Thứ Năm, 26/03/2020 | 20:56

Donald Trump – Tổng thống ‘thời chiến covid-19′ có gì khác biệt?

Có thể thấy, phần lớn Tổng thống Mỹ đều phải đương đầu với một hoặc nhiều cuộc khủng hoảng trước khi rời Nhà Trắng, dù đó là một thảm họa tự nhiên, chiến tranh, suy thoái kinh tế, mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng hay chủ nghĩa khủng bố. Tuy vậy, mỗi Tổng thống Mỹ có cách ứng phó với khủng hoảng riêng.

Đương đầu với khủng hoảng

Cựu Tổng thống Woodrow Wilson quan tâm tới việc kết thúc Thế chiến I hơn là một dịch cúm đã lây lan ra toàn cầu, từng khiến hàng trăm nghìn người Mỹ mắc bệnh, ngay kể cả bản thân ông.

Cựu Tổng thống George W. Bush cầm loa đứng trên đống gạnh vụn đổ nát sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở khu vực hạ Manhattan và thề rằng, những kẻ thực hiện vụ tấn công này sẽ sớm bị truy lùng và trừng phạt. Cựu Tổng thống Barack Obama mới chỉ nhậm chức vài tháng trước khi có những tin tức đầu tiên về virus H1N1 và sau đó cũng được tuyên bố là đại dịch giống như dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) hiện nay.

Trong thời kỳ xảy ra dịch cúm năm 1918, từng khiến 50 triệu người trên thế giới tử vong, trong đó có khoảng 675.000 người Mỹ, Tổng thống Mỹ khi đó đã không can thiệp vào các vấn đề y tế công cộng giống như cách mà Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump đang mải mê theo đuổi nhằm chống lại đại dịch Covid-19. Những vấn đề này được giao cho các chuyên gia về y tế công cộng ở cấp địa phương và liên bang.

John M. Barry, tác giả cuốn “Đại dịch cúm” viết về dịch cúm năm 1918, nói: “Tổng thống Wilson chưa bao giờ đưa ra một tuyên bố công khai nào hay thứ gì đại loại như vậy. Ông ấy hoàn toàn chỉ tập trung vào cuộc chiến tranh thế giới. Chấm hết”. Trên thực tế, Tổng thống Wilson đã quá tập trung vào các cuộc đàm phán hòa bình giai đoạn sau chiến tranh ở Paris tới nỗi ông cũng bị mắc bệnh cúm này. Tuy nhiên, sau đó ông đã bình phục.

Sự khác biệt của ông Donald Trump

Vào tháng 4/2009, khi cựu Tổng thống Obama mới chỉ lên nắm quyền vài tháng thì có những tin tức đầu tiên về dịch cúm H1N1. Ông đã giải quyết tình hình ngay trong tháng 4 đó, tập hợp một đội ngũ và cuối cùng đã ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng và tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với mối đe dọa này.

Mở đầu một cuộc họp báo ở Nhà Trắng trong tháng đó, Tổng thống Obama nói: “Đây rõ ràng là một tình hình rất nghiêm trọng và mọi công dân Mỹ cần biết rằng, toàn bộ chính phủ của họ đang triển khai những biện pháp phòng ngừa và chuẩn bị ở mức tối đa”.

Ông cho biết các quan chức y tế đã đề xuất những trường học có ca mắc bệnh có thể cân nhắc tạm thời đóng cửa. Ông cũng yêu cầu Quốc hội đồng ý trích 1,5 tỷ USD trong quỹ khẩn cấp để giúp giám sát và lần theo virus này, đồng thời xây dựng một chuỗi cung cấp các loại thuốc chống virus và nhiều thiết bị khác.

“Mọi người có thể yên tâm rằng Chính phủ sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết nhằm kiểm soát loại virus này”, ông trấn an.

Bác sỹ Howard Markel, Giám đốc Trung tâm Lịch sử Y khoa của Đại học Michigan cho rằng, ông Obama đã “rất tích cực” trong đại dịch H1N1, nhưng không ở mức dễ nhận thấy như Tổng thống Trump hiện nay. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh của ông Obama là người chịu trách nhiệm các cuộc họp báo hàng ngày từ Atlanta.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói về ông Obama như sau: “Ông ấy đã lùi lại bởi vì ông cho phép những chuyên gia của mình điều hành mọi việc. Ông ấy không cần phải đứng trước bục phát biểu, nhưng các bạn biết rằng ông ấy đã ở đó”.

Trái ngược với những người tiền nhiệm, Tổng thống Trump dường như muốn trở thành gương mặt của công chúng trong nỗ lực chống dịch Covid-19, dịch bệnh dường như đã trở thành thách thức nghiêm trọng nhất trong giai đoạn chuẩn bị tái bầu cử của ông.

Ông Trump đang dẫn dắt các buổi họp báo hàng ngày của Nhà Trắng thông báo về những nỗ lực chống SARS-CoV-2 của một nhóm đặc biệt mà ông đã chỉ định phó tổng thống của mình là người đứng đầu.

Ông Trump đã tự biến mình thành “Tổng thống thời chiến” chống lại một “kẻ thù vô hình”, đã khiến hàng trăm người tử vong và hàng nghìn người mắc bệnh ở Mỹ. Hàng triệu người đã được lệnh hoặc được yêu cầu phải ở nhà vì tương lai của chính họ, từ bỏ những thú vui đơn giản nhất như đi ăn ở nhà hàng, tới các trung tâm thương mại hay đi xem phim, nhằm làm chậm sự lây lan của virus.

Tuy nhiên, động thái quản lý khủng hoảng của ông Trump đã gặp nhiều phản ứng trái chiều, ông nhận được sự ca ngợi từ những người ủng hộ và hứng chịu chỉ trích bởi những người hay gièm pha. Những nỗ lực ban đầu của Tổng thống Donald Trump nhằm giảm nhẹ tính nghiêm trọng của tình hình, và để cho thấy dịch bệnh đang nằm trong tầm kiểm soát, đã bị chỉ trích gay gắt, cho dù gần đây ông đã hành động quyết liệt hơn.

Yhocvn.net (Theo baoquocte)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook