Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook