Chủ Nhật, 06/09/2015 | 14:35

Ung thư tuyến tiền liệt hay còn gọi là ung thư tiền liệt tuyến (UTTLT) là một dạng của ung thư phát triển một tuyến trong hệ sinh dục nam.

Tuyến tiền liệt sản sinh ra tinh dịch giúp nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng. UTTLT hay gặp ở các nước phương Tây. Còn ở Việt Nam, theo ghi nhận ung thư ở Hà Nội tỷ lệ là: 1,2/100.000 dân.

– Bệnh hay gặp ở độ tuổi trên 65 tuổi.

– Một tỷ lệ lớn người bệnh khi được chẩn đoán xác định thì đã có di căn xa và hay gặp di căn vào xương.

Nhận biết dấu hiệu bệnh ung thư tiền liệt tuyến

Các triệu chứng lâm sàng

– Dấu hiệu toàn thân: Sụt cân, chán ăn, thiếu máu.

– Dấu hiệu về tiết niệu – sinh dục: Đái dắt, đái khó, bí đái, đái ngắt quãng, đái máu…Có khi đau khi xuất tinh.

– Phát hiện qua các dấu hiệu khi bệnh đã di căn: Đau xương, gãy xương bệnh lý, đau ngực, khó thở…

– Nhiều khi phát hiện ra bệnh trong lúc sàng lọc cho những đối tượng có nguy cơ cao.

– Thăm khám trực tràng có thể thấy tiền liệt tuyến to.

Các triệu chứng xét nghiệm

– Siêu âm ổ bụng: giúp phát hiện các tổn thương di căn vào gan, thận, hạch ổ bụng…

– Nội soi trực tràng: phát hiện và đánh giá tình trạng xâm lấn của u vào các tạng lân cận: trực tràng, bàng quang…

– Chụp CT Scanner; Cộng hưởng từ: Đánh giá tình trạng u và tình trạng di căn hạch và di căn xa.

– Chụp xạ hình xương: giúp phát hiện các tổn thương di căn vào xương, như xương sườn, cột sống, xương cánh chậu…

– Sinh thiết: sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm qua tầng sinh môn hoặc qua thành trực tràng để làm xét nghiệm mô bệnh học.

-Chất chỉ điểm ung thư:

Định lượng nồng độ PSA (Prostaste Specific Antigene) trong huyết thanh để: sàng lọc, chẩn đoán, đánh giá kết quả điều trị, theo dõi tái phát. Giá trị bình thường ≤ 4 ng/ml. Khi nồng độ PSA > 10ng/ml được xem là bất thường thì cần tiến hành thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán xác định và loại trừ.

Chẩn đoán bệnh ung thư tiền liệt tuyến

Chẩn đoán xác định

Dựa vào lâm sàng, cận lâm sàng như trên trong đó sinh thiết chẩn đoán mô bệnh học có giá trị quyết định.

Chẩn đoán giai đoạn: Chia làm 4 giai đoạn từ I đến IV, tuỳ vào mức độ xâm lấn của u và tình trạng di căn.

Chẩn đoán phân biệt

– Viêm tuyến tiền liệt.

– Nhiễm trùng tiết niệu.

– U xơ lành tính tuyến tiền liệt.

Nguyên nhân và cách phòng chống bệnh

Chưa thật rõ ràng, một số yếu tố liên quan: Nội tiết, lối sống tình dục, dinh dưỡng có liên quan đến nguyên nhân sinh bệnh.

Để phòng chống bệnh nên có lối sống điều độ: Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, giảm lượng thức ăn là mỡ động vật, tăng cường ăn rau xanh và hoa quả, vận động tập luyện thể dục thể thao, tránh tiếp xúc với môi trường độc hại…

Khám sức khoẻ định kỳ, đặc biệt ở lứa tuổi trên 50, cần xét nghiệm nồng độ PSA trong máu, siêu âm tiền liệt tuyến hoặc thăm khám trực tràng bằng tay có đeo găng. Khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm tỷ lệ chữa khỏi bệnh cao.

Tuyên truyền rộng rãi về kiến thức phòng chống trong cộng đồng thông qua các kênh truyền thông về giáo dục sức khoẻ.

Điều trị bệnh ung thư tiền liệt tuyến

– Tuỳ theo mỗi giai đoạn nên lựa chọn những phương pháp điều trị thích hợp.

– Ở giai đoạn khu trú: Phương pháp điều trị được lựa chọn là: Phẫu thuật hoặc tia xạ, nội tiết.

– Ở giai đoạn muộn (di căn xa): Có thể điều trị nội tiết và hoá chất, nhằm điều trị giảm nhẹ triệu chứng và làm chậm quá trình phát triển của khối u.

Phẫu thuật

Chỉ định: Khi khối u còn khu trú hoặc u gây bí tiểu.

Phương pháp:

– Phẫu thuật nội soi: Lập lại lưu thông đường tiểu và làm mô bệnh học.

– Phẫu thuật mở triệt căn: Cắt tuyến tiền liệt tận gốc + vét hạch chậu.

– Phẫu thuật cắt tinh hoàn: là phương pháp điều trị nột tiết.

Tia xạ

Chỉ định: Áp dụng khi u còn khu trú và chưa gây bí tiểu

Phương pháp: có thể sử dụng máy gia tốc để tiến hành xạ trị, gồm các phương pháp:

– Xạ trị kết hợp với điều trị nội tiết.

– Xạ trị sau mổ vào diện cắt và hạch vùng.

– Xạ trị vào ổ di căn xương để chống đau.

Điều trị nội tiết

Chỉ định: Nhằm làm giảm hoặc loại bỏ nội tiết tố nam trong máu (androgen), là tác nhân kích thích sự phát triển của tế bào u. Thường được kết hợp với phẫu thuật hoặc hoá chất.

Phương pháp:

– Điều trị nội tiết trước phẫu thuật: Có thể làm giảm thể tích khối u nên làm tăng khả năng phẫu thuật.

– Điều trị nội tiết sau phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt: cho kết quả tốt.

– Cắt tinh hoàn: do tinh hoàn sản xuất 95% testosterone của người đàn ông nên khi cắt bỏ hai tinh hoàn thì lượng testosterone sẽ giảm đi 93%, vì vậy làm giảm hoặc hạn chế sự phát triển của tế bào u.

– Sử dụng thuốc tương tự hormon kích thích tinh hoàn sản xuất testosterone (LHRH) để cạnh tranh và làm giảm nồng độ LHRH của tuyến yên, do đó tinh hoàn giảm sản xuất testosterone dẫn đến làm giảm sự phát triển u.

– Sử dụng thuốc kháng nội tiết tố nam (testosterone) cũng làm giảm sự phát triển khối u.

Điều trị bằng hoá chất

Chỉ định: Người bệnh không đáp ứng hoặc tái phát sau điều trị bằng phương pháp nội tiết tố có thể cân nhắc điều trị bằng hoá chất. Phương pháp này được lựa chọn để điều trị triệu chứng, trong các trường hợp di căn xa. Hiệu quả của điều trị bằng hoá chất còn hạn chế.

Yhocvn.net (Nguồn Bệnh viện Bạch Mai)

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Phân biệt các dạng viêm tiền liệt tuyến để điều trị hiệu quả

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook