Chủ Nhật, 06/09/2015 | 14:35

Bệnh ung thư đại tràng-trực tràng (UTĐT-TT) là loại ung thư phổ biến, khối u ác tính xuất phát từ trong lòng hoặc thành của đại trực tràng. Tỷ lệ mắc bệnh ở các nước Tây Âu, Mỹ cao hơn ở các nước châu Á. Ở Việt Nam UTĐT-TT đứng hàng thứ 5 ở cả hai giới sau ung thư phổi, dạ dày, gan và ung thư vú ở nữ. Tại Hà Nội tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi ở nam giới là 13,9, ở nữ giới là 10,1 trên 100.000 dân. Ở TP Hồ Chí Minh tỷ lệ mắc ở nam giới là 12,5, ở nữ giới là 9,0 trên 100.000 dân.

Ở Việt Nam bệnh ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 5 ở cả hai giới sau ung thư phổi, dạ dày, gan và ung thư vú ở nữ.

Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư đại tràng

Các triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng cơ năng: tuỳ vị trí u, giai đoạn bệnh mà có bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, nhìn chung có các dấu hiệu sau: đầy bụng, đau bụng, chậm tiêu, rối loạn tiêu hoá, phân nhầy mũi. Hội chứng bán tắc ruột, tắc ruột thường gặp ở UT đại tràng trái, hội chứng lỵ hay gặp ở UT trực tràng.

Triệu chứng thực thể: Có thể sờ thấy u qua thành bụng hoặc qua thăm khám trực tràng nếu u ở trực tràng, ống hậu môn.

Các triệu chứng xét nghiệm

– Nội soi đại trực tràng cho hình ảnh trực tiếp: tổn thương dạng sùi, loét, thâm nhiễm cứng hoặc dạng polyp. Kết hợp sinh thiết chẩn đoán mô bệnh học qua nội soi.

– Chụp đại tràng có thuốc cản quang: hình ảnh hẹp lòng đại trực tràng, giãn quai ruột trên u.

– Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) bụng: đánh giá u đại trực tràng, sự xâm lấn xung quanh, phát hiện di căn hạch và các cơ quan khác trong ổ bụng.

– Siêu âm ổ bụng giúp phát hiện u đại tràng, tổn thương di căn gan, hạch.

– Xạ hình xương với MDP-Tc99m bằng máy Gamma camera, SPECT giúp chẩn đoán sớm di căn xương.

– Chụp PET, PET/CT: quét toàn thân giúp phát hiện sớm, chính xác u nguyên phát và di căn hạch, các tạng trong ổ bụng, di căn xương cũng như các nơi khác trong toàn cơ thể.

– Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u: CEA > 10 ng/ml. Chỉ số CEA có giá trị theo dõi đáp ứng điều trị và tái phát.

Nguyên nhân bệnh ung thư đại tràng

Nguyên nhân UT ĐT-TT chưa rõ.

Các yếu tố nguy cơ là:

– Chế độ ăn: ít rau, nhiều chất béo, nhiều thịt, thức ăn lên men, ướp muối, xông khói, thức ăn có các gia vị, phụ gia thực phẩm độc hại, thức ăn nhiễm chất gây đột biến gen: thuốc trừ sâu, diệt cỏ, chất tăng trọng.

– Bệnh lý đại trực tràng: viêm loét niêm mạc mạn tính, polyp, bệnh Crohn, bệnh đa polyp tuyến gia đình.

– Tiền sử gia đình: trong gia đình có người (bố, mẹ, anh chị em ruột… ) đã bị mắc ung thư đại trực tràng.

Chẩn đoán bệnh ung thư đại tràng

Chẩn đoán xác định

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.

Sinh thiết chẩn đoán mô bệnh học là tiêu chuẩn vàng. UT ĐT-TT 95% là UT biểu mô tuyến, còn lại là u hắc tố, lymphoma và khoảng 1-2% là UT biểu mô vảy của ống hậu môn.

Xác định TNM và chẩn đoán giai đoạn

Xác định TNM

T (u nguyên phát). Tx: không thể xác định u nguyên phát; Tis: Ung thư biểu mô tại chỗ; T1: U xâm lấn tới lớp dưới niêm mạc; T2: U xâm lấn tới lớp cơ; T3: U xâm lấn tới thanh mạc hoặc tổ chức quanh đại tràng;T4: U xâm lấn tới cơ quan hay tổ chức lân cận.

N (hạch vùng). Nx: không thể xác định di căn hạch vùng; No: không có di căn hạch vùng; N1: di căn từ 1-3 hạch; N2: di căn từ 4 hạch vùng trở lên.

M (Di căn xa). Mx: không thể xác định di căn xa; Mo: Không có di căn xa; M1: có di căn xa.

Giai đoạn

Theo TNM

Theo Dukes

0

TisNoMo

 

I

T1,2 No Mo

A

II

T3,4 No Mo

B

III

Bất kỳ T N1,2 Mo

C

IV

Bất kỳ T, Bất kỳ N, M1

D

Điều trị bệnh ung thư đại tràng

Các phương pháp cơ bản điều trị ung thư đại trực tràng

Phẫu thuật khối u và nạo vét hạch

Là phương pháp điều trị cơ bản. Nguyên tắc phẫu thuật là lấy hết tổ chức ung thư, vét hạch vùng, bảo đảm lưu thông đường tiêu hoá.

Với ung thư đại tràng: Tuỳ theo tình huống cụ thể, phẫu thuật có thể là cắt đoạn, cắt nửa đại tràng, cắt đại tràng ngang, cắt toàn bộ đại tràng, kết hợp cắt bỏ tổn thương di căn, cắt mạc nối, vét hạch. Trường hợp u di căn xâm lấn nhiều không thể cắt bỏ được chỉ tiến hành phẫu thuật nối tắt chống tắc nghẽn.

Với ung thư trực tràng: u thấp cách rìa hậu môn dưới 5 cm chỉ định cắt cụt trực tràng qua đường bụng và tầng sinh môn, làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. U trực tràng cao và trung bình: phẫu thuật cắt đoạn ruột có u, nối tận tận.

Có thể phẫu thuật nội soi hớt niêm mạc (EMR) với các trường hợp ung thư ĐT-TT giai đoạn sớm (Tis, T1 chưa có di căn).

Hoá trị

Hoá trị là liệu pháp điều trị toàn thân giúp tăng thời gian sống, giảm tỷ lệ tử vong. Hoá trị có thể là bổ trợ trước mổ, bổ trợ sau mổ hoặc hoá trị triệu chứng khi bệnh giai đoạn muộn, với các phác đồ đơn chất hoặc kết hợp nhiều loại hoá chất.

Xạ trị

Chỉ định cho UT trực tràng thấp, trung bình, khi tổn thương chiếm trên ½ chu vi hoặc xâm lấn vào tổ chức xung quanh.

Xạ trị trước mổ chỉ định khi u lớn, xâm lấn nhiều. Xạ trị sau mổ cho các trường hợp u xâm lấn qua thanh mạc ruột ra tổ chức xung quanh.

Lựa chọn phương án điều trị

Phương án điều trị ung thư đại tràng

– Giai đoạn I: phẫu thuật triệt căn cắt bỏ khối u.

– Giai đoạn II: phẫu thuật cắt u vét hạch + cân nhắc hoá trị bổ trợ.

– Giai đoạn III: phẫu thuật + hoá trị bổ trợ.

– Giai đoạn IV: phẫu thuật nếu có thể + hoá trị + điều trị triệu chứng.

Ung thư đại tràng tái phát: điều trị như giai đoạn IV.

Phương án điều trị ung thư trực tràng

– Giai đoạn sớm 0, I: phẫu thuật là phương pháp cơ bản.

– Giai đoạn II, III: phẫu thuật + hoá trị + xạ trị bổ trợ.

– Giai đoan IV: xạ trị, hoá trị tiền phẫu, phẫu thuật nếu có thể được.

– Điều trị hoá chất kết hợp điều trị chăm sóc triệu chứng với các trường hợp bệnh giai đoạn tiến xa.

Xử trí một số tình huống đặc biệt

Tắc ruột do u: mổ cấp cứu làm hậu môn nhân tạo (HMNT) trên u hoặc cắt u theo phương pháp Hartmann, có thể cắt đoạn ruột có u nối ngay nếu tình trạng người bệnh cho phép.

Vỡ u, viêm phúc mạc: mổ cấp cứu lau rửa ổ bụng, đưa đoạn ruột ra ngoài.

Nhân di căn gan đơn độc: mổ cắt đoạn ruột có u, cắt u di căn gan, có thể làm một lần nếu tình trạng người bệnh cho phép.

Tái phát trong ổ bụng: phẫu thuật rộng rãi + hoá trị. Tái phát tầng sinh môn: phẫu thuật hoặc xạ trị + hoá trị.

U lớn, di căn xâm lấn nhiều không mổ cắt u được: làm phẫu thuật tạm thời (nối tắt, HMNT).

Theo dõi và tiên lượng

Sau điều trị triệt căn cần khám theo dõi phát hiện tái phát, di căn tại chỗ, hạch, ổ bụng, gan, phổi…xét nghiệm CEA, siêu âm, Xquang phổi, xạ hình xương, tốt nhất là chụp PET/CT toàn thân nếu có điều kiện.

Năm đầu tái khám 3 tháng /lần, năm thứ 2 tái khám 6 tháng /lần, sau đó 1 năm/lần.

Phòng bệnh ung thư đại tràng

– Thực hiện chế độ làm việc, sinh hoạt, thể dục thể thao điều độ.

– Chế độ ăn nhiều rau, chất xơ, ít chất béo; Hạn chế thức ăn lên men, ướp muối, xông khói; Không dùng các phụ gia thực phẩm, chất màu độc hại. Tránh những chất gây đột biến gen nhiễm trong thức ăn: thuốc trừ sâu, diệt cỏ, chất tăng trọng.

– Không lạm dụng rượu bia và các chất lên men khác.

– Điều trị tích cực các bệnh lý viêm nhiễm đại trực tràng.

– Phẫu thuật cắt đại tràng, cắt polyp dự phòng ung thư trong các trường hợp bệnh đa polyp, polyp lớn viêm nhiễm sùi loét.

Bệnh viên Bạch Mai

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook