Trước thông tin ăn thịt gà cơm nếp sinh sán xơ mít, các chuyên gia dinh dưỡng đều bác bỏ và cho biết đó là vô căn cứ.
Gần đây, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ với chúng tôi và nhiều báo khác thông tin, ăn thịt gà cơm nếp sinh sán xơ mít. Tuy nhiên, ngay khi bài báo được đăng tải, nhiều độc giả và chuyên gia đều cho rằng, điều này không thể xảy ra.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, chuyên khoa Ký sinh trùng cho biết, một người chỉ có thể nhiễm sán xơ mít khi nuốt phải ấu trùng sán, có thể qua việc ăn thịt tái, thịt sống, rau sống hoặc nguồn nước có nhiễm ấu trùng sán xơ mít. Khi đó, ấu trùng sẽ đi thẳng vào trong ruột người, tự sinh sản và phát triển thành sán trưởng thành. Một ấu trùng sán xơ mít có thể tồn tại trong cơ thể người đến 30 năm.
“Ăn thịt gà cùng cơm nếp không phải là nguyên nhân sinh ra sán loại này nhưng với những người đã bị nhiễm sán xơ mít, khi ăn hai thực phẩm này sẽ tạo môi trường dinh dưỡng tốt cho sự phát triển của chúng”, bác sĩ Ánh nói.
Ảnh minh họa – Nguồn Internet
Cũng theo bác sĩ này, khi ăn thịt gà, cơm nếp nói riêng, và các thực phẩm khác nói chung, nếu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đều có nguy cơ nhiễm giun sán.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) không đồng tình với thông tin thịt gà ăn với cơm nếp sinh sán sơ mít. Ông cho rằng, đây là món ăn quen thuộc của người Việt, nếu sinh giun sán có thể do ăn vấn đề vệ sinh chứ không phải vì sự kết hợp này.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẳng định việc ăn thịt gà với cơm nếp không gây tác hại cho cơ thể.
“Thịt gà cung cấp chất đạm, cơm nếp cung cấp chất đường bột. Dưới góc độ khoa học, cả hai loại thực phẩm này đều có lợi cho sức khỏe, khi kết hợp với nhau cũng chưa có chứng minh nào gây nên các loại bệnh”, bà Lâm chia sẻ.
Theo bà Lâm, Viện Dinh dưỡng chưa có nghiên cứu nào về các loại thực phẩm kỵ nhau mà chỉ khuyến cáo về việc nên ăn kết hợp 25 loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe.
Trước các phản biện này, lương y Bùi Hồng Minh phân tích, thịt gà và cơm nếp thường được ăn kèm với nhau và bản thân chúng không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, xuất phát từ thói quen ăn uống mất vệ sinh, khi ăn xôi, thịt gà hay dùng tay bốc, cầm, nắm nên nếu tay không sạch sẽ là cơ hội để người ăn nhiễm vi khuẩn, giun sán.
“Điều đó có nghĩa không phải tất cả các trường hợp ăn xôi gà đều có thể nhiễm sán. Đây là một cảnh báo để mọi người có ý thức vệ sinh hơn trong ăn uống”, ông nói thêm.
Có hay không thực phẩm kỵ nhau?
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế) cho hay, thực tế có rất nhiều món ăn, thực phẩm kết hợp với nhau rất tốt, và cũng có những thực phẩm kỵ nhau. Chẳng hạn, gan các loại động vật, đặc biệt là lợn có rất nhiều vi lượng đồng, không nên xào lẫn cùng giá vì sẽ biến các vitamin trong giá trở nên vô dụng. Trong khi đó, gan xào giá vẫn là món ăn thông dụng.
Hay khi ăn thịt chó, không nên uống nước chè bởi một loại có tính chát, một loại có quá nhiều protein, kết hợp sẽ sinh táo bón, phân khô, khiến cho ruột chậm nhu động.
“Chúng không phải là những sự kết hợp gây chết người tức khắc nhưng nếu biết được sự tương sinh tương khắc này, chúng ta có thể tránh để giảm thiểu những tác động không tốt đến cơ thể”, ông Đáng thông tin.
Về việc thịt gà kỵ với cơm nếp, chuyên gia này cho hay chưa có nghiên cứu chính thức nào được công bố về vấn đề này. Cả hai đều là những thực phẩm bổ dưỡng, có lợi cho cơ thể nếu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng quan điểm, TS Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội gan mật Việt Nam, chia sẻ chúng ta cần chú ý đến những thực phẩm kỵ nhau nhưng giữa thịt gà và xôi chưa có bất cứ công bố nào về sự nguy hiểm khi kết hợp với nhau.
Còn theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, quan điểm dinh dưỡng không quá chú trọng vào các thực phẩm kỵ nhau nhưng đối với mỗi thể trạng, tình trạng bệnh sẽ có kiêng cữ nhất định về các loại thực phẩm nên và không nên ăn.
Là người nghiên cứu nhiều về các thực phẩm kỵ nhau, lương y Bùi Hồng Minh cho biết theo quan điểm của Đông y, mỗi một thực phẩm đều có những tính, vị khác nhau, chúng có thể tương sinh và tương khắc, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng tùy vào cơ địa của từng người. Nếu không tương sinh với nhau, chúng có thể tích tụ và gây nên bệnh trong cơ thể.
Chưa có bình luận.