Chủ Nhật, 08/10/2017 | 07:34

Có thực sự cần thiết quét toàn bộ cơ thể bằng cộng hưởng từ hoặc cắt lớp vi tính để phát hiện ung thư sớm?

Hiện nay, nhiều người tin rằng sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ quét toàn bộ cơ thể sẽ sàng lọc phát hiện ung thư sớm.

Dưới đây là tổng kết của bác sĩ Trần Văn Phúc (bệnh viện Xanh Pôn – Hà Nội) sau khi tổng hợp ý kiến từ chuyên gia:

Bác sĩ phẫu thuật Gabriel Weston, Trường đào tạo Phẫu thuật Hoàng gia Anh, là người đi khắp thế giới để tìm kiếm các phương pháp chẩn đoán và điều trị mới. Cô nghi ngờ quét toàn bộ cơ thể nhằm mục đích sàng lọc phát hiện ung thư sớm có khoa học hay không?

Gabriel Weston cho rằng cộng hưởng từ hoặc cắt lớp vi tính toàn thân có thể phát hiện được những tổn thương như cái nốt ruồi nhỏ, nốt tàn nhang, hay chỉ là một vết sẹo bên ngoài cơ thể. Những tổn thương không ảnh hưởng tới sức khoẻ. Nhưng người ta sẽ lo lắng về nó và có thêm những xét nghiệm, can thiệp xâm lấn không cần thiết.

Thực hư quét toàn thân có phát hiện ung thư sớm

Quét toàn bộ cơ thể để phát hiện ung thư sớm là lợi bất cập hại. Nguồn: wsj.com

Gabriel đến gặp Giáo sư Nicholas Wald (Viện Y học Dự phòng Wolfson, một trong những cơ quan sàng lọc phát hiện ung thư hàng đầu thế giới). Giáo sư trả lời rằng quét toàn bộ cơ thể để phát hiện ung thư sớm là lợi bất cập hại.

Đến nay, không có hiệp hội y khoa nào đưa ra khuyến cáo quét toàn bộ cơ thể để kiểm tra sức khoẻ hay sang lọc ung thư. Cũng như chưa có bằng chứng cụ về việc quét toàn bộ cơ thể là công cụ sàng lọc tốt.

Bốn lý do cụ thể của các nhà chuyên môn như sau:

1. Quét toàn bộ cơ thể có thể phát hiện khối u ở bệnh nhân không có triệu chứng (chiếm dưới 2%). Và phần nhiều trong số đó lại là khối u lành tính, không ảnh hưởng sức khoẻ hoặc biến mất sau một thời gian. Nếu là khối u ung thư thì thời gian phát triển cũng đủ chậm để phát hiện và kiểm soát bằng các phương pháp khác.

2. Quét toàn thân có thể mang lại cảm giác sai. Nghĩa là lo lắng không đúng về bệnh tật, hoặc yên tâm không có bệnh nhưng thực ra có thể bệnh đang bắt đầu hình thành.

3. Quét toàn thân bằng cắt lớp vi tính sẽ gây nhiễm tia X, lượng tia có thể gấp từ 500-1000 lần so với chụp X-quang tim phổi thông thường. Điều đó cũng làm tăng nguy cơ ung thư.

4. Quét toàn bộ cơ thể khá tốn kém, ở Mỹ dao động từ 500-1000 USD, BHYT không bao giờ chi trả.

Ngày nay, nhu cầu phát hiện ung thư sớm đang có xu hướng tỉ lệ nghịch với chất lượng sàng lọc. Điều tồi tệ nhất với hai kỹ thuật quét toàn bộ cơ thể bằng máy chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ làm giảm mẫu số chung nhỏ nhất về việc phát hiện ra căn bệnh ung thư, đồng thời tăng bội số chung nhỏ nhất về những rủi ro.

Tiến sĩ David J. Brenner (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tia X của Đại học Columbia) cho biết: “Lượng bức xạ trung bình từ hình ảnh y học đã tăng lên gấp 6 lần trong 30 năm qua, và chụp cắt lớp vi tính đóng góp nhiều nhất. Chúng tôi phát hiện ra rằng, chụp cắt lớp vi tính toàn thân sẽ làm cho bệnh nhân nhận nhiều bức xạ hơn so với phim X-quang truyền thống, nguy cơ tử vong do ung thư cao hơn, gấp 1,25 lần ở những người 45 tuổi và 1,7 lần ở người 65 tuổi”.

Bs Trần Văn Phúc – Bv Xanh Pôn Hà Nội
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook