Thứ Hai, 30/11/2015 | 22:00

Thương con gái lọt lòng đã không thể nghe được tiếng của mẹ,  chị Hà (TP HCM) không cho phép mình nghỉ ngơi trong suốt 12 năm chữa bệnh cho bé Ti.

Bao nhiêu năm kể từ khi con chào đời là bấy nhiêu năm chị Hà trở thành cô giáo đặc biệt. Giây phút phát hiện con bị khiếm thính, chị biết không ai khác ngoài chính bản thân mình phải có đủ nghị lực để truyền sức mạnh cho con. Nước mắt, nụ cười, niềm vui của chị là khi con nghe, hiểu và nói thêm một từ mới – điều hiển nhiên với một đứa trẻ bình thường. 

Được đeo máy trợ thính từ lúc 2 tuổi, dù đã kiên trì luyện tập nhưng mức độ nghe của bé Ti rất kém. Nhiều lần ở trường về, bé tâm sự với tâm trạng buồn rầu, lo lắng vì các cô nói rất nhanh, bé nhìn miệng không kịp nên không hiểu bài. “Có hôm con kể, sáng đến trường bước chân vào cổng như mọi ngày, con thấy thầy cô và các bạn nói gì với con mà không nghe rõ, tự nhiên con òa khóc vì không trả lời được. Nghe chuyện mà lòng tôi đau thắt”, chị Hà tâm sự.

Con gái lên 14 tuổi, được Quỹ Cấy điện cực ốc tai điện tử chọn tài trợ, chị Hà biết rằng quãng đường gian nan của mình đã có hướng đi. Bé Ti bắt đầu từng giây từng phút trải nghiệm những âm điệu chân thật của cuộc sống xung quanh mà từ bé đến giờ với máy trợ thính bé không thể nghe được. Sau 2 tháng bật máy, bé đã hiểu được câu chuyện khoảng 6 câu, thích thú với những bài đàm thoại tiếng Anh, tập hát theo những bài nhạc quê hương trữ tình.

Tháng ngày gian khó tìm âm thanh cho con khiếm thính

Giải pháp cấy điện cực ốc tai giúp hỗ trợ đắc lực cho trẻ khiếm thính. Ảnh: Lê Phương.

Sàng lọc ở bệnh viện lúc con 3 ngày rồi 21 ngày tuổi cho kết quả con khiếm thính bẩm sinh, chị Tuyết lặng người. Chưa bao giờ chị thấy ghét tất cả âm thanh xung quanh đến vậy. “Tôi ghét tiếng chó sủa, tiếng nhạc, tiếng mưa rơi… vì con có nghe được đâu. Tiếng trẻ con nhà hàng xóm nô đùa làm tôi chạnh lòng chảy nước mắt. Tôi đã nghĩ đến điều tiêu cực nhất vì muốn trốn tránh tất cả, không muốn những buồn phiền cứ quẩn quanh đeo bám trong đầu. Tôi muốn chấm dứt tất cả”, chị Tuyết nhớ lại.

Tự mình lấy lại tinh thần, chị tìm đến diễn đàn các ông bố bà mẹ cùng hoàn cảnh để “đi tìm âm thanh cho con”. Trong thời gian chờ đợi con đủ tuổi và đủ tiền cấy ốc tai, chị mua cho con một đôi máy trợ thính và bắt đầu giúp con làm quen với âm thanh. Bốn tháng tuổi, đôi tai non nớt của bé phải gánh thêm cặp máy trợ thính. Những ngày đầu mới đeo, khó khăn lắm chị mới lựa được núm tai vừa lỗ tai con. Khi con nằm, vành tai hằn đỏ. Mỗi lần núm tai lỏng là máy kêu rú lên. 

“Mỗi khi tạo âm thanh cho con, tim tôi cũng đập thình thịch cùng tiếng trống, tiếng xúc xắc mang theo nỗi hồi hộp quan sát phản ứng của con. Rồi con cũng biết quay lại nơi phát ra âm thanh, dù ban đầu chỉ với âm thanh tự nhiên”, chị Tuyết nhớ lại. 8 tháng tuổi, bé bắt đầu biết đập bụp bụp lên đầu con vịt để nó kêu chít chít và cười thích thú. 10 tháng, bé đã quay lại khi mẹ gọi tên từ phía sau. Chị chảy nước mắt, vừa mừng vừa tủi khi con giật mình thức dậy vì tiếng sấm nổ đùng đoàng.

Đến ngày con được cấy điện cực ốc tai và kích hoạt điện cực, hai mẹ con lại bắt đầu chuỗi ngày cùng nhau tập luyện tiếp cận âm thanh theo một cách khác. Bé dần dần tự tin hòa nhập cuộc sống, biết vuốt má mẹ phụng phịu những lời “mẹ xinh”, “bố xấu”, chun mũi “eo ôi” khi em tè dầm, tròn mồm “chết rồi” khi bố đánh rơi đồ hay làm đổ nước.

“Ông trời chẳng công bằng, có thể cho người này quá nhiều và lấy đi của người kia không ít. Nhưng mẹ vẫn thấy ông trời không bất công với mẹ quá đâu, vì chúng ta có nhau cơ mà. Mẹ còn thấy tự hào vì ông trời đã chọn mẹ để trao cho nhiều thử thách như vậy. Mẹ không muốn đặt cho mình câu hỏi liệu có quyết định giữ con không nếu biết mẹ con mình phải trải qua nhiều vất vả như thế nhưng mẹ muốn nói rằng: Mẹ chưa khi nào hối tiếc vì đã sinh ra con”, chị Tuyết trải lòng trong nhật ký.

Ước tính tại Việt Nam cứ 1.000 trẻ chào đời thì có một bé bị điếc. Trước đây, việc dùng máy trợ thính được xem là giải pháp hỗ trợ đắc lực. Tuy nhiên với những trường hợp điếc sâu, nặng ở cả hai tai thì máy trợ thính không thể mang lại hiệu quả. Từ cuối thế kỷ 20, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp ốc tai điện tử, giúp các em có lại khả năng nghe và nói để sử dụng ngôn ngữ giao tiếp bình thường, hòa nhập cuộc sống khi lớn lên.

Tại Việt Nam, kỹ thuật cấy ốc tai điện tử được thực hiện 15 năm trở lại đây. Các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện càng sớm càng tốt cho bệnh nhi ở giai đoạn phát triển ngôn ngữ, khoảng dưới 2 tuổi. Tuy nhiên, chi phí thực hiện kỹ thuật này tốn kém hàng trăm triệu đồng nên ít gia đình có khả năng chi trả để mang lại khả năng nghe cho con trong suốt cuộc đời. 

Nhằm tạo điều kiện cho trẻ khiếm thính Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn, Quỹ tài trợ cấy ốc tai điện tử hỗ trợ 2,6 tỷ đồng trao tặng thiết bị ốc tai điện tử. Đăng ký tham gia chương trình cấy ốc tai miễn phí theo số điện thoại tại TP HCM 0965 449 446 hoặc Hà Nội 0965 449 447, hoặc theo mẫu qua email: cayoctaidientu@gmail.com

Lê Phương

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook