Thứ Hai, 12/09/2016 | 15:00

Ngày 12.9, tại TP.HCM đang diễn ra Diễn đàn chất lượng bệnh viện. TP Hồ Chí Minh được đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước về những thay đổi tích cực trong công tác quản lý khám chữa bệnh. Nhân sự kiện này, phóng viên báo Sức khoẻ&Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở y tế TP Hồ Chí Minh về những điểm nhấn y tế của thành phố trong thời gian qua..

Phóng viên: Là cơ quan quản lý y tế một thành phố lớn, ông có thể cho biết Sở y tế TP.HCM có những biện pháp cụ thể gì để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên địa bàn của mình?

TS.BS Tăng Chí Thượng: Trong tình hình mới hiện nay, việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh không chỉ là trách nhiệm mà còn là yếu tố quyết định sự tồn tại của bất cứ một cơ sở khám chữa bệnh nào. Cách đây 3 năm, Sở Y tế TP.HCM đã chủ động thành lập Hội đồng quản lý chất lượng KCB nhằm định hướng, nắm bắt thực trạng và hỗ trợ cho các cơ sở KCB đẩy mạnh hoạt động nâng cao chất lượng KCB và chất lượng phục vụ người bệnh. SYT đã cụ thể hoá 5 mục tiêu chất lượng cho tất cả cơ sở KCB phấn đấu thực hiện, đó là: (1) Hiệu quả hơn, (2) An toàn hơn, (3) Nhanh hơn, (4) Chi phí hợp lý hơn và (5) Người bệnh hài lòng hơn.

Cách làm của Sở Y tế (SYT) TP.HCM là: Tổ chức kiểm tra, đánh giá chuyên đề về chất lượng KCB theo 5 mục tiêu trên tại các bệnh viện; Xây dựng và ban hành các khuyến cáo triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng KCB; Tổ chức đào tạo, huấn luyện cho đội ngủ tham gia công tác quản lý bệnh viện đông đảo nhất của ngành y tế là các trưởng, phó khoa phòng trong bệnh viện; Kiểm tra, đánh giá việc triển khai các khuyến cáo; Định kỳ hàng quý giao ban chuyên đề hoạt động cải tiến chất lượng KCB cho tất cả BV thuộc SYT quản lý nhằm giới thiệu và nhân rộng những cách làm hay của các đơn vị và nhắc nhỡ những hoạt động không đúng tránh lặp lại; Bên cạnh đó SYT còn chủ động tổ chức khảo sát hài lòng và trải nghiệm của người bệnh tại tất cả bệnh viện; công khai cho người dân biết kết quả đánh giá chất lượng KCB hàng năm theo tiêu chí của Bộ Y tế và kết quả khảo sát hài long người bệnh.

SYT cũng đã triển khai một hoạt động mới không thể thiếu và mang tính hội nhập quốc tế, đó là xây dựng văn hoá chất lượng và an toàn người bệnh. Qua đó, SYT đã nắm bắt được thực trạng văn hoá an toàn người bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố và khuyến cáo cho các bệnh viện cần tập trung cho những hoạt động mà những suy nghĩ, nhận thức và hành vi của nhân viên y tế về chất lượng và đảm bảo an toàn người bệnh của bệnh viện chưa theo chiều hướng tích cực.

TP Hồ Chí Minh:Trạm y tế xã phường không còn đìu hiu

Phóng viên: Được biết thành phố HCM có 2 điểm nhấn về y tế giúp cứu mạng hàng ngàn bệnh nhân nguy kịch là triển khai hệ thống Báo động đỏ, và Cấp cứu ngoại viện, ông có thể cho biết 2 hệ thống này hiện hoạt động ra sao, đạt hiệu quả cụ thể như thế nào cũng như kế hoạch nhân rộng và phát triển 2 mô hình này?

BS Tăng Chí Thượng: Hai hoạt động này đều xuất phát từ quyết tâm của ngành y tế là lấy người bệnh làm trung tâm, nhất là người bệnh không may rơi vào tình huống nguy kịch: Làm thế nào tiếp cận người bệnh nhanh nhất để kịp thời sơ cấp cứu và làm thế nào huy động được sự hỗ trợ kịp thời trong can thiệp điều trị cấp cứu của các chuyên gia thuộc các bệnh viện đầu ngành của thành phố.

SYT đã xây dựng kế hoạch và đang trên lộ trình triển khai thực hiện mạng lưới cấp cứu 115 bao gồm nhiều điểm cấp cứu vệ tinh nằm ngay trên các bệnh viện quận, huyện và bệnh viện tư nhân trên địa bàn thành phố, với mục tiêu phấn đấu là ít nhất mỗi quận, huyện đều có trạm cấp cứu 115 vệ tinh. Khi có cuộc gọi yêu cầu cấp cứu của người dân, Trung tâm cấp cứu thành phố sẽ điều phối chọn điểm cấp cứu vệ tinh gần người dân nhất để xuất xe cứu thương để điểm cấp cứu nhanh nhất.

Sau khi sơ cứu, xe cứu thương sẽ chuyển người bệnh về bệnh viện gần nhất để được can thiệp điều trị kịp thời. Trong tình huống người bệnh nguy kịch cần can thiệp phẫu thuật khẩn cấp, nhân viên y tế trên xe cứu thương có thể kích hoạt báo động đỏ cho bệnh viện sắp chuyển đến để kịp thời chuẩn bị và can thiệp điều trị ngay khi xe cứu thương đưa người bệnh đến bệnh viện.

Trường hợp quá khả năng của bệnh viện và không thể chuyển tuyến do tình trạng người bệnh nguy kịch có khả năng tử vong trên đường chuyển tuyến, bệnh viện sẽ kích hoạt báo động đỏ liên viện để bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối cử ngay các chuyên gia đến phối hợp hỗ trợ can thiệp điều trị cho người bệnh.

Thực tế đã chứng minh đây là cách làm đúng và đã có nhiều trường hợp người bệnh nguy kịch được cứu sống. Hiện nay đã có 9 trạm cấp cứu 115 vệ tinh và dự kiến tổng cộng sẽ có 14-15 trạm trong năm 2016 và tiếp tục phát triển để đến 2020 Thành phố có ít nhất 24 trạm cấp cứu 115. SYT vừa tổ chức diễn tập báo động đỏ liên viện trong cấp cứu sản khoa, và sẽ tiếp tục cho diễn tập báo động đỏ liên viện trong đa chấn thương do tai nạn giao thông trong thời gian tới.

TP Hồ Chí Minh:Trạm y tế xã phường không còn đìu hiu

TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở y tế TP Hồ Chí Minh

Phóng viên: Hiện tình trạng đìu hiu, không có bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu như trạm y tế phường, bệnh viện tuyến huyện khá phổ biến trong cả nước, TP HCM có biện pháp gì để thu hút bệnh nhân tại các cơ sở này, kết quả ra sao thưa ông?

BS Tăng Chí Thượng: Hiện nay nhiều bệnh viện quận, huyện đã thu hút người bệnh đến khám chữa bệnh như bệnh viện quận Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 2, quận Tân phú, quận Bình Thạnh,… thậm chí đã bắt đầu có hiện tượng quá tải tại các bệnh viện này. Đó là kết quả của việc triển khai hoạt động “Khoa vệ tinh” của các bệnh viện tuyến cuối của Thành phố đến các bệnh viện quận, huyện  của Thành phố. Mô hình này được khởi động cách đây 5 năm, và hiện nay SYT vẫn duy trì mô hình này cho các bệnh viện quận huyện còn khó khăn như bệnh viện huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh, huyện Nhà bè…Ngoài ra SYT cũng định hướng phát triển cho các bệnh viện quận huyện của Thành phố phù hợp với vị trí địa lý và nhu cầu KCB của người dân: đối với các bệnh viện quận nội thành vốn rất gần các bệnh viện Thành phố thì đẩy mạnh phát triển và đa dạng hoá hoạt động KCB ban ngày, đối với các quận huyện xa trung tâm thì phát triển toàn diện cả nội trú và ngoại trú, một số bệnh viện quận đã thu hút đông đảo người dân thì phát triển toàn diện theo mô hình bệnh viện đa khoa chuyên sâu và là cơ sở thực hành cho Đại học Phạm Ngọc Thạch.

Để thu hút người dân đến KCB ban đầu tại Trạm y tế, đây là một thách thức không nhỏ đối với ngành y tế thành phố. Bên cạnh đẩy mạnh phát triển hệ thống bác sĩ gia đình đến tất cả Trạm y tế, SYT cũng đã thí điểm một mô hình mới “Phòng khám đa khoa của bệnh viện quận đặt tại Trạm y tế”. Với mô hình này, mỗi quận huyện sẽ xem xét chọn một số phường, xã đông dân nhưng xa bệnh viện sẽ triển khai phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận đạt ngay tại trạm y tế. Sau gần 2 tháng thí điểm tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức cho thấy sự thu hút người bệnh đến trạm, số lượng khám đã tăng vọt từ 20 lượt/ngày trước đây đã tăng 10 lần lên 200 lượt/ngày, và đây là trạm y tế đầu tiên cả nước đã triển khai lọc thận nhân tạo trung bình 10-12 lượt lọc thận/tuần.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Y.C (thực hiện)

Nguồn: SKDS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook