Thứ Tư, 13/04/2016 | 11:31

Haig Manoukian hiến xác cho y học với mong muốn được tiếp tục làm một người thầy và đã dạy cho sinh viên y khoa Đại học New York biết mọi tử thi đều có một câu chuyện.

Theo WNYC, khi 6 sinh viên y khoa năm nhất của Đại học New York (NYU) đến bàn số 4 trong lớp giải phẫu để “gặp” tử thi mới, họ không mấy hài lòng. Bài kiểm tra cuối kỳ chỉ còn cách vài tuần, có hàng tá mạch máu, dây thần kinh và thành phần cơ quan nội tạng cần nhớ. Thế mà tử thi này lại là “người mới”. Nhóm sinh viên vốn thực hành hàng tuần trên thi thể một phụ nữ lớn tuổi với khoang ngực đẹp đẽ, gọn gàng nhưng giờ không thể tiếp tục vì  ruột của bà bị ung thư tàn phá“Giờ thì chúng ta chẳng nhìn thấy gì trong khoang ngực và không thể sử dụng thông tin đã có từ trước”, sinh viên Samantha Ayoub bực bội. 

Ở trường y, các giáo viên thường gọi tử thi là “bệnh nhân đầu tiên” của sinh viên. Đại học Havard thống kê mỗi năm 20.000 công dân Mỹ hiến xác cho khoa học. Trên thực tế, người đang nằm trên bàn số 4 kia không chỉ là tổ hợp của mạch máu. Theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, ông ấy là một người thầy.

Thi thể hiến tặng của người nhạc công và bài học cho sinh viên y

Nhóm sinh viên NYU thực hành trên thi thể Haig Manoukian. Từ trái sang: Oliver Stewart, Alexa Steuer, Bianca Kapoor, Samantha Ayoub, Michael Nguyen và Sophie Ruff. Ảnh: Richard Yeh / WNYC.

Người đàn ông tên thật là Haig Manoukian. Cùng với người vợ Michele Piso Manoukian, ông quyết hiến tặng thi thể cho NYU để tiếp tục làm một nhà giáo dục. “Được trở thành một phần kiến thức của các sinh viên là điều tuyệt vời nhất chúng tôi có thể mong đợi”, Michele nghẹn ngào.

Khi còn sống, Haig Manoukian dành cả đời gắn bó với âm nhạc. Con trai một người sống sót sau nạn diệt chủng Armenia, Haig là bậc thầy đàn oud (loại đàn dân tộc của các nước Trung Đông) với biệt danh “Jimi Hendrix của đàn oud”. Haig đã biểu diễn khắp nơi trên thế giới và sẵn sàng truyền dạy, nhận khôi phục nhạc cụ cho những ai cần. “Anh ấy rất kỹ lưỡng và nhẫn nại”, Michele nhớ lại. “Tôi có thể mường tượng cảnh anh ấy ngồi trong phòng giải phẫu, nói chuyện với sinh viên về những gì họ đang làm rồi nói ‘Ô, bạn dùng dụng cụ này à? Thật thú vị'”. 

Haig Manoukian qua đời năm 2014 sau 6 năm chống chọi với ung thư tuyến tiền liệt. Michele nằm cạnh ông, nói lời từ biệt, xức dầu theo truyền thống người Syria rồi chuyển thi thể chồng cho NYU. 18 tháng sau, Haig nằm trên bàn số 4 trong phòng giải phẫu của trường đại học.

Tất nhiên, 6 sinh viên kia không biết gì về những điều kể trên. Ở NYU và nhiều nơi khác, danh tính của người hiến thi thể được giữ bí mật. Trong năm thứ nhất, các bác sĩ tập sự phải dành một tháng để học giải phẫu. Nhiệm vụ của họ chủ yếu là ghi nhớ cách cơ thể hoạt động, nguyên nhân và hệ quả của bệnh tật, kỹ thuật chăm sóc bệnh nhân… Giải phẫu, nói một cách nào đó, như công cụ ghi nhớ 3D. “Nhìn trực tiếp trên tử thi đơn giản hơn nhiều so với việc học qua sơ đồ hoặc văn bản”, sinh viên Oliver Stewart nói. 

Tuy nhiên, vì giải phẫu là bài tập ghi nhớ, nó khiến một số điều bị bỏ sót. “Giáo viên hướng dẫn bảo chúng tôi nhìn mọi thứ theo cấu trúc chứ không phải như một con người”, sinh viên Michael Nguyen giãi bày. “Bạn sẽ không nghĩ cái đầu gối này là của ai đó mà chỉ biết có một cái đầu gối phải học về cơ bắp, gân, dây chằng”. 

Các sinh viên đào sâu vào các mạch máu, dây thần kinh, nội tạng và đôi khi quên mất họ đang làm việc trên một con người. “Thật khó để nhớ rằng đây từng là một người sống và hít thở”, sinh viên Kapoor bộc bạch.

Thi thể hiến tặng của người nhạc công và bài học cho sinh viên y

Haig biểu diễn đàn oud tại một quán bar Brooklyn năm 2011. Ảnh: Joe Cohen.

Sau khi hoàn thành năm học, 6 sinh viên mới biết về Haig qua bài viết của một phóng viên dưới sự cho phép của NYU. Tất cả họ đều kinh ngạc vì sự nghiệp nổi tiếng của Haig, quá trình vật lộn với bệnh tật và quyết định hiến tặng thi thể của ông để họ được học tập. Các sinh viên nhẹ nhõm vì không biết những chi tiết này sớm hơn bởi họ rất có thể chìm trong những suy nghĩ tiêu cực nhưng cũng ít nhiều cảm thấy rối bời. “Tôi thấy thật tệ vì chúng tôi đã không để ý chút nào đến cuộc sống của ông ấy”, Kapoor tâm sự. “Lúc ấy chúng tôi chỉ tập trung xem tĩnh mạch này sẽ nối với tĩnh mạch nào hoặc cái đó đến từ đâu”.

Vào buổi lễ tưởng niệm Haig, Michele mời 6 sinh viên kia đến dự. Họ bày tỏ lòng biết ơn với nhau. Michele giới thiệu với bạn bè, gia đình nhóm bác sĩ tập sự từ NYU đã làm việc trên thi thể người chồng nhạc công. Haig không chỉ sống trong những giai điệu đang cất lên mà sẽ mãi tồn tại trong 6 thanh niên trẻ tuổi ấy.

Mỗi tử thi đều có một câu chuyện và nhiều khi, những câu chuyện đó sẽ nhắc nhở các bác sĩ tương lai về lòng biết ơn cũng như mơ ước, nhiệm vụ của mình. “Thật là xúc động”, Ayoub chia sẻ. “Tôi hy vọng sẽ luôn dốc hết sức mình để trở thành một bác sĩ giỏi xứng đáng với Haig”.

Minh Nguyên

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook