Chủ Nhật, 25/09/2016 | 16:36

Bữa sáng ăn cho mình, bữa trưa cho bạn, bữa tối cho kẻ thù nhưng người Việt Nam đang đi ngược. Nhiều gia đình chỉ tập trung ăn bữa tối, ít người duy trì bữa sáng đủ chất.

GS Tạ Văn Bình – nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương – cho biết tình trạng tiểu đường, bệnh rối loạn chuyển hoá do thừa cân béo phì ngày càng tăng. Trong đó đặc biệt nguy hiểm là bệnh xuất hiện ở trẻ em.

Hầu như ngày nàoGS Bình cũng gặp các bệnh nhân là nạn nhân của thừa cân béo phì. Có những cháu bé đến gặp bác sĩ, dù học lớp 6 nhưng có cân nặng cả tạ. Ví dụ như trường hợp của bé Trần Anh Tuấn trú tại Mỹ Đình đang được theo dõi rối loạn chuyển hoá vì cháu quá béo.

Thói quen xấu cắt dần tuổi thọ của trẻ em Việt Nam GS Tạ Văn Bình.

Mẹ của Tuấn cho biết cháu béo từ còn bé nên việc ăn uống cũng rất dễ, nhưng cái dễ đó như lời mẹ cháu nói chẳng khác nào con dao đang cắt dần tuổi thọ của cháu.

Mẹ của Tuấn cho biết Tuấn thích ăn thịt, thích uống nước ngọt có ga nhưng lại lười ăn rau, lười vận động. Buổi sáng, để giảm cân, Tuấn không ăn sáng mà chỉ uống chai nước ngọt, đến trưa ăn tạm thức ăn nhanh. Buổi tối, cả nhà quây quần ăn tối thì Tuấn được ăn thoải mái.

Mẹ Tuấn tâm sự: “Cả ngày ai cũng đi làm, gia đình chỉ ăn chung bữa tối nên không nỡ cấm cháu ăn nên cháu cứ tăng cân đều”. Chỉ đến khi cháu thấy mệt mỏi, bố mẹ mới đi khám, lúc này bác sĩ đã phát hiện ra cháu bị tăng đường huyết và rối loạn chuyển hoá.

Trường hợp của gia đình bé Tuấn cũng giống rất nhiều gia đình Việt Nam hiện nay, đó là bỏ bữa sáng, bữa trưa và tập trung ăn bữa tối.

GS Bình nhấn mạnh “Bữa sáng ăn cho chính mình, bữa trưa cho bạn, bữa tối cho kẻ thù nhưng người Việt Nam chúng ta đang đi ngược. Nhiều hộ chỉ tập trung ăn cho bữa tối, rất ít người duy trì bữa ăn sáng đều đặn, đủ calo cho cơ thể. Điều này gây nên tình trạng tích tụ mỡ, gia tăng tình trạng thừa cân béo phì”.

Béo phì liên quan đến yếu tố gia đình do có cùng đặc điểm về lối sống, được thể hiện qua việc trẻ dễ bị thừa cân khi có cha hoặc mẹ bị thừa cân, béo phì.

Thừa năng lượng, nghèo dưỡng chất

Theo thống kê của viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em đang ở mức đáng báo động. Tình trạng này ở Hà Nội là 6%, TP.HCM là 10% trong khi tỷ lệ Việt Nam đang cố gắng mong muốn là 5%.

PGS Lê Bạch Mai – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia – báo động về tình trạng dinh dưỡng của người Việt Nam hiện nay: Đó là ăn uống thừa năng lượng mà nghèo dưỡng chất cần thiết, nhất là khoáng chất. Điều này dẫn đến tình trạng béo phì, dù béo phì nhưng trẻ còi xương, người trưởng thành thiếu caxi.

Việc thay đổi thói quen ăn uống, lười vận động là hậu quả của các thay đổi về mặt kinh tế, xã hội và môi trường sống.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biế ước tính năm 2014, toàn thế giới có khoảng 1,9 tỷ người trưởng thành bị thừa cân (tương đương với 39% dân số), trong đó có 600 triệu người bị béo phì.

Như vậy số người thừa cân, béo phì hiện nay đã tăng gấp hơn hai lần so với năm 1980. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chi phí cho quản lý và điều trị thừa cân, béo phì có thể lên đến 2% – 7% tổng chi phí cho chăm sóc y tế của các nước phát triển.

Ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Trong xã hội hiện đại, tình trạng thừa cân, béo phì ở người trưởng thành đang có xu hướng ngày càng phổ biến và trở thành một trong những thách thức lớn đối với chương trình chăm sóc sức khỏe ở mọi quốc gia.

TS Trương Đình Bắc – Cục Phó Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh không lây nhiễm. Tiêu biểu như các bệnh tim mạch, bao gồm: tăng huyết áp, đột quỵ, xơ vữa và tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim; nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2 và một số bệnh ung thư như ung thư túi mật, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư thận… Nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tử vong càng cao khi chỉ số BMI càng lớn.

Phòng chống thừa cân, béo phì thực hiện theo các nguyên tắc: tập trung làm giảm các yếu tố môi trường đang tạo thuận lợi cho thừa cân, béo phì; làm giảm các yếu tố nguy cơ tác động đến các cá nhân hay nhóm có nguy cơ; đồng thời quản lý từng trường hợp cho các đối tượng đã bị thừa cân, béo phì. Việc phòng ngừa để người có cân nặng bình thường không bị thừa cân, béo phì là vấn đề quan tâm chính của y học dự phòng.

Theo P. Thúy / Infonet
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook