Thứ Năm, 03/12/2015 | 15:30

Sau bài viết về “Quinvaxem (Q.), Pentaxim (P.), hay là không nên tiêm chủng nữa?”, một số bạn đặt câu hỏi tiếp: “Tại sao Pentaxim bị hạn chế nhập ở Việt Nam?”.

Đây không hẳn là một câu trả lời rõ ràng, nhưng tôi lần nữa muốn đưa thông tin để các bạn có thể tự đưa ra câu trả lời.

Theo các nhà chức trách tại Việt Nam, Pentaxim không bị hạn chế nhập. Tuy nhiên, bạn nên biết thêm một vài điểm sau để hiểu rõ hơn tình hình chung:

1. Giá thành

P mắc hơn rất nhiều so với Q (500.000 đồng, trong khi Q chỉ 77.000 đồng) nên việc bỏ 2 triệu đồng ra chích 4 mũi P cho con là vấn đề không đơn giản ở một nước mà thu nhập trung bình hàng tháng là 3,8 triệu đồng theo thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2014.

Theo thống kê tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,6 triệu bé tiêm Q theo chương trình Tiêm Chủng Mở Rộng (TCMR) của Tổ Chức Sức khoẻ Thế giới (WHO) và chỉ có khoảng 100 ngàn bé tiêm P qua dịch vụ. Do đó, nhu cầu tiêm P ở Việt Nam không cao.

2. Cung ảnh hưởng bởi cầu

Nhà sản xuất vắc xin dựa trên nhu cầu dự đoán của các nước sử dụng để sản xuất lượng vắc xin phù hợp mỗi năm cho nước đó. Từ năm 2010, Việt Nam bắt đầu sử dụng Q. đại trà, cung cấp miễn phí bởi chương trình TCMR nên nhu cầu tiêm P. có lẽ cũng giảm so với trước đó, và do đó nhà sản xuất cũng phải giảm lượng P. cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Đến khi có những ca tử vong bị nghi ngờ do Q. gây ra, nhu cầu tiêm P. mới tăng đột biến, do đó, nhà sản xuất không thích ứng kịp (ngay cả khi các nhà phân phối muốn nhập nhiều hơn), dẫn đến khan hiếm thuốc là điều dễ hiểu.

3. Vấn đề chung của các nước đang phát triển

Để thay thế P. hoàn toàn cho Q. là điều cực khó vì mỗi năm có khoảng 1,6 triệu trẻ em Việt cần được tiêm (1,6 triệu bé x 4 lần) 6,4 triệu mũi Q. Hiện tại, WHO sử dụng Q. cho chương trình TCMR để tài trợ vắc xin miễn phí cho hơn 90 nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Do đó, nếu đổi thì WHO sẽ phải đổi cho cả hơn 90 nước chứ không riêng gì Việt Nam, chưa kể đến chuyện một mũi P. mắc gấp 6,5 lần một mũi Q.

4. Giảm cung, tăng cầu

Sản xuất vắc xin là ngành công nghiệp không đem lại lợi nhuận cao mà rủi ro lại lớn nên số hãng sản xuất vắc xin ngày càng giảm, và đẩy áp lực cung cấp vắc xin lên các hãng lớn còn trụ lại, trong đó có hãng Sanofi Pasteur, công ty sản xuất vắc xin P. Do đó, việc sản xuất vắc xin không kịp nhu cầu, nếu có, là dễ hiểu.

5. Sự cố trong khâu sản xuất

Năm 2013, hãng Sanofi Pasteur bị một số trục trặc ở cơ sở sản xuất tại Toronto, Canada dẫn đến việc vắc xin Pentacel, phiên bản của P ở Mỹ, bị thiếu hụt. Hay thậm chí việc sản xuất vắc xin chống lao (BCG) của hãng này cũng bị ngưng lại từ đó đến tận năm nay 2015. Do đó, việc P. bị thiếu hụt cũng không nằm ngoài khả năng là do những sự cố ngoài dự đoán trong khâu sản xuất. Mà những sự cố này đôi khi là thông tin nội bộ, khó mà lọt ra ngoài trừ khi nó là một biến cố nghiêm trọng như sự cố năm 2013.

6. P. không bảo đảm sẽ không có tử vong sau khi tiêm

Pentacel, phiên bản của P. tại Mỹ, được cấp giấy phép tại Mỹ từ ngày 20/6/2008. Trước đó trong quá trình thử nghiệm Pentacel tại Mỹ, đã có 4 ca tử vong nhưng đều đã được kết luận là không phải do Pentacel.

Từ 20/6/2008 đến 21/10/2009, đã có 170 ca nguy kịch, trong đó, 26 ca dẫn đến tử vong của trẻ từ 6 tuần tuổi đến 4 tuổi được báo cáo sau khi tiêm Pentacel. Đây là thông tin lấy từ bản báo cáo ngày 19/2/2010 của Cơ Quan Thực Phẩm và Thuốc của Mỹ (FDA) về những trường hợp sức khoẻ nguy kịch hay tử vong đã xảy ra sau khi tiêm Pentacel.

Trong 26 ca tử vong đó, 12 ca là do đột tử không lý do (SIDS), 2 ca do những điều kiện di truyền bẩm sinh, 2 ca do nhiễm trùng đường hô hấp, 2 ca do ngộp thở, 2 ca không rõ lý do, 1 ca do thiếu oxy lên não, 1 ca do tim ngừng đập không rõ nguyên do, 1 ca do cơ tim giãn nở, 1 ca không có thông tin, và 2 ca thông tin chưa xác minh.

Bản báo cáo này đã kết luận không có gì mới đáng lo ngại về việc tiếp tục sử dụng Pentacel, do đó, Pentacel vẫn được sử dụng cho chương trình tiêm chủng của Mỹ đến thời điểm hiện tại.

Tác giả Nguyễn Thị Thanh Minh (32 tuổi) tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học tại Đại học Y Albert Einstein, Bronx, New York, Mỹ năm 2014. Với kinh nghiệm và kiến thức y học sẵn có, chị sẽ đưa ra lời khuyên cho độc giảZing.vncách chăm sóc sức khỏe hợp lý, tư vấn cho các bà mẹ kiến thức nuôi con hợp dinh dưỡng và thông minh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh – MClub
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook