Kết quả cho thấy vaccine không thể ngăn chặn quá trình lây nhiễm của Plasmodium vivax nhưng có tác dụng giảm thời gian phát triển bệnh 1 cách rõ rệt.
Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm vaccine đặc chủng dành cho căn bệnh sốt rét trên người để bảo vệ nhân loại khỏi một trong hai loại ký sinh trùng sốt rét nguy hiểm nhất hiện nay là Plasmodium vivax. Cụ thể, các bác sỹ tại trung tâm nghiên cứu Water Reed (trực thuộc Bộ quốc phòng Mỹ) đã tiến hành tiêm 3 liều vaccine cho 30 tình nguyện viên, sau đó 14 ngày họ sẽ được cắn bởi muỗi mang theo ký sinh trùng Plasmodium vivax.
Kết quả cho thấy vaccine không thể ngăn chặn quá trình lây nhiễm của Plasmodium vivax nhưng có tác dụng giảm thời gian phát triển bệnh 1 cách rõ rệt. Bên cạnh đó, những người tham gia thử nghiệm không có bất kỳ biểu hiện của tác dụng phụ nào nguy hiểm ngoài đau đầu và mệt mỏi. Ngoài ra, việc thử nghiệm cũng phải đối mặt với 1 khó khăn nhất định đó là ký sinh trùng Plasmodium vivax không thể tạo ra trong phòng thí nghiệm, nên các bác sỹ đã phải lấy muỗi thường hút máu từ một bệnh nhân đã nhiễm Plasmodium vivax trước đó.
Tác giả của nghiên cứu, trung tá Jason W. Bennett, cho biết đây là bước tiến đầu tiên của giới khoa học về vấn đề đưa ra 1 vaccine kiểm soát tình hình sốt rét hiện nay. Ngoài ra, ông Bennett cũng nói thêm rằng mình cùng các đồng nghiệp đã phát hiện ra một 1 bất ngờ về lý do vì sao loại thuốc duy nhất được Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hòa kỳ (FDA) có khả năng điều trị đối với Plasmodium vivax trong giai đoạn ủ bệnh là primaquine lại không có tác dụng đối với nhiều người khiến cho nó không phải là dược phẩm chủ đạo trong quá trình điều trị sốt rét.
Cụ thể, các nhà khoa học đã khẳng định rằng những người có nồng dộ enzyme 2D6 (CYP2D6) trong gan do những lý do di truyền sẽ không thể chuyển đổi primaquine thành những kháng thể để tiêu diệt ký sinh trùng bên trong cơ thể người. Chính vì thế, trung tá Bennett đã gợi ý về việc sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR để hạn chế nhược điểm này của thuốc primaquine bằng cách điều chỉnh lượng enzyme 2D6 ở trong gan. Ông hy vọng cải thiện khả năng điều trị của primaquine sẽ đưa ra nhiều lựa chọn cho bệnh nhân bên cạnh các chủng vaccine trong tương lai.
Mặc dù kết quả thử nghiệm lần này chỉ mới dừng lại ở việc hạn chế tốc độ phát triển của bệnh, các chuyên gia y tế đã lên tiếng chúc mừng đội ngũ nghiên cứu của trung tá Bennett và họ cũng nhận định rằng đây sẽ là cơ sở để giới khoa học phát triển một loại vaccine hoàn thiện hơn trong tương lai.
Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất và là vấn đề rất nghiêm trọng đối với sức khoẻ cộng đồng. Bệnh gây ra bởi ký sinh trùng protozoa thuộc chi Plasmodium. Chi này có bốn loài làm con người nhiễm bệnh. Nguy hiểm hơn cả là Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax. Hai loài còn lại (Plasmodium ovale, Plasmodium malariae) cũng gây bệnh nhưng ít tử vong hơn. Nhóm các loài Plasmodium gây bệnh ở người thường được gọi chung là ký sinh trùng sốt rét. Riêng loài P. knowlesi, phổ biến ở Đông Nam Á, gây bệnh sốt rét ở khỉ nhưng cũng có thể gây nhiễm trùng nặng ở người
Sốt rét lây truyền từ người này sang người khác khi những người này bị muỗi đốt. Bệnh phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Mỹ, châu Á và châu Phi. Mỗi năm có khoảng 515 triệu người mắc bệnh, từ 1 đến 3 triệu người tử vong – đa số là trẻ em ở khu vực phía nam sa mạc Sahara, châu Phi. 90% số ca tử vong xảy ra tại đây.Sốt rét thường đi kèm với đói nghèo, lạc hậu và là một cản trở lớn đối với phát triển kinh tế.
Tham khảo Iflscience
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.