Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đột nhiên có chuyến thăm 3 nước trong 8 ngày (từ ngày 17/6 tới 24/6/2016) gồm hai nước Đông Âu và một nước Trung Á. Trạm dừng chân đầu tiên của ông là Serbi, lần đầu tiên sau 32 năm nguyên thủ Trung Quốc mới đặt chân tới nước này.
Tập Cận Bình thăm ba nước Đông Âu
Dư luận các nước rất lưu ý tới chuyến công du 8 ngày (từ ngày 17/6 tới 24/6/2016) đối với 3 nước, trong đó có hai nước Đông Âu là Serbi, Ba Lan và một nước Trung Á là Uzbekistan trong bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ căng thẳng, quan hệ Trung – Nga chững lại và tình hình Đông Nam Á cũng như Đông Bắc Á đang diễn biến bất lợi đối với Trung Quốc.
Trạm dừng chân đầu tiên của ông là Serbi, một nước tách ra từ Liên bang Nam Tư và sau 32 năm nguyên thủ quốc gia Trung Quốc mới lại đặt chân lên đất nước này. Vào năm 1984 ông Lý Tiên Niệm khi đó là Chủ tịch Trung Quốc đã thăm Liên bang Nam Tư. Ba Lan hiện là đối tác buôn bán lớn nhất của Trung Quốc trong các nước Đông Âu và Uzbekistan là nước đầu cầu trong Chiến lược “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc.
Dư luận đặt câu hỏi vì sao trong lúc này, ông Tập Cận Bình lại đột nhiên thăm 3 nước như vậy? Theo các nhà nghiên cứu có thể xuất phát từ nguyên nhân sau:
– Một là, mâu thuẫn Trung – Mỹ thời gian qua trở nên căng thẳng, nhất là tình hình Biển Đông và Khu vực Đông Bắc Á, trong đó mâu thuẫn Trung – Nhật nổi lên ở Biển Hoa Đông, quan hệ Trung – Triều căng thẳng, quan hệ Trung – Hàn trở nên lạnh nhạt. Tiếp đó là quan hệ Trung Quốc Đại lục với Đài Loan có thể dienx biến theo chiều hướng bất lợi đối với Trung Quốc sau khi bà Thái Anh Văn, Chủ tịch Đảng Dân Tiến theo chủ trương muốn độc lập đã thắng cử lên làm Tổng thống. Tình hình này đẩy Trung Quốc vào thế cô lập và bị động.
– Hai là, Mỹ đẩy mạnh thực hiện chương trình TPP ký kết ngày 5 tháng 10 năm 2015 tại Atlanta (Hoa Kỳ) theo đó ASEAN và Mỹ đã trở thành “Khối cộng đồng”, thành “Trục Mỹ – ASEAN” có tiếng nói chung trên nhiều lĩnh vực. TPP có quy mô GDP ước tính tới 26.000 tỷ USD, làm cho Mỹ thêm được tới 500 triệu khách hàng ở Châu Á, khẳng định vai trò chủ đạo của Mỹ về kinh tế chính trị, quân sự ở Châu Á – Thái Bình Dương, qua đó đẩy lùi một bước Chiến lược “Đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc, thách thức lớn đối với “Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện Khu vực” (RCEP) do Trung Quốc chủ xướng. Hiệp định này mỗi năm có thể làm xuất khẩu của Trung Quốc giảm tới 100 tỉ USD. Mạng tin “Đa chiều” đánh giá TPP chẳng những tác động về kinh tế mà cũng là một bước ngăn chặn có hiệu quả chiến lược “Một vành đai, Một trục đường” trên biển của Trung Quốc.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục tiến hành chương trình “Đối tác xuyên Đại Tây Dương” (TTIP), tình hình EU hiện đang rối ren, chia rẽ nên đều bất lợi cho Trung Quốc.
– Ba là, thời gian qua Mỹ đã thành công trong việc thuyết phục các nước trong Khu vực cùng Mỹ ngăn chặn thêm một bước ý đồ bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Sự kiện Philippin kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế sẽ công bố phán quyết vào tháng 7/2016 tiếp đó Indonexia có thể theo gương Philippin tiếp tục kiện Trung Quốc. Thời gian qua, Trung Quốc tuyên truyền có tới 40 nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, nhưng thực tế hầu như không có nước nào. Dư luận nhận xét hầu như ở nước nào khi tới thăm, ông Tập Cận Bình cũng tuyên truyền cho lập trường về Biển Đông của Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ của các nước.
– Bốn là, Quan hệ Trung – Nga thời gian qua chững lại trong khi các nước trong Nhóm BRICS do Trung Quốc chủ đạo gặp khó khăn.
Trong bối cảnh này, Chủ tịch Tập Cận Bình đột nhiên thăm 3 nước, trong đó Serbi là trạm dừng chân đầu tiên. Trên thực tế trong 32 năm qua kể từ khi Chủ tịch Lý Tiên Niệm thăm Liên bang Nam Tư năm 1984 tới nay, thì quan hệ hai nước không có mấy tiến triển về hợp tác kinh tế. Số liệu của Trung Quốc cho biết trong khi quan hệ buôn bán Trung Quốc – EU đạt trên 500 tỉ USD, thì kim ngạch buôn bán Trung Quốc – Serbi chỉ nhỏi nhoi có 549 triệu USD năm 2015, giảm 2,2% so với năm trước. Tới nay đầu tư của Trung Quốc chỉ có 85 triệu USD. Tuy nhiên cuộc Khủng hoảng Koxovo (Nam Tư cũ) thập kỷ 90 Thế kỷ 20 đã làm quan hệ Trung – Mỹ mâu thuẫn gay gắt. Ngày 7/5/1999, máy bay B-2 của Mỹ đã bắn 5 tên lửa hành trình vào Sứ quán Trung Quốc ở Beograt làm 3 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Sự kiện nay đã dấy lên làn sóng chống Mỹ ở Trung Quốc. Serbi hiện nay là nước chưa tham gia NATO trong khi có tới 12 trong số 16 nước Trung và Đông Âu gia nhập NATO. Ngay nước láng giềng Montenegro vừa tách khỏi Serbi sắp gia nhập NATO. Bởi vậy, Serbi là một biểu tượng đoàn kết với Trung Quốc trong số các nước Trung và Đông Âu.
Trạm thứ hai là Ba Lan, đối tác buôn bán lớn nhất của Trung Quốc trong các nước Trung và Đông Âu. Kim ngạch hai chiều năm 2015 đạt 17 tỉ USD. Công trình do Trung Quốc nhận thầu khoán ở Ba Lan tới 485 triệu USD và Ba Lan đầu tư vào Trung Quốc trị giá 210 triệu USD với 303 công trình. Năm 2004, ông Hồ Cẩm Đào từng thăm Ba Lan, nhưng không đạt được kết quả như mong muốn. Vì vậy, thông qua chuyến thăm này, ông Tập Cận Bình muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Ba Lan.
Trạm cuối cùng là Uzbekistan, đối tác buôn bán lớn thứ 2 của Trung Quốc ở Trung Á và là nước mà Trung Quốc có đầu tư lớn nhất trong khu vực. Kim ngạch bôn bán hai nước năm 2015 đạt 3,5 tỉ USD, đầu tư của Trung Quốc tại đây đạt 6,5 tỉ USD, nhất là về dầu khí, nhất là các công trình đường sắt và ống dẫn khí đốt. Ngoài ra, Uzbekistan còn là đầu cầu của Chiến lược “Một vành đai, Một con đường”, là khởi đầu của “Con đường tơ lụa trên Lục địa”. Bởi vậy, Uzbekistan có tầm quan trọng rất lớn. Trong thời gian ở thăm Uzbekistan, ông Tập Cận Bình còn chủ trì “Cơ chế đối thoại chiến lược 16 +1”, tức cơ chế đối thoại về tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc với 16 nước Trung, Đông Âu và Trung Á được hình thành từ năm 2013.
Trong bối cảnh Trung Quốc ở phía Đông đang bị cô lập, ông Tập Cận Bình mở chuyến công du sang phía Tây để lôi kéo các nước Trung, Đông Âu và các nước Trung Á. Dư luận cho rằng do tiếng nói của các nước trên không nặng ký trên trường quốc tế, vì vậy Trung Quốc khó có thể thay đổi tình trạng đang bị dư luận các nước lên án hiện nay./.
Kiều Tỉnh
Nguồn: Báo Tầm Nhìn
Chưa có bình luận.