Thứ Hai, 29/08/2016 | 17:30

Lý giải về việc bất ngờ ra văn bản gửi Vinastas, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng: Bộ tôn trọng quyền quyết định của Vinastas nên chỉ khuyến nghị tổ chức này xem xét lại tư cách pháp lý của mình… Vậy, có thật thế không???

TIN LIÊN QUAN

Thấy gì qua văn bản trả lời của Thứ trưởng Bộ Công thương: Thứ trưởng Khánh có trung thực?

Thấy gì qua văn bản trả lời của Thứ trưởng Bộ Công thương: Né tránh sự thật?

Thấy gì qua văn bản trả lời của Thứ trưởng Bộ Công thương: Né tránh, không nhìn thẳng vào sự thật (!?)

Không dám nhìn thẳng vào sự thật?

Trả lời báo Người Tiêu Dùng, Thứ trưởng Khánh cho biết: “Bộ Công thương chỉ đưa ra khuyến nghị. Quyền quyết định là của Vinastas. Bộ không bắt buộc Vinastas phải đổi tên. Về tính độc lập của Vinastas, đã có các quy định của pháp luật và Bộ sẽ thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật” (!).

Trả lời thế, liệu có né tránh sự thật, không nhìn thẳng vào bản chất vấn đề? Bởi, nếu “chỉ đưa ra khuyến nghị” và “tôn trọng tính độc lập” sao ông Thứ trưởng không gặp gỡ, trao đổi trước với Vinastas – một tổ chức độc lập, không phải là cấp dưới của Bộ Công thương, cũng như không trao đổi và mời Liên Hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) tham dự buổi họp “giải phẫu” tính pháp lý của một trong những hội viên thuộc tổ chức này (là Vinastas)? Đã vậy, vì sao Bộ lại “bỏ bom” bằng cách ra văn bản, cho rằng cơ sở pháp lý của Vinastas đang thực sự có vấn đề, cần phải đổi tên hay chia tách, và “dọa”: Nếu không thế (thay đổi), sẽ không “được tham gia đầy đủ vào các hoạt động BVQLNTD”? Cũng cần nói thêm, trước khi xuất hiện những công văn, mà không ít người cho rằng mang đậm hơi hướng mệnh lệnh, hành chính của Thứ trưởng Bộ Công Thương (có công văn còn được gửi đến tất cả 50 hội viên của Vinastas trên toàn quốc), lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh – người tham mưu cho lãnh đạo Bộ về “vụ” xem xét tính pháp lý “lùm xùm” này – đã liên tục “tuyên truyền”, vận động hội viên của Vinastas cần phải đổi tên, chia tách. Thậm chí, “sẽ không được hỗ trợ” nếu không chịu nghe!?… Tất cả những động thái, từ Cục đến Bộ như trên đã khiến dư luận phải nêu câu hỏi: Động cơ của việc ra văn bản là gì và đó có phải “khuyến nghị” đơn thuần hay là sự áp đặt, can thiệp có chủ đích vào công việc nội bộ của Vinastas?

Cũng theo Thứ trưởng Khánh, Bộ chỉ ra khuyến nghị, còn quyết định thế nào là “tùy nghi” người nghe (Vinastas), Bộ luôn tôn trọng… Thật lạ, tổ chức cuộc họp “cấp cao”, mời cả các bộ liên quan tham dự để mổ xẻ tính pháp lý (“nền tảng” của một tổ chức rộng khắp từ Trung ương tới địa phương) mà ông Thứ trưởng ngụy biện cho rằng “chỉ để đề xuất”, nghe cũng được, không nghe cũng chẳng sao thì liệu có phí phạm thời gian, công sức và thể hiện sự tùy tiện, tùy hứng hay không?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhiều lần khẳng định, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn bất cập, nhưng chính ông lại ra văn bản làm khó hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức xã hội.

Không nên hiểu luật bó hẹp, thô cứng

Cũng theo ông Trần Quốc Khánh, “Vinastas là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, không phải tổ chức xã hội. Với tư cách pháp lý như vậy, Vinastas và các hội viên của mình có thể gặp vướng mắc không đáng có trong hoạt động BVQLNTD”. Không rõ vị Thứ trưởng Khánh muốn nói đến “vướng mắc không đáng có, có thể gặp phải” cụ thể là gì? Phải chăng, vướng mắc đó là không được Nhà nước tài trợ? Có một thực tế, theo lãnh đạo Vinastas, bao năm qua tổ chức này hầu như không nhận được sự hỗ trợ gì nhưng vẫn liên tục phát triển, không gặp phải “những vướng mắc không đáng có” nào?

Một điều, thiết nghĩ cũng rất đáng lưu tâm, trong tất cả hệ thống pháp luật hiện hành không hề có bất kỳ văn bản nào ghi: Tổ chức xã hội – nghề nghiệp không được tham gia hoạt động BVQLNTD, mà chỉ “BVQLNTD là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội” cũng như “Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân chủ động tham gia vào việc BVQLNTD”. Và, nêu rõ (tại Điều 4, 5 và 27 Luật BVQLNTD và Điều 27 Nghị định 99/2011/NĐ-CP) điều kiện để một tổ chức xã hội được thực hiện các nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ của Nhà nước về BVQLNTD (hiểu nôm na là được tài trợ từ ngân sách?) chỉ là được thành lập hợp pháp và có điều lệ, tôn chỉ BVQLNTD… Vậy, Vinastas có ra đời hợp pháp và có tôn chỉ điều lệ thỏa mãn những quy định của pháp luật? Ở đây, Bộ Công thương cố “bắt bẻ” Vinastas là một tổ chức hội xã hội – nghề nghiệp trong khi luật chỉ ghi “tổ chức xã hội” nên tổ chức này (do “thừa” 2 chữ nghề nghiệp) bị “loại”, “đi chỗ khác chơi”(!).

Theo không ít chuyên gia pháp luật, hiểu luật như thế là rất không đầy đủ, máy móc, hạn hẹp và thô cứng! Bởi, cho đến nay chưa có một văn bản nào quy định đầy đủ thế nào là tổ chức xã hội, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp… Một số văn bản quy định về quản lý Hội cũng ra đời sau so với nhiều tổ chức Hội có bề dày lịch sử. Trong khi, Vinastas là Hội Khoa học kỹ thuật về tiêu chuẩn hoá chất lượng và BVQLNTD Việt Nam, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, trên cơ sở tự nguyện. Và hơn thế, ngay cả các tổ chức chính trị – xã hội đặc thù (như Đoàn TNCS, Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ…), suy cho cùng, cũng là những tổ chức xã hội! Vì lẽ đó, nên hiểu cụm từ “tổ chức xã hội” trong Luật BVQLNTD theo nghĩa rộng, nhất là trong xu hướng xã hội hóa, khuyến khích mọi thành phần tham gia tích cực vào việc BVQLNTD!

Công văn hỏa tốc của Bộ Công Thương và văn bản phản hồi của Vinastas.

Tại sao “đẽo chân cho vừa giầy”?

Cần nhấn mạnh, “những vướng mắc có thể gặp phải” của Vinastas mà Thứ trưởng Khánh cảnh báo dựa trên những lý do rất thiếu thuyết phục. Và, sự thiếu thuyết phục, thậm chí mâu thuẫn, vô lý còn thể hiện: Nếu cho rằng tính pháp lý (là vấn đề cốt lõi, nền tảng) của Vinastas “vênh” với luật, thì Bộ Công Thương chỉ có thể “khuyên” Vinastas một phương án là “cơ cấu” lại tổ chức. Đằng này, Bộ lại “hàng 2”, đề nghị hoặc là đổi tên, hoặc là chia tách. Vậy, xin hỏi, cơ sở pháp lý nào cho phép chỉ đổi tên (cái vỏ) giữ nguyên nội dung (cái ruột) mà vẫn được tham gia đầy đủ vào các hoạt động BVQLNTD?

Điều nữa, Thứ trưởng Khánh còn cho rằng, sở dĩ Bộ Công Thương ra khuyến nghị “Vinastas xem xét lại tư cách pháp lý là vì chính quyền lợi của Vinastas”(!). Không rõ khi đưa ra câu chữ trên, ông Khánh có tường tận quyền lợi của Vinastas cụ thể là gì, và đó có phải là việc BVQLNTD một cách có hiệu quả nhất, mà suốt bao năm qua tổ chức này vẫn luôn làm rất tốt? Cũng theo ông Khánh, “Pháp luật không hạn chế các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia thực hiện các hoạt động BVQLNTD. Vậy, tại sao Điều 28, Điều 29 của Luật BVQLNTD và Chương 5 của Nghị định số 99/2011/NĐ-CP lại hạn chế (chỉ các tổ chức xã hội mới được thực hiện một số hoạt động – theo cách hiểu của ông)? Thưa ông Khánh, luật không hạn chế, thậm chí còn khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động BVQLNTD, một hoạt động mang đầy ý nghĩa nhân văn, thiết thực cho xã hội thì lý do gì Luật BVQLNTD và Nghị định 99/2011/NĐ-CP (do Bộ chủ trì Soạn thảo) lại hạn chế? Phải chăng, 2 văn bản quy phạm này đã bộc lộ vấn đề, không phù hợp với thực tế và đang cản trở sự phát triển? Chưa hết, nếu quả luật có “khuyết tật” thì tại sao không sửa luật mà lại “sửa” một tổ chức đã ra đời trước luật vài chục năm? Và, như vậy, có khác nào làm theo quy trình ngược: Đẽo chân cho vừa giầy (phải chăng để hạn chế, cấm đoán; tạo cơ chế xin – cho “khoanh vùng đặc lợi”)???

Để rộng đường dư luận, ngoài Bộ Công thương chúng tôi còn đến Cục Quản lý cạnh tranh – đơn vị đã tham mưu cho Thứ trưởng Khánh ra 2 văn bản “bỏ bom” Vinastas và Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, đã hơn một tuần trôi qua nhưng 2 cơ quan này vẫn “im hơi lặng tiếng”, mặc dù yêu cầu PV gửi câu hỏi bằng văn bản.

Nhóm PV

Nguồn: Báo Tầm Nhìn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook