Thứ Ba, 08/09/2015 | 17:21

Tuy mới chỉ bắt đầu mùa mưa nhưng số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM đã tăng đột biến.

Trẻ bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Chỉ có 90 giường bệnh nhưng Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM hiện phải điều trị cho 176 bệnh nhi, trong đó có 102 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết Dangue. Bắt đầu từ tháng 8, số bệnh nhi nhập viện đã có sự tăng đột biến, đáng tiếc, đã có 6 trẻ tử vong.

Th.S, Bs Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, khoa hiện đang điều trị cho 13 bé mắc sốt xuất huyết nặng và bị sốc sốt xuất huyết. Có 4 bệnh nhi rơi vào tình trạng suy hô hấp.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm cho biết, số trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết đang tăng cao. Hiện có 80 trẻ mắc sốt xuất huyết phải điều trị nội trú, trong đó có 10 ca nặng đang phải điều trị truyền dịch, 3 cháu đang phải thở máy.

Theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng khu vực phía Nam, đã có 22.185 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 54% so với năm 2014. Các tỉnh thành được xem là “điểm đen” về sốt xuất huyết là: TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai, Khánh Hòa.

Theo các bác sĩ, dù sốt xuất huyết là một bệnh lưu hành mấy chục năm nay nhưng nhiều phụ huynh vẫn lúng túng trong cách nhận biết và xử trí bệnh này. Đa phần, các ca sốt xuất huyết nặng đều được nhập viện trong giai đoạn muộn. Điển hình như bé trai 6 tuổi tại quận Bình Tân bị sốt cao kèm đau họng, gia đình đưa bé đi khám chuyên khoa Tai mũi họng và được cho thuốc về uống. Bé tiếp tục sốt rất cao, đau đầu, kèm theo chảy máu mũi, người lừ đừ. Khi đến Bệnh viện Nhi đồng 1, bé đã ở giai đoạn nặng của sốt xuất huyết và biến chứng suy hô hấp.

Bên cạnh việc phát hiện muộn, nhiều ca sốt xuất huyết diễn biến nặng do sai lầm trong cách xử trí ban đầu. Nhiều phụ huynh cứ thấy con sốt là cho đi truyền dịch trong khi đó, theo BS Tuấn, khi bệnh nhân mới sốt, chưa rơi vào mức độ máu cô đặc, huyết tương giảm thì việc truyền dịch sớm sẽ vô cùng nguy hiểm. Bởi ở giai đoạn sau của sốt xuất huyết, dịch truyền sẽ thất thoát ra ngoài, gây tình trạng phù nề, suy hô hấp, khó thở. Khi ấy, việc điều trị sẽ khó khăn hơn, bệnh nhân vừa phải truyền dịch vừa hỗ trợ hô hấp.

Theo các bác sĩ, mặc dù sốt xuất huyết có các biểu hiện khá giống với bệnh sốt thông thường nhưng vẫn có một số dấu hiệu đặc trưng như đột ngột sốt cao (39 độ C trở lên); mệt mỏi; da sung huyết ửng đỏ; đau hốc mắt và vùng thái dương… Đặc biệt, khi bệnh nhân có những triệu chứng này, không được tự điều trị tại nhà mà cần đưa đến các cơ sở y tế để có những chẩn đoán và xử lý đúng cách.

An Nhiên

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook