Thứ Năm, 26/04/2018 | 08:19

Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, những tác động có hại của tia UV trong ánh nắng mặt trời ngày càng được nghiên cứu nhiều hơn. Tổ chức The Skin Cancer Foundation – 1 tổ chức chuyên về ung thư khuyên mọi người nên sử dụng 1 sản phẩm kem chống nắng có khả năng dưỡng ẩm và chứa chỉ số chống nắng tối thiểu là SPF15. Tùy trường hợp sử dụng bạn sẽ chọn cho mình 1 chỉ số thích hợp nhất. Các thành phần trong sản phẩm này nên là Zinc Oxide, Titanium Dioxide, Avobenzone hoặc Ecamsule (Mexoryl), kết hợp cùng các thành phần khác như Octocrylene và Avobenzone để bảo vệ da tốt nhất.

Kem chống nắng điển hình thường được sử dụng, gồm 2 nhóm: chống nắng vật lý (phản xạ hoặc tán xạ tia sáng chiếu tới bề mặt da) và chống nắng hóa học (hấp thu những tia cực tím năng lượng cao).

Hiệu quả của kem chống nắng phụ thuộc vào tính chất của các yếu tố bảo vệ (sun protection factor), rất nhiều tác nhân có được khả năng này, từ những chất chống oxy hóa đến dịch chiết từ thực vật hay enzyme sửa chữa ADN.

Lịch sử quá trình sử dụng kem chống nắng

Người Ai Cập cổ đại đã biết sử dụng dầu olive để bảo vệ da nhưng phương pháp này không đạt hiệu quả cao. Năm 1944, dược sĩ Benjamin Greene đã dùng hợp chất tên là Red Veterinary Petrolatum cứu những binh sĩ khỏi những bức xạ có hại bằng cách “khóa” những tia sáng lại, đây được xem là khởi đầu cho nền công nghiệp kem chống nắng về sau này.

Sơ lược về tia UV

Tia UV là một thành phần nhỏ trong dãy quang phổ điện từ với bước sóng nằm trong khoảng 200 – 400 nm và được chia thành 3 vùng:

Chỉ tiêu:         UVA                            UVB               UVC

Bước sóng:    320 – 400 nm                     290 – 320 nm          200 – 290 nm

Tính chất UVA:      

Chiếm từ 90 – 95% tia UV chiếu tới mặt đất, không bị tầng ozone hấp thụ

Xâm nhập sâu vào các lớp da, gây ra hiện tượng rám nắng

Ức chế chức năng miễn dịch, gây ra lão hóa sớm ở da

Tính chất UVB:

Bị tầng ozone hấp thụ một phần.

Không xâm nhập sâu vào da như tia UVA

Là nguyên nhân gây ra bỏng rát, cháy nắng.

Góp phần gây lão hóa, ung thư da và gây đục thủy tinh thể

Tính chất UVC:

Bị tầng ozone hấp thụ gần như hoàn toàn

Có thể góp phần làm cháy nắng và lão hóa sớm ở da.

Sơ lược về kem chống nắng

Kem chống nắng được chia làm 2 loại là chống nắng vật lý và chống nắng hóa học dựa theo cơ chế hoạt động.

Kem chống nắng hóa học: là những hợp chất thơm liên hợp với nhóm carbonyl, đây là cấu trúc chung cho phép phân tử có khả năng hấp thụ những tia UV có năng lượng cao, phóng thích lại những tia có năng lượng thấp hơn và hạn chế tác động có hại của ánh sáng mặt trời trên da.

Chống nắng vật lý: là những hợp chất có khả năng phản xạ hoặc tán xạ tia UV, thành phần thường gặp nhất là khoáng chất trơ như titan dioxid và kẽm oxid.

Tùy theo thành phần cấu trúc của phân tử mà các hợp chất chống nắng có thể hấp thu hiệu quả tia UVB hoặc vừa UVB vừa UVA.

– Chất chống tia UVB

Para aminobenzoic acid: đây là hợp chất đầu tiên được sử dụng rộng rãi trong kem chống nắng, có nhược điểm là sử dụng tá dược lỏng, làm bẩn quần áo và gây ra nhiều phản ứng phụ khác. Dẫn xuất ester – chủ yếu là padimate O hoặc octyl dimethyl PABA – tương hợp với nhiều tá dược mỹ phẩm, ít gây bẩn quần áo và ít phản ứng phụ hơn. Padimate O hấp thụ tia UVB rất tốt, ngày nay ít được sử dụng riêng lẻ vì xu hướng mới là kết hợp nhiều thành phần lại với nhau để đạt được SPF (sun protection factor) như mong muốn.

Cinnamates: là những hợp chất chống tia UVB rất tốt, được dùng thay cho các dẫn xuất của PABA, Octinoxate hay Octyl methoxy cinnamate cho hiệu quả kém hơn padimate O, thường được sử dụng trong kem chống nắng.

Octisalate: Octisalate hay Octyl salicylate được dùng để mở rộng phổ chống nắng của UVB, các chất này rất an toàn nhưng cho tác dụng yếu và thường sử dụng kết hợp với chất khác.

Octocrylene: thường sử dụng kết hợp với chất hấp thụ UV khác như avobenzone để đạt đến SPF cao hơn hoặc để tăng tính ổn định cho sản phẩm trong một vài trường hợp.

Ensulizole: khác với những hợp chất chống nắng hóa học khác, ensulizole hay acid phenyl benzimidazole sulfonic tan được trong nước và được thêm vào công thức để giảm tính trơn nhờn cho các sản phẩm dưỡng ẩm hàng ngày. Chất này chỉ hấp thụ chọn lọc cho tia UVB, cho hầu hết tia UVA đi qua.

– Chất chống tia UVA

Benzophenone: nhóm này hấp thụ chủ yếu là UVB, riêng oxybenzone hấp thụ tia UV-A2 khá tốt và là một chất có phổ chống nắng rộng.

Anthranilate: hấp thụ chủ yếu là tia UV-A2 trong dãy quang phổ, ít hiệu quả hơn benzophenone nên ít phổ biến.

Avobenzone: cho tác dụng bảo vệ khỏi tia UVA tốt, bao gồm cả UV-A1, chất này được sử dụng để mở rộng phổ chống nắng, tăng tính ổn định và giảm bớt các thành phần khác cần sử dụng trong sản phẩm.

Mexoryl SX: còn gọi là acid terephthalylidene dicamphor sulfonic, tan được trong nước và cho tác dụng kháng UVA tốt.

Bisethylhexyloxyphenol methoxy phenyl triazene: sử dụng kết hợp với avobenzone trong kem chống nắng để tăng độ ổn định quang học.

Chống nắng vật lý:

Thành phần thường gặp là các khoáng chất trơ như titanium dioxide hoặc oxit kẽm có tác dụng phân tán và phản xạ bức xạ mặt trời. Loại phổ biến nhất được sử dụng là titanium dioxide siêu mịn, có phổ chống nắng rộng, thường được sử dụng trong các công thức mỹ phẩm, giúp ổn định về mặt hoá học và không gây dị ứng ánh sáng, viêm da tiếp xúc hay dị ứng da.

Tùy vào từng loại da khác nhau mà các bạn gái có thể lựa chọn cho mình loại kem có thành phần kem chống nắng phù hợp nhất. Ví dụ như làn da nhạy cảm thì chúng tôi khuyên bạn nên lựa chọn những loại kem chống nắng vật lý để tránh gây kích ứng da.

Cách bôi kem chống nắng hiệu quả

– Lấy một lượng kem chống nắng vừa đủ, thoa đều lên da từ 15 – 20 phút trước khi ra ngoài để kem có thời gian thẩm thấu và phát huy tác dụng.

– Sau 3 tiếng bôi lại một lần nếu phải tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.

– Lựa chọn những loại kem chống nắng không thấm nước để tránh việc đổ mồ hôi.

– Chú ý đến hạn sử dụng của kem, thành phần kem chống nắng sẽ bị giảm sút theo thời gian.

– Không nên dùng kem chống nắng cho bé dưới 6 tháng tuổi.

– Không nên sử dụng kem trang điểm có độ UV cao để thay kem chống nắng vì thực tế là da của bạn cần một lượng gấp 7 lần thành phần chống nắng trong kem nền gấp 14 lần lượng phấn bột có chỉ số SPF thì việc bảo vệ da mới hiệu quả.

Tìm hiểu về tia UV để lựa chọn kem chống nắng hiệu quả

Bài liên quan: Dùng kem chống nắng thế nào cho hiệu quả với các chỉ số SPF

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook