Chủ Nhật, 06/09/2015 | 14:35

Ung thư dạ dày là loại khối u ác tính, có thể xuất phát bất kỳ từ vị trí nào của dạ dày. Bệnh có thể phát triển lan rộng dọc theo thành dạ dày hoặc xâm lấn sang các cơ quan khác xung quanh dạ dày.

Ung thư dạ dày là loại khối u ác tính, có thể xuất phát bất kỳ từ vị trí nào của dạ dày. Bệnh có thể phát triển lan rộng dọc theo thành dạ dày hoặc xâm lấn sang các cơ quan khác xung quanh dạ dày. Đây là một trong số những ung thư thường gặp nhất và đứng hàng đầu trong số các ung thư đường tiêu hoá trên phạm vi toàn cầu cũng như là Việt Nam.

Nhận biết dấu hiệu bệnh ung thư dạ dày

Triệu chứng lâm sàng

Ở giai đoạn sớm, triệu chứng nghèo nàn hoặc không có triệu chứng gì. Khi bệnh phát triển thường có triệu chứng sau:

– Đau bụng là dấu hiệu thường gặp nhất, đau không có chu kỳ, không liên quan đến bữa ăn.

– Buồn nôn, nôn nếu khối u ở môn vị và tâm vị.

– Khó nuốt nếu khối u ở tâm vị.

– Suy nhược toàn thân, gầy sút nhanh.

– Hội chứng thiếu máu: Da xanh, niêm mạc nhợt.

– Hội chứng xuất huyết tiêu hoá: Nôn ra máu, đi ngoài phân đen.

– Khám bụng có thể sờ thấy khối u hoặc đám cứng.

– Phát hiện các dấu hiệu di căn: cổ trướng, gan to, di căn hạch thượng đòn.

Các triệu chứng xét nghiệm

– Nội oi ống mền: Qua nội soi có thể quan sát trực tiếp tổn thương, xác định vị trí, hình dạng, kích thước tổn thương. Đồng thời tiến hành sinh thiết tổn thương để chẩn đoán mô bệnh học.

– Chụp X quang dạ dày: Là phương tiện phổ biến để phát hiện tổn thương ở giai đoạn tiển triển. Ở giai đoạn sớm cần kỹ thuật chụp đối quang kép gợi ý tổn thương, từ đó xác định thêm bằng nội soi.

– Siêu âm ổ bụng: Tìm ổ di căn xa ở gan, tuỵ, buồng trứng…

– Siêu âm qua nội soi: Giúp đánh giá mức độ xâm lấn của tổn thương qua các lớp của thành dạ dày.

– Chụp cắt lớp vi tính: Đánh giá mức độ lan rộng của tổn thương vào các tạng lân cận để có chỉ định điều trị.

– Chỉ điểm khối u: CEA, CA72-4 tăng cao trong một số trường hợp. Có giá trị theo dõi, đánh giá kết quả điều trị.

– Xạ hình xương bằng máy SPECT: Phát hiện tổn thương di căn xương từ rất sớm so với chụp X quang thông thường. Từ đó giúp lựa chọn biện pháp điều trị thích hợp. Tổn thương có thể ở xương sườn, xương chậu, xương cột sống,..

– Chụp PET/CT ((Positron Emission Tomography / Computer Tomography): Phương pháp này có giá trị: Phát hiện sớm tổn thương, đánh giá chính xác giai đoạn bệnh, theo dõi, đánh giá đáp ứng với điều trị, phát hiện tái phát, di căn xa, tiên lượng bệnh.

– Sinh thiết tổn thương, chẩn đoán mô bệnh học: Sinh thiết qua nội soi, lấy bệnh phẩm làm chẩn đoán mô bệnh học, có giá trị xác định bệnh. Các loại: Ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô không biệt hoá, ung thư biểu mô tuyến vảy, ung thư biểu mô tế bào vảy, sarcom, u lympho ác tính.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư dạ dày

Yếu tố môi trường

Chế độ ăn nhiều muối, những thức ăn khô, thức ăn hun khói, thức ăn chứa nhiều chất nitrosamine làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Các loại rau quả tươi có nhiều vitamin C như cam, chanh… có thể trung hoà, ức chế các gốc tự do có khả năng sinh ung thư.

Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn người không hút.

Gần đây người ta đã chứng minh được mối liên quan giữa viêm dạ dày do Helicobacter pylori với ung thư dạ dày.

Các tổn thương, bệnh lý có nguy cơ cao

Các tổn thương như viêm teo dạ dày, vô toan, thiếu máu ác tính, dị sản ruột, u tuyến dạ dày cũng được xem là có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Những người có tiền sử phẫu thuật cắt dạ dày do loét có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 – 4 lần người bình thường.

Chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày

Chẩn đoán xác định

Dựa vào lâm sàng, cận lâm sàng trong đó sinh thiết qua qua nội soi, chẩn đoán mô bệnh học có giá trị quyết định.

Chẩn đoán giai đoạn

Phân loại TNM:

-T: U nguyên phát. Tuỳ theo vị trí, kích thước u, được chia thành T1, T2, T3,T4.

-N: Hạch vùng. Tuỳ theo vị trí hạch di căn, được chia thành N1,N2,N3.

– M1: Di căn xa.

Điều trị bệnh ung thư dạ dày

Phẫu thuật

Là biện pháp cơ bản nhất để điều trị ung thư dạ dày. Các phương pháp:

– Cắt một phần dạ dày hoặc cắt toàn bộ dạ dày đồng thời cắt bỏ mạc nối lớn + vét hạch.

– Trường hợp giai đoạn sớm tổn thương tại chỗ ở lớp niêm mạc có thể cắt bỏ rộng tổn thương qua nội soi.

– Khi bệnh ở giai đoạn muộn: Phẫu thuật cắt dạ dày nhưng không vét hạch, nối vị tràng, mở thông dạ dày, mở thông hỗng tràng.

Xạ trị

Xạ trị trước mổ hoặc hoá xạ trị đồng thời có thể giúp người bệnh không mổ được trở nên mổ được và có thể kéo dài thời gian sống của người bệnh sau mổ một cách đáng kể.

Hoá chất

Có thể điều trị trước phẫu thuật, sau phẫu thuật, đồng thời với xạ trị, hoá chất đơn thuần hoặc kết hợp với điều trị đích trong trường hợp giai đoạn tiến triển, tái phát. Dùng hoá chất trong các trường hợp sau:

– Sau phẫu thuật: Khối u lớn, xâm lấn rộng ra quá thanh mạc, hạch (+), có di căn xa.

-Trước phẫu thuật: T2,T3,T4,N(+).

– Các trường hợp không còn khả năng phẫu thuật hoặc phẫu thuật nhưng còn để lại tổ chức ung thư.

Điều trị đích

Dùng kháng thể đơn dòng kháng phần nội bào của thụ thể, yếu tố phát triển biểu môn (Her 2). Dùng trong trường hợp: Ung thư biểu mô tuyến giai đoạn tiến triển; tái phát; thất bại với các biện pháp điều trị khác mà có xét nghiệm Her 2 dương tính.

Chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi

Là một phần quan trọng trong quá trình điều trị. Tuỳ từng giai đoạn của quá trình điều trị, loại phương pháp được điều trị mà bác sĩ sẽ cho lời khuyên cụ thể thích hợp cho từng trường hợp.

Chế độ ăn hợp lý: nhiều trái cây, rau, ngũ cốc toàn phần, các sản phẩm từ sữa, một lượng thịt vừa phải, ít chất béo động vật và hạn chế đường.

Nên vận động, tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng.

Hạn chế vận động khi có biến chứng chảy máu dạ dày.

Luôn lạc quan, thoải mải và tin tưởng vào thầy thuốc.

Điều trị ung thư dạ dày giai đoạn di căn một số vị trí đặc biệt

Di căn xương: xạ ngoài hoặc xạ trong.

Di căn não: Xạ phẫu dao nếu không quá 3 tổn thương, đường kính mỗi tổn thương ≤ 3cm. Hoặc xạ trị toàn não..

Cách phòng bệnh ung thư dạ dày

Không ăn thức ăn có chứa nhiều chất nitrosamin: dưa muối, cà muối.

Không ăn thức ăn có nhiều chất phụ gia, thức ăn hun khói.

Ăn nhiều các loại thực phẩm có chứa các vitamin: rau xanh, quả tươi.

Không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, tránh béo phì.

Điều trị bệnh viêm dạ dày mạn tính nhất là diệt vi khuẩn Helicobacter pylori.

Bệnh viện Bạch Mai.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook