Cùng với hiệu quả ngắn ngày trong điều trị, thuốc trị đái dầm luôn đi kèm với không ít tác dụng phụ.
Đái dầm vốn dĩ là chuyện “quen thuộc” của trẻ nhỏ, nhưng khi bé đã lên năm lên mười thì đó là “mối lo” ngày đêm của không ít cha mẹ. Có nhiều yếu tố góp phần gây ra tình trạng đái dầm. Đó có thể là sự chậm trưởng thành của cơ chế kiểm soát đi tiểu, yếu tố di truyền, tâm lý, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hormone hay một số bất thường thực thể của đường tiết niệu.
Ngoài ra, đái dầm cũng có thể do những bệnh lý thực thể gây nên, như đái tháo nhạt, đái tháo đường, nhiễm trùng tiểu, hẹp bao quy đầu, niệu quản lạc chỗ, bệnh lý bàng quang thần kinh… Chỉ nên điều trị bằng thuốc khi các phương pháp không dùng thuốc tỏ ra không hiệu quả và trẻ đái dầm thường xuyên gây ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt.
Ảnh minh họa |
Thuốc nào, tác dụng phụ nấy
Không ít người tự tìm mua các loại thuốc trị đái dầm mà không cần chỉ định của bác sĩ. Bạn nên biết, thuốc trị bệnh đái dầm là một trong những dòng thuốc có nhiều tác dụng phụ. Việc dùng không theo chỉ định sẽ đẩy bạn đến với nhiều nguy cơ khác.
Mặt khác, đái dầm thường là một hiện tượng sinh lý ở trẻ em, ít khi đòi hỏi phải điều trị. Hiện nay, các phương pháp điều trị đái dầm nói chung có hiệu quả không lâu dài mà thường tái phát nhanh sau khi ngưng điều trị.
Hiện có một số loại thuốc thường được dùng để trị đái dầm như sau:
1. Desmopressin: Là dẫn chất tổng hợp hormone chống bài niệu, được bào chế dưới dạng thuốc nhỏ mũi, thuốc phun vào mũi có tác dụng làm giảm nước tiểu về đêm. Thuốc tác dụng tốt nhất ở những người có tăng số lượng nước tiểu về đêm vượt quá sức chứa của bàng quang. Thuốc cho hiệu quả giảm được số lần đái dầm hơn 75% so với dùng giả dược.
Các thuốc điều trị “dấm đài” nói chung cho hiệu quả khoảng 40-80%, nhưng cũng có tới 20-60% bị tái phát sau khi ngưng dùng thuốc. |
=> Nhưng tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc là làm giảm Na(+) huyết kèm ngộ độc nước, có thể gây kích thích và chảy máu mũi. Ngoài ra, tuy rất hiếm gặp nhưng đã có những trường hợp dùng thuốc bị hôn mê, co giật.
2. Oxybutynin chloride: Hay còn gọi thuốc kháng cholinergic, cho hiệu quả rõ rệt với những trẻ có bất ổn ở bàng quang với tác dụng chống co thắt bàng quang mạnh, tăng dung tích chức năng bàng quang, dùng để điều chỉnh rối loạn tiểu. Có thể dùng cho trẻ 5 tuổi trở lên với mục đích cải thiện dung tích bàng quang, chức năng điều chỉnh rối loạn tiểu. Không dùng cho trẻ dưới 5 tuổi, trẻ có đái dầm ban đêm, trương lực ruột kém, nhược cơ năng, viêm phế quản mạn.
=> Tuy nhiên, những thống kê cho thấy có tới 17% trẻ gặp phải những tác dụng phụ của thuốc như: khô miệng, tim đập nhanh, rối loạn thị giác, làm chức năng vận chuyển của ruột suy giảm gây ảo giác, ảo thính, làm tim đập nhanh, gây ban da.
3. Thuốc chống trầm cảm (như Imipramin, hoặc loại thuốc trầm cảm 3 vòng khác tương tự): Loại thuốc này đồng thời cho hiệu quả rất cao trong kháng tiết cholin ở trung ương và ngoại vi. Dùng thuốc có thể giảm đái dầm khoảng 50-75% và có 20% hết hẳn đái dầm nhưng đa số trẻ vẫn bị mắc lại sau khi ngưng dùng thuốc. Tuy nhiên, loại thuốc này được chỉ định là biện pháp cuối cùng và không được khuyến khích dùng.
=> Vì đây là thuốc chống trầm cảm nên có tác dụng phụ là làm thay đổi khí sắc, rối loạn giấc ngủ, khi dùng quá liều có thể tử vong. Tuyệt đối chỉ dùng thuốc này khi có chỉ định của bác sĩ.
Hồng Nhung
Chưa có bình luận.