Thứ Bảy, 12/03/2016 | 15:00

“Tôi ước rằng mình mạnh mẽ hơn, ít sợ hãi hơn và có lẽ, ít ích kỷ hơn. Quyền được chết nhân đạo không chỉ tồn tại trong những giấc mơ”, Noah Michelson (Mỹ) bộc bạch.

Hè 2006, Robert Michelson, cha của Noah Michelson (Mỹ) xuất hiện những cơn ho kéo dài nhưng không ai nghĩ đó là cảnh báo nguy hiểm. Tháng 9, ông được chẩn đoán mắc ung thư phổi và qua đời sau 6 tháng. Robert đã chấp nhận dừng chiến đấu, đầu hàng cái chết và ra đi trong vòng tay của gia đình.

Để tưởng nhớ Robert cũng như chia sẻ nỗi đau cùng những người con đã mất đi đấng sinh thành, Noah viết một lá thư với tiêu đề “5 điều tôi học được khi giúp cha qua đời”. Dưới đây là nội dung lược dịch được đăng tải trên Huffington Post.

Hãy làm mọi thứ ngay bây giờ, bởi bạn sẽ không bao giờ biết được điều gì ở phía trước

Cha tôi là một luật sư thành công, ông tỏa sáng ở lĩnh vực. Ông dự định làm việc ít nhất đến năm 85 tuổi, có nghĩa là không nghỉ hưu. Ông bỏ nhiều công sức để đảm bảo mình khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Ông không bao giờ hút thuốc, hiếm khi uống rượu, đi bộ vài dặm một ngày với con chó Harry và uống một nắm vitamin cùng thuốc bổ mỗi sáng sau bữa ăn. Ông đọc nhiều, viết nhiều, đi du lịch mỗi khi có thể. Hơn hết, ông tò mò về thế giới và những người xung quanh.

Cha yêu mẹ tôi rất nhiều, thứ tình yêu mà tôi chưa từng thấy lại từ ngày ông ra đi. Cha yêu anh em tôi vô điều kiện và chắc chắn rằng chúng tôi biết mình được quan tâm. Ông ghét sự bất công. Nếu chúng tôi đến những thành phố lớn, ông sẽ trữ vài đồng lẻ trong túi để cho những người sống trên đường phố đang tìm kiếm sự hỗ trợ. Ông khóc khi xem những bộ phim xưa cũ và là người dở hơi nhất tôi từng gặp.

Nỗi sợ lớn nhất của cha là điều gì xảy ra buộc ông phải trải qua những ngày cuối đầy đau đớn. Ung thư phổi chẳng quan tâm đến những điều ấy. Tất cả những điều tốt cha đã làm, tất cả những kế hoạch đã dự tính, tất cả tình yêu. Tôi nhận ra rằng điều duy nhất quan trọng là những gì chúng ta đang làm ngày hôm nay. Chúng ta chẳng bao giờ biết được liệu có mối nguy nào đang đe dọa căn nhà nhỏ và những người thương yêu. Chúng ta chẳng bao giờ biết được mình còn bao nhiêu thời gian.

Bình an sẽ đến khi đối diện với kết thúc

Phát hiện bị ung thư phổi, cha rất tức giận. Ông còn quá trẻ, quá khỏe mạnh, ông không đáng bị như vậy. Đây là thứ xảy ra với người khác chứ không phải ông. Ban đầu, cha đã cố gắng chống chọi. Ông đến gặp bác sĩ, bắt đầu hóa trị và xạ trị. Ông thậm chí còn thử châm cứu cho đến ngày một chuyên gia tàn nhẫn hỏi: “Để làm gì? Ông sẽ chết trong 6 tháng”. Sau lễ Tạ ơn, cha nhận được cuộc gọi báo rằng ung thư đã lan đến não.

Tháng hai, mẹ gọi điện báo rằng cha tôi sẽ không chiến đấu nữa. Tôi không biết điều gì chờ đợi nếu quay lại căn nhà ở Wisconsin, nhưng khi tôi trở về, cha đã thay đổi. Cơn tức giận đã nhường chỗ cho sự bình tĩnh tôi không nghĩ có thể tồn tại. Cha bảo mẹ đem ra bộ sưu tập đồng hồ, nói anh em tôi hãy chọn những cái mình muốn. Ông cười và ho. Đó là lần cuối cùng tôi thực sự nhìn thấy cha – người đã nuôi tôi khôn lớn. Lúc đó, ông như thể đã dồn mọi sức lực cuối cùng để ở bên gia đình một cách vui vẻ. Ông thanh thản và hạnh phúc.

Trải lòng của người con giúp bố được chết thanh thản
Ảnh minh hoạ: Huffington Post.

Đừng đánh giá thấp sức mạnh của nghệ thuật

Giúp cha ra đi không phải dành hàng giờ mà không làm gì. Mẹ cùng anh em tôi thay phiên nằm cạnh khi cha ngủ để ông luôn có người ở bên, như thế ông biết mình không cô độc. Tôi dành thời gian đọc cuốn Những câu chuyện thành phố của Armistead Maupin. Điều đó giúp tôi trải qua hàng giờ tưởng chừng vô tận, ổn định và giữ nguyên quỹ đạo.

Chúng ta đều có quyền được chết

Ngày quyết định đầu hàng, cha bắt đầu tuyệt thực, hy vọng mình ra đi nhanh nhất có thể. Ông uống chút nước đào vài lần mỗi ngày và nằm trên giường, chờ thần chết gõ cửa. Nhưng chuyện không xảy ra như vậy. Ông từ từ biến thành xác sống. Ông rên rỉ như một con thú bị thương, già đi 20-30 năm so với tuổi thật.

Hơn tất cả mọi thứ, ông chỉ muốn chết. Một hôm chuông cửa nhà chúng tôi reo. Nghe thấy, cha tôi đột nhiên thức dậy và hỏi tôi: “Có phải họ không?”. Tôi không hiểu, hỏi lại: “Ai cơ?”. Ông trả lời: “Những người đến đưa cha đi ấy”. Đau đớn hơn, ông yêu cầu mẹ và tôi để ông chết. Tôi không biết diễn tả thế nào cảm giác một người bố xin con được chết.

Tôi đã nghĩ đến điều đó, tôi biết mẹ cũng vậy. Điều này tương đối dễ dàng bởi chúng tôi có đủ morphine để giết một con cá voi lưng gù nhưng cả hai đều sợ đi tù nếu ai đó phát hiện ra. Vì vậy tôi chỉ xoa lưng cha, thì thầm những câu chuyện hồi nhỏ cho đến khi cha ngủ.

Một trong những hối tiếc lớn nhất của tôi là đã không tôn trọng yêu cầu được chết của cha. Tôi đã không thể chấm dứt nỗi đau khổ cho ông. Tôi ước rằng mình mạnh mẽ hơn, ít sợ hãi hơn và có lẽ, ít ích kỷ hơn. Quyền được chết nhân đạo không chỉ tồn tại trong những giấc mơ.

Tình yêu là có thật

Hồi 5 tuổi, tôi cũng bị ung thư. Khối u trong bụng khiến tôi phải phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Trở về nhà, tôi nhớ rằng cha đã rất dịu dàng chăm sóc dù nước mắt chảy dài trên khuôn mặt hai chúng tôi.

Đó có lẽ là ký ức đầu tiên về tình yêu của cha. Nó trở lại khi tôi nằm trên giường ông. Ông thì thào: “Cha hy vọng mình đã là một người cha tốt”. Trong giây lát, trái tim tôi ngừng đập. Tôi biết chính xác điều gì sẽ xảy đến.

Tôi không thể ngăn cản những gì đang xảy ra, cũng không thể sửa chữa. Tôi chỉ biết mình được yêu thương. Tôi nói với cha rằng mình may mắn vì được ở cạnh ông, dù chỉ một ngày hay một giờ.

Chưa đầy một tuần sau, cha qua đời.

Cái chết của cha tôi là một bi kịch. 4 tuần ở bên giúp ông ra đi thanh thản đã dạy tôi hiểu về con người cha, con người mình; ý nghĩa của tình yêu, ý nghĩa khi mất thứ bạn nghĩ không bao giờ mất và cuối cùng, ý nghĩa của việc phải thức dậy mỗi ngày để tiếp tục bước đi.

Minh Nguyên

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook