Thứ Tư, 25/11/2015 | 15:30

Ngoài phương pháp phẫu thuật lấy sỏi cổ điển, vài thập niên qua có nhiều phương pháp loại bỏ sỏi niệu như tán sỏi ngoài cơ thể, lấy sỏi ít xâm lấn

Ngoài phương pháp phẫu thuật lấy sỏi cổ điển, vài thập niên qua có nhiều phương pháp loại bỏ sỏi niệu như tán sỏi ngoài cơ thể, lấy sỏi ít xâm lấn (lấy sỏi thận qua da, lấy sỏi nội soi sau phúc mạc). Nhưng phương pháp điều trị nội khoa sỏi niệu (dùng thuốc) vẫn còn phát huy tác dụng trong các giai đoạn bệnh nào đó hoặc kết hợp với phương pháp điều trị ngoại khoa.

Thuốc dùng trong điều trị sỏi tiết niệu

Hình ảnh sỏi tiết niệu.

Nguyên nhân hình thành sỏi niệu có thể do một số chất (như acid uric, cystin) trong nước tiểu có nồng độ cao dẫn đến kết tinh thành sỏi; một số chất có vai trò ức chế sự kết tinh này (như magie, các citrat, pyrophosphat) bị hạ thấp làm cho quá trình kết tinh các chất trên dễ xảy ra; ngoài ra còn có sự tham gia của các yếu tố thuận lợi như: sự bất thường ở đường niệu làm cho nước tiểu lắng đọng kéo dài… Các chất kết tinh thành sỏi hay gặp là canxi oxalat (chiếm tới 70%), canxi phosphate (chiếm 5-10%), struvit (15-20%), acid uric (10%), cystin (1%).

Phương pháp điều trị nội khoa sỏi niệu thường được sử dụng hai nhóm thuốc:

Thuốc điều trị cơn đau quặn thận do sỏi

Thường dùng gồm nhóm kháng viêm không steroid (diclofenac, kerolac) hay nhóm á phiện (tramadol, meperidin). Nhóm á phiện ức chế thần kinh trung ương, làm giảm đau sớm hơn (sau khi dùng 10 phút). Nhóm kháng viêm không steroid ức chế tổng hợp chất prostaglandin, làm giảm đau tuy có chậm nhưng mạnh hơn, nhất là khi dùng đường tiêm.

Trước đây, dùng chất kháng muscaric làm giảm co thắt cơ trơn niệu quản như buscopan. Về thực hành khi dùng các chất kháng muscaric như buscopan dưới dạng riêng lẻ hay kết hợp với hai nhóm thuốc trên không thu được ích lợi gì thêm về giảm cơn đau quặn thận. Vì vậy, nay không dùng nữa.

Trước đây, người bị sỏi được khuyên uống nhiều nước hay dùng thuốc lợi tiểu với hy vọng làm thoát sỏi ra ngoài, nhưng thực tế không thu được ích lợi đó, đôi khi có thể gây giãn đài bể thận niệu quản, suy thận.

Thuốc làm tan sỏi hay tống sỏi ra ngoài

Thuốc làm tan sỏi

Trước đây dùng piperazin làm cho acid uric trong nước tiểu thải dễ dàng, không kết tinh lại thành sỏi, nhưng hiện nay ít dùng. Người bị bệnh gut có acid uric cao, kết tinh kết thành urat ở khớp, dưới da. Có nhiều thuốc làm tăng sự thải acid uric (như probecnic, benzbromazon, sulphipyrazon). Tuy nhiên chỉ dùng các thuốc này để chữa bệnh gut. Khi dùng, lượng acid uric trong nước tiểu tăng lên, phải uống nhiều nước (kèm natribicarbonat) để nồng độ acid uric hạ thấp, không gây kết tinh sỏi urat.

Hiện còn dùng một hỗn hợp các chất terpen (như pinen, camphen, cineol, fenchon, borneol, anethol) nhằm làm tan và tống suất sỏi, tăng lượng máu qua thận, tăng lượng nước tiểu, giảm viêm đường niệu.

Thuốc giúp tống sỏi ra ngoài

Sỏi có kích thước nhỏ dưới 5mm có khả năng tự thoát ra ngoài nhưng với thời gian dài (khoảng 40 ngày). Dùng thuốc sẽ giúp cho việc tống sỏi nhanh hơn.

Trong niệu quản đặc biệt là đoạn cuối có nhiều thụ thể alpha adrenegic-1 làm co thắt cơ trơn gây trở ngại cho việc thoát sỏi. Dùng thuốc chẹn canxi như nifedipin hay thuốc cản trở alpha adrenecgic-1 như tamsulosin sẽ giảm co thắt cơ trơn, giúp tống sỏi dễ dùng hơn.

Phù nề niệu quản tại vị trí sỏi cản trở sỏi thoát, dùng corticosteroid như metyl prednisolom hay delflazacort sẽ làm giảm phù nề giúp tống sỏi dễ dàng hơn.

Đã có nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy, dùng các thuốc này tỷ lệ sỏi bị tống ra ngoài cao hơn có ý nghĩa so với không dùng thuốc hay dùng thuốc vờ (giả dược). Nên dùng phối hợp các thuốc này thì tỷ lệ tống sỏi ra ngoài cao hơn có ý nghĩa so với dùng mỗi thứ riêng lẻ. Thuốc có hiệu quả cả khi sỏi có đường kính lớn hơn 5mm thậm chí có trường hợp 12mm. Dùng thuốc sớm khi sỏi còn nhỏ, hiệu quả cao hơn và an toàn hơn.

Từ đó, người ta đưa ra 2 công thức dùng: hoặc kết hợp nifedipin với methyl prednisolon hay delflazacort hoặc kết hợp tamsulosin với delflazacort. Công thức sau cho thời gian tống sỏi nhanh hơn.

Một vài lưu ý khi dùng:

– Không dùng cùng lúc cả nifedipin và tamsulosin vì cả hai sẽ gây tụt huyết áp mạnh (đặc biệt ở tư thế đứng).

– Không dùng tamsulosin cùng với các thuốc chẹn thụ thể alpha adrenecgic khác (như prazosine, terazorine) vì làm tụt huyết áp mạnh (đặc biệt ở tư thế đứng).

– Không dùng nifedipin với các thuốc chẹn canxi hay các thuốc hạ huyết áp khác vì làm tăng tác dụng hạ huyết áp.

Cả hai thuốc đều phải dùng rất cẩn trọng với người suy gan thận và người cao tuổi; cần giảm liều so với người bình thường.

Thận trọng và tốt nhất tránh dùng cho người có thai và cho con bú. DS. Vũ Trung Hải

Nguồn: SKDS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook