Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo lãnh đạo các vụ, cục, văn phòng Bộ, thanh tra Bộ, tổng cục, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị y tế các ngành, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện tốt công tác đảm bảo y tế trong dịp Tết.
Các cơ sở y tế phải đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn số 74/KCB-QLCL, ngày 02/1/2016 chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các bộ, ngành thực hiện tốt những việc sau: đảm bảo công tác thường trực khám chữa bệnh, cấp cứu, không để người bệnh đến bệnh viện không có người khám. chữa bệnh: có kế hoạch đảm bảo công tác điều trị, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự trong cơ sở khám, chữa bệnh, công tác trực sẽ theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, xử lý thông tin Đường dây nóng; trực hành chính- hậu cần và trực bảo vệ- tự vệ. Danh sách cán bộ trực phải được niêm yết tại các khoa, phòng. Xây dựng kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm hoạ, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh; hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết. Chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra; tổ chức tốt việc cấp cứu, khám, chữa bệnh cho người bệnh, không để người bệnh thiếu thuốc. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác. Cục Quản lý Khám chữa bệnh chỉ đạo các bệnh viện tổ chức thăm hỏi và đón Tết cho người bệnh đang điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết, đặc biệt chú ý người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách; thường trực công tác báo cáo tình hình cấp cứu, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, đánh nhau, ngộ độc trong dịp Tết. Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch kiểm tra thường trực Tết, thành lập 06 đoàn kiểm tra do lãnh đạo Bộ Y tế làm trưởng đoàn cùng các cục, vụ liên quan đi kiểm tra công tác thường trực Tết , đồng thời, động viên, thăm hỏi, chúc Tết cán bộ, công chức, viên chức của bệnh viện và người bệnh.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, PGS.TS. Nguyễn Văn Kính Giám đốc Bệnh viện cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Bệnh viện đã lên kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị chăm sóc người bệnh, cũng như chuẩn bị các phương án dự phòng khi có dịch xảy ra trong dịp tết. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 01/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế; Công văn số 79/KCB-QLCL của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Bệnh viện đã phân công, đảm bảo chế độ thường trực lãnh đạo, chuyên môn; trực phòng chống dịch theo 4 cấp 24/24h; đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân; thành lập 03 đội cấp cứu Phòng chống dịch ngoại viện, sẵn sàng tham gia các đoàn công tác phòng chống dịch của Bộ Y tế tại các địa phương, hỗ trợ chuyên môn khi được điều động…
Cung ứng đầy đủ, kịp thời không để xảy ra tình trang thiếu thuốc hay tăng giá thuốc
Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp quản lý để tránh tình trạng tăng giá thuốc vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi có bùng phát dịch bệnh; các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức các địa điểm trực bán thuốc 24/24… không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám chữa cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, cùng với Tổng công ty Dược Việt Nam và các đơn vị cung ứng thuốc có kế hoạch dự trữ, cung ứng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân; trong đó chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh cúm A/H5N1, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, tiêu chảy do virus Rota, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh khác có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông- Xuân, nhất là dịp Tết và mùa lễ hội; ngành Y tế các địa phương chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và tăng cường các biện pháp quản lý để tránh tình trạng tăng giá thuốc vào dịp nghỉ lễ, Tết kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh. Đồng thời, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan chức năng chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành; các doanh nghiệp kinh doanh thuốc phải tổ chức các địa điểm trực bán thuốc 24/24 và công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời đáp ứng nhu cầu thuốc của người bệnh trong dịp Tết. Phân công cán bộ chuyên trách về dược trực 24/24 trong các ngày nghỉ Tết để theo dõi, nắm bắt tình hình và đảm bảo cung ứng thuốc trên địa bàn. Cùng với đó các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, sẵn sàng cung ứng đủ thuốc khi nhận được đặt hàng của các bệnh viện, không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, lợi dụng dịp Tết để tăng giá thuốc; các bệnh viện trực thuộc Bộ triển khai kế hoạch dự trữ thuốc để đảm bảo sẵn sàng cung ứng thuốc, tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh; Tổng Công ty Dược Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên có kế hoạch cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu của các cơ sở khám chữa bệnh.
Đảm bảo tốt công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết
Nhằm đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Bình Thân và mùa lễ hội xuân 2016, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý, tổ chức lực lượng thường trực sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp trong công tác điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi có sự cố an toàn thực phẩm xảy ra; xử lý nghiêm các vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình thanh, kiểm tra; tuyên truyền đầy đủ những nội dung liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những vi phạm an toàn thực phẩm, công khai kết quả thanh tra, kiểm tra các đơn vị không đảm bảo an toàn thực phẩm cho cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về công tác y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện chuyên ngành, bên cạnh, làm tốt công tác điều trị, cần thành lập các tổ cấp cứu, phòng chống dịch. Đặc biệt, với sự với sự phức tạp và lây lan nhanh của vi rút Zika tại các nước trên thế giới, Bộ Y tế đã có công văn gửi các Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ về biện pháp tổ chức phòng chống dịch Zika. Theo đó, các đơn vị tổ chức ngay các hoạt động giám sát trường hợp nghi mắc bệnh do virus Zika, đặc biệt các trường hợp đi về từ các quốc gia hiện đang có dịch bệnh; lồng ghép hoạt động giám sát virus Zika vào hoạt động giám sát trọng điểm sốt xuất huyết Dengue. Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) theo dõi sát diễn biến và các nguy cơ của bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam, nhất là trong dip Tết, lễ hội xuân 2016 với lượng người di chuyển từ vùng này sang vùng khác lớn.
Với những giải pháp đồng bộ, kịp thời, ngành Y tế mong muốn người dân trên cả nước sẽ được đón một cái Tết, lễ hội xuân hạnh phúc, an toàn, khỏe mạnh.
Bài, ảnh: Như Hiển
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Chưa có bình luận.