Nhiều phụ huynh lựa chọn bơi lội, bóng chuyền để con phát triển chiều cao. Để trẻ đủ thể lực tham gia các môn thể thao này, bạn nên cho con tập thể hình.
Dưới đây là bài chia sẻ của cựu vận động viên, huấn luyện viên thể hình Nguyễn Thế Thanh Tùng (thành viên Hiệp hội khoa học thể thao quốc tế – ISSA) về phương pháp tập luyện tăng chiều cao cho trẻ em cùng Zing.vn:
Nhiều người cho rằng trẻ em tập thể hình sẽ bị lùn. Điều này đã được nhiều nhà khoa học và chuyên gia về thể hình chứng minh không chính xác. Nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến chiều cao là chế độ dinh dưỡng và tập luyện chưa hợp lý.
Thể hình cho trẻ em là thực hành những động tác, bài tập cơ bản để phát triển thể chất cho bé đến mức hoàn hảo nhất tùy thuộc vào từng giai đoạn.
Mỗi giai đoạn đều có bài tập để phát triển thể chất, các kỹ năng giúp trẻ năng động, hạn chế béo phì, giảm huyết áp cao, tăng cường trao đổi chất, tăng chiều cao, đề cao lợi ích cộng đồng, làm nền tảng cho tuổi trưởng thành.
Ngoài ra, thể thao cũng tăng khả năng miễn dịch, sức đề kháng và chức năng cho các bộ phận trong cơ thể như tim, phổi khỏe mạnh, động mạnh, tĩnh mạch được lưu thông, giảm lượng đường trong máu, ngừa ung thư, điều hòa huyết áp, kích thích xương khớp phát triển.
Đa số phụ huynh lựa chọn các môn bơi lội, bóng rổ, bóng chuyền cho con để phát triển chiều cao. Tuy nhiên, để con trẻ đủ thể lực tham gia các môn thể thao này, bạn nên cho con tập thể hình.
Có thể cho trẻ tập các bài đơn giản như đu xà, giãn cơ. Ảnh: Subin.
Thể hình phát triển toàn diện, khai thác tiềm năng và phát huy sở trường của trẻ. Trẻ không thích hợp với chạy sẽ không tham gia được các môn như bóng đá, điền kinh, bóng rổ hoặc tennis nhưng có thể phát triển môn thể thao dưới nước và ngược lại.
Cách tập luyện giúp trẻ tăng chiều cao
Trước mỗi buổi tập, bạn nên cho trẻ khởi động làm nóng toàn thân. Trong và sau thời gian tập luyện, trẻ cũng nên uống nhiều nước để bù đắp lượng nước đã mất.
Trong một tuần, bạn có thể xây dựng lịch tập 2-3 ngày và đa dạng hóa các bài tập để tránh cảm giác nhàm chán.
Một số bài tập giúp phát triển chiều cao hiệu quả:
– Đu người trên xà đơn: Khác với người lớn cần đu và hít cho đầu hoặc cằm qua xà, trẻ em chỉ cần bắt đầu bằng việc rướn người, nâng độ khó từ từ.
– Bài tập co giãn: Giãn người như rắn hổ mang, ngồi thẳng chân và gập người đưa tay nắm mũi chân cũng là những bài tập đơn giản nhưng giúp trẻ cải thiện chiều cao hiệu quả.
– Bài tập nhảy:Nhảy dây, nhảy cao giúp tăng cường sự phát triển của xương sụn, cải thiện chiều cao, vóc dáng cơ thể. Đây cũng là bài tập dễ dàng thực hiện ngay tại nhà.
– Môn thể thao khác như bơi lội, bóng rổ, chạy bộ giúp trẻ vận dụng nhiều loại cơ, tăng sự dẻo dai, bền bỉ, kích thích tăng trưởng và phát triển chiều cao.
Khi tập luyện, cha mẹ lưu ý nên để chúng tự lựa chọn môn thể thao yêu thích dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên có chuyên môn, không ép trẻ vận động quá sức.
Huấn luyện viên Thanh Tùng. Ảnh: NVCC.
Chế độ dinh dưỡng
Theo văn hóa Á Đông, cơm là ưu tiên hàng đầu trong mỗi bữa ăn gia đình. Cơm mang rất nhiều năng lượng nhưng lại không đủ chất để chúng ta phát triển chiều cao, đặc biệt trẻ em. Chúng chiếm nhiều năng lượng làm cơ thể không thể hấp thụ những chất dinh dưỡng từ thịt, cá và rau quả.
Protein là dưỡng chất đóng vai trò lớn nhất trong việc phát triển chiều cao cho trẻ bằng cách xây dựng các mô. Thiếu hụt protein có thể dẫn đến giảm cân nặng, hệ thống miễn dịch yếu, tăng trưởng bất thường. Một số loại thực phẩm giàu protein như sữa tươi, các loại đậu, thịt gà, rau bina, cà rốt, các loại hạt.
Phụ huynh nên có sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia thể thao để biết được liều lượng thức ăn phù hợp, giúp trẻ không thừa chất gây béo phì, tránh bị suy dinh dưỡng, nhiều năng lượng để tham gia hoạt động thể thao. Thông thường, cơ thể trẻ cần lượng calo được tính theo cân nặng và tỷ lệ vận động (trung bình 1.000-1.400 calo/ngày). Khi ăn uống, cha mẹ không nên để trẻ bỏ bữa hoặc ăn vặt quá nhiều, dinh dưỡng phải phù hợp với chế độ tập luyện.
Huấn luyện viên Thanh Tùng
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.