Chủ Nhật, 06/09/2015 | 14:34

Bệnh ung thư lưỡi là khối u ác tính tại lưỡi, khối u có thể dạng sùi, sùi loét hoặc dạng vết loét lâu liền, dạng thâm nhiễm cứng, bệnh hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi.

Ung thư lưỡi là khối u ác tính tại lưỡi, khối u có thể dạng sùi, sùi loét hoặc dạng vết loét lâu liền, dạng thâm nhiễm cứng, bệnh hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Tại Việt Nam ung thư lưỡi là ung thư hay gặp nhất trong các ung thư khoang miệng.

Nhận biết dấu hiệu bệnh ung thư lưỡi

Triệu chứng lâm sàng: chia làm hai giai đoạn

Giai đoạn đầu: triệu chứng nghèo nàn hay bị bỏ qua. Người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua đi nhanh.

Khám lưỡi: tìm thấy ở lưỡi có một điểm nổi phồng lên với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hoá hoặc tổn thương là vết loét nhỏ. Sờ thấy tổn thương chắc, rắn, không mềm mại như bình thường. Có thể có hạch cổ.

Giai đoạn toàn phát: Được phát hiện do người bệnh đau khi ăn uống, đau kéo dài gây khó khăn khi nói. Tăng tiết nước bọt. Chảy máu: nhổ ra nước bọt lẫn máu. Hơi thở hôi thối: do hoại tử tổn thương gây ra. Một số trường hợp người bệnh có khít hàm, cố định lưỡi khiến người bệnh khó nói và nuốt. Người bệnh có thể sốt do nhiễm trùng, ăn kém, gầy sút cân nên cơ thể suy sụp rất nhanh.

Khám lưỡi: ổ loét ở lưỡi, trên ổ loét phủ giả mạc dễ chảy máu, loét phát triển nhanh, lan rộng làm lưỡi hạn chế vận động, không di động được. Tổn thương có thể là dạng sùi, sùi loét, loét, thâm nhiễm cứng. Ở giai đoạn tiến triển hơn, thể loét chiếm ưu thế, loét sâu lan rộng xuống bề mặt hoặc vào mặt dưới, gây đau đớn dữ dội, gây bội nhiễm, có mùi hôi, rất dễ chảy máu, thậm chí có thể gây chảy máu trầm trọng.

Vị trí khối u: 80% gặp ở bờ tự do của lưỡi, 10% gặp ở mặt dưới lưỡi, 8% gặp ở mặt trên lưỡi, 2% gặp ở đầu lưỡi.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Tế bào học và mô bệnh học

– Chọc hút hạch bất thường ở cổ bằng kim nhỏ để tìm tế bào ác tính tại hạch hoặc tìm tế bào ác tính tại tổn thương ở lưỡi bằng áp lam.

– Sinh thiết khối u để làm xét nghiệm mô bệnh học.

Chụp X quang

– Chụp xương hàm dưới: đánh giá tổn thương xâm lấn xương.

– Chụp tim phổi: đánh giá di căn phổi.

Chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ vùng cổ

Đánh giá tổn thương u xâm lấn tổ chức xương, phần mềm xung quanh và hạch cổ.

Siêu âm

Siêu âm ổ bụng: phát hiện tổn thương di căn gan…

Siêu âm hạch cổ: phát hiện di căn hạch mà lâm sàng không thấy.

Các xét nghiệm khác:

Xạ hình xương, chụp PET/CT: đánh giá u nguyên phát và phát hiện tổn thương di căn.

Công thức máu, sinh hoá máu, nhóm máu… để đánh giá tình trạng chung.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư lưỡi

Hầu hết các trường hợp ung thư lưỡi không tìm được nguyên nhân bệnh sinh, tuy nhiên người ta thấy rằng có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh bao gồm:

– Hút thuốc lá: trong thuốc lá có chứa 3-4 benzopyren là yếu tố gây ung thư.

– Rượu: là yếu tố có liên quan đến nhiều bệnh ung thư trong đó có ung thư khoang miệng. Người ta cho rằng rượu có vai trò hoà tan các chất sinh ung thư, nhất là các chất sinh ung thư trong thuốc lá.

– Nhai trầu thuốc: được xem là yếu tố nguy cơ trong ung thư lưỡi, khoang miệng. Người nhai trầu thuốc có nguy cơ mắc cao gấp nhiều lần so với người không nhai trầu thuốc.

– Tình trạng vệ sinh răng miệng: vệ sinh răng miệng kém, hàm răng giả không tốt, răng mẻ kích thích lâu ngày đưa đến dị sản và ung thư lưỡi.

– Nhiễm vi sinh vật: nhiễm virus Human Papiloma Virus (HPV). Những người bệnh bị giang mai thấy tỷ lệ bị ung thư lưỡi cao gấp 4 lần so với người bình thường.

– Chế độ dinh dưỡng: chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A, E, D, sắt, hoa quả cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư khoang miệng.

– Một số gen liên quan đến ung thư lưỡi: gen Bcl-2, Bax, P53

Chẩn đoán bệnh ung thư lưỡi

Chẩn đoán xác định: dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng, trong đó mô bệnh học là yếu tố quyết định.

Chẩn đoán phân biệt: ung thư lưỡi cần phân biệt với viêm lưỡi, nấm lưỡi, giang mai tại lưỡi….

Chẩn đoán giai đoạn: chia thành 4 giai đoạn từ I đến IV tuỳ theo kích thước u, mức độ xâm lấn và tình trạng di căn.

Điều trị bệnh ung thư lưỡi

Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt rộng u, cắt một phần lưỡi, cắt nửa lưỡi kèm theo vét hạch cổ. Phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh ung thư lưỡi với mục đích điều trị triệt căn cần phải phẫu thuật rộng để lấy hết tổ chức ung thư đôi khi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh: ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chức năng nhai, nuốt, nói… của người bệnh.

Xạ trị

– Xạ trị chiếu ngoài bằng máy Cobalt 60 hoặc máy gia tốc tuyến tính. Chiếu xạ vào u và hạch, có thể xạ trị đơn thuần hoặc xạ trị kết hợp với phẫu thuật và hoá trị.

– Xạ trị áp sát: nguồn phóng xạ được đặt vào khối u.

Xạ trị đóng vai trò điều trị triệt căn hoặc bổ trợ trong điều trị bệnh ung thư lưỡi, tuy nhiên cũng gây ra một số tác dụng phụ như khô miệng, viêm miệng, sạm da, cháy da, loét da, khít hàm…. Có thể mô phỏng lập kế hoạch xạ trị trên hình ảnh chụp CT hoặc PET/CT.

Hoá trị: Có thể dùng đường toàn thân hoặc đường động mạch lưỡi, có thể đơn hoá chất hoặc phối hợp đa hoá chất. Hoá chất có tác dụng làm giảm thể tích khối u, ngăn chặn sự phát triển của khối u nhưng cũng gây độc với các tế bào bình thường của cơ thể, đặc biệt là những tế bào có tốc độ phân chia nhanh như tế bào niêm mạc đường tiêu hoá, tóc, hồng cầu, bạch cầu gây ra các triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy…

Điều trị trong trường hợp khối u xâm lấn, di căn

Khối u xâm lấn rộng gây chảy máu tại chỗ: nhét gạc vào vị trí chảy máu, có thể phẫu thuật thắt động mạch cảnh ngoài.

Khối u xâm lấn, di căn xương: dùng thuốc chống huỷ xương: zoledronic acid, pamidronate… kết hợp xạ trị giảm đau vào vùng tổn thương di căn xương gây đau hoặc điều trị giảm đau bằng thuốc phóng xạ P32…

Khối u di căn não: xạ phẫu bằng dao gamma quay, có thể kết hợp với xạ trị gia tốc toàn não.

Chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi

Tuỳ vào từng giai đoạn của quá trình điều trị bệnh; bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên về chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi.

Luyện tập thể dục thể thao đều đặn, nhẹ nhàng.

Có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý: ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh, ăn đầy đủ, nhiều loại thực phẩm khác nhau: cá, thịt, tôm, cua, đậu, rau, hoa quả…. Trong trường hợp đau nhiều khó ăn khó nuốt nên ăn chế độ ăn lỏng, có thể nuôi dưỡng qua ống thông dạ dày hay nuôi dưỡng đường tĩnh mạch.

Luôn có tâm lý thoải mái trong và sau điều trị.

Cách phòng bệnh ung thư lưỡi

Vệ sinh răng miệng sạch.

Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Khám sức khoẻ định kỳ để sàng lọc và phát hiện sớm, điều trị các tổn thương tiền ung thư.

Bệnh viện Bạch Mai

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook