Thứ Ba, 18/07/2017 | 19:01

Nhân vụ việc 7 bệnh nhân tử vong sau khi lọc máu tại BVĐK Hòa Bình, chúng tôi xin giới thiệu cuộc trò chuyện giữa Nhà báo, TTND. Bs.Trần Sĩ Tuấn với các phóng viên về vấn đề tai biến y khoa cách đây 3 năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự. Năm 2014, bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo báo SK&ĐS mở diễn đàn “Tai biến y khoa” bàn về vấn đề trước tai biến không may xảy ra, người bệnh và thân nhân của họ cần phải làm gì? Bệnh nhân, thầy thuốc, báo chí ứng xử ra sao để giảm thiểu tai biến? Cơ sở pháp lý nào bảo vệ thầy thuốc trước những sự cố nghề nghiệp…

Tai biến y khoa:“Đừng vì chặt một cây gỗ mục mà làm héo úa cả khu rừng”TTND. BS. Trần Sĩ Tuấn – Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống.

PV báo Dân trí: Vì sao báo Sức khoẻ&Đời sống lại mở diễn đàn về Tai biến y khoa trong thời điểm này thưa ông?

Tai biến y khoa là một tai biến rất khó tránh khỏi trong quá trình hành nghề của mỗi bác sĩ bởi y học là ngành khoa học không chắc chắn… Trong y học, người đi sau học hỏi kinh nghiệm người đi trước, thậm chí rút kinh nghiệm từ những thành công và tai biến của mình và đồng nghiệp trong quá trình điều trị bệnh nhân; vì cơ thể con người rất kỳ diệu, nhưng cũng đầy bí ẩn. Chính vì vậy, trong hồ sơ bệnh án bao giờ các bác sĩ cũng ghi là chẩn đoán chứ không dám khẳng định, bởi vì mỗi tình huống bệnh tật, người ta sẽ đưa ra nhiều chẩn đoán khác nhau và cũng đưa ra nhiều cách điều trị khác nhau. Người thầy thuốc, với kinh nghiệm và hiểu biết của mình, phải đưa ra sự chẩn đoán chính xác nhất và cách điều trị tốt nhất, điều trị có hiệu quả và giảm thiểu tai biến.

Tai biến y khoa xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời đại nào và bất cứ nước nào trên thế giới. Ngay ở Mỹ, năm 1999, người ta đã thống kê tỷ lệ tai biến là 3,7%; Ở Úc, một đất nước mà an toàn y khoa tương đối cao, có tới 8% bị tai biến (cứ 100 người vào BV thì có đến 8 người bị tai biến). Tại các nước y học phát triển khác như châu Âu thì tỷ lệ tai biến từ 5 – 15%. Ở VN, số lượng tai biến trong y khoa cũng không phải là ít. Nhưng dư luận cũng không nên hoang mang vì khoa học của thế kỷ 21 và đặc biệt là y học đã có những bước phát triển rất mạnh. Người ta đã tìm ra những bí ẩn nhất của tế bào và khám phá những nơi sâu thẳm của cơ thể con người. Có thể nói y học của Việt Nam và thế giới thay thế quyền của Thượng đế đã thay thận, ghép tim, thay gan và ghép phổi… Tuy nhiên, không phải 100% các ca ghép tạng đều thành công. Nhưng tất cả các tai biến y khoa đều có thể giảm nếu như chúng ta dự phòng và tìm ra nguyên nhân để phòng tránh.

Chính vì vậy, được sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, báo Sức khoẻ&Đời sống triển khai diễn đàn Tai biến y khoa với mục đích để người bệnh vào viện và xuất viện một cách an toàn, giảm thiểu rủi ro… Diễn đàn mong được sự thảo luận, góp ý của các nhà khoa học, các nhà quản lý, bệnh nhân và cả giới truyền thông.

Mời các bạn nghe cuộc phỏng vấn Nhà báo, Bác sĩ Trần Sĩ Tuấn – Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống về vấn đề tai biến y khoa

PV VOV1: Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tai biến y khoa ở nước ta?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến: do trình độ thầy thuốc, do bác sĩ thiếu trách nhiệm, cẩu thả, do lỗi hệ thống, do thuốc… và một nguyên nhân lớn là do quá tải. Ở các nước phát triển, trung bình các bác sĩ khám và tư vấn bệnh từ 10 – 30 phút cho 1 bệnh nhân. Nhưng ở ta, một buổi sáng, bác sĩ phải khám đến 70 người. Như vậy, thời gian khám bệnh, tư vấn cho bệnh nhân chỉ được 3 – 5 phút. Với sức ép như vậy, tai biến là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, tình trạng bệnh nhân nằm ghép 2 – 3 người/giường, việc phát nhầm thuốc, nhiễm khuẩn bệnh viện và đặc biệt bệnh nhân không tuân thủ theo chế độ điều trị, thầy thuốc làm việc trong môi trường không an toàn cũng là nguyên nhân gây tai biến y khoa đáng kể.

Tai biến y khoa:“Đừng vì chặt một cây gỗ mục mà làm héo úa cả khu rừng”

Quá tải bệnh viện – một trong những nguyên nhân dẫn tới tai biến y khoa.

PV VOV1: Ông có thể nói rõ hơn về một trong những nguyên nhân gây tai biến là do bệnh nhân và thầy thuốc?

Đối với vấn đề tai biến y khoa, nếu chỉ có sự nỗ lực của riêng đội ngũ thầy thuốc thì chưa đủ, cần sự chung tay của bệnh nhân và cả xã hội… Có những bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị, tự chữa bệnh theo cách truyền miệng mách nhau, tự tìm hiểu thông tin theo “bác sĩ google” thì khó mà tránh khỏi những rủi ro xảy ra. Có bệnh nhân tăng huyết áp, không tuân thủ y lệnh, uống thuốc 1 – 2 ngày, thấy huyết áp hạ lại bỏ thuốc dẫn đến tai biến nặng nề. Mặt khác, thầy thuốc hiện không được tôn trọng, hàng ngày phải làm việc trong môi trường không an toàn dẫn đến thiếu tự tin. Phương châm của ngành y là “còn nước còn tát”. Nhưng trong môi trường làm việc không an toàn, những trường hợp tỷ lệ thành công thấp, thầy thuốc không dám chấp nhận rủi ro, điều này gây thiệt thòi cho bệnh nhân. Quan hệ giữa thầy thuốc, bệnh nhân là mối quan hệ đặc biệt, tương hỗ lẫn nhau. Khi hai bên không hợp tác tin cậy, hiểu nhau, hệ quả tất yếu là kết quả điều trị sẽ giảm… Tất cả những yếu tố đó cũng góp phần gia tăng tai biến y khoa.

PV báo Dân trí: Gần đây, báo chí trong nước đưa tin dồn dập về tai biến y khoa, có phải tai biến y khoa tại Việt Nam hiện đang tăng, thưa ông?

Mới đây, Bộ Y tế và Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã có buổi tọa đàm về Giảm thiểu tai biến y khoa. Có ý kiến cho rằng, tai biến y khoa thời gian gần đây tăng lên một cách đáng kể, dồn dập, gây hoang mang cho xã hội. Nhưng theo tôi, vấn đề một số báo chí đề cập trong thời gian qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi vì thực tế, tai biến y khoa ở nước ta còn nhiều hơn. Nhưng nói rằng tai biến y khoa tăng là thiếu cơ sở. Thống kê ở Mỹ, 1 năm có đến 100.000 bệnh nhân tử vong do tai biến y khoa. Nhưng truyền thông ở Mỹ và các nước phát triển khác cũng ít đề cập đến tai biến y khoa để tránh gây hoang mang cho người dân, phần lớn là bệnh nhân kiện ra tòa và nếu là lỗi thầy thuốc thì sẽ bị xử phạt rất nặng. Ở Việt Nam, nguyên nhân chính khiến người dân hoài nghi rằng tai biến đang tăng lên là do sự bùng nổ của thông tin, báo mạng và các mạng xã hội. Chỉ cần trong nháy mắt, thông tin tai biến đã lan ra toàn quốc. Như vậy, vấn đề ở đây là vấn đề truyền thông và văn hóa ứng xử chứ không chỉ do tai biến nhiều hơn trước.

Hiện nước ta chưa có một cơ quan, tổ chức nào ghi nhận, thống kê các tai biến xảy ra nhưng theo một tài liệu, tai biến sản khoa đã giảm 1/3 so với 10 năm trước đây. Đặc biệt, nhiều ca thuyên tắc ối (vốn là bệnh hiếm gặp và là tai biến nặng nề của sản khoa, tỉ lệ tử vong cao) đã được các bác sĩ cứu sống cả mẹ lẫn con (tỷ lệ cứu được mẹ là 20%, cứu được con là 50%). Thời điểm cách đây hơn 30 năm thì gần như tỉ lệ tử vong của sản phụ thuyên tắc ối là 100%. Điều này chứng tỏ tai biến y khoa giảm đi chứ không tăng lên.

Tai biến y khoa:“Đừng vì chặt một cây gỗ mục mà làm héo úa cả khu rừng”

Phẫu thuật ngoại khoa là một lĩnh vực dễ có tai biến y khoa. Ảnh: Đức Cần

PV báo Dân trí: Theo ông, vì sao khi xảy ra tai biến, thân nhân của người bệnh thường không chấp nhận lý do mà bệnh viện đưa ra?

Ở đây, chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa tai biến y khoa và sự bất lực của y học. Tai biến y khoa là việc bệnh nhân bị tai biến trong quá trình theo dõi, điều trị mà không do cơ địa người bệnh và bệnh lý gây nên. Và sự bất lực của y học như điều trị ung thư cho bệnh nhân giai đoạn cuối, nhồi máu cơ tim tối cấp gây ngừng tim đột ngột và những trường hợp bệnh lý phức tạp khác… Đôi khi một số cơ quan báo chí và bệnh nhân không phân biệt được điều này nên dẫn đến kiện cáo và dư luận phê phán không đúng. Vì vậy, sự giải thích cặn kẽ cho người bệnh trong quá trình điều trị để bệnh nhân và thân nhân hiểu là rất cần thiết.

Tôi đã từng chứng kiến một trường hợp bệnh nhân điều trị tại BV Nhân dân Gia Định cách đây hơn 10 năm bị hội chứng thận hư và các bệnh lý khác, rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, tắc mạch đùi. Khi bệnh nhân đến bệnh viện thì đã có biểu hiện hoại tử dưới chỗ tắc. Bác sĩ đã chỉ định buộc phải cắt bỏ một chân. Sau đó, BN khiếu kiện và báo chí đã vào cuộc chê bai dồn dập. Từ đó, sáng nào 2 bố con anh ta cũng chống nạng đứng ở trước cửa phòng giám đốc đòi bệnh viện phải đền. Khi tìm hiểu, tôi nhận định rằng đây là ca bất lực của y học. Tôi đã cho chỉ đạo viết bài giải thích bệnh lý rõ ràng. Sau bài báo đó, thấy báo phân tích có tình có lý, họ đã nhận ra vấn đề và thôi không khiếu kiện nữa.

Thông thường, khi xảy ra tai biến, bệnh nhân khiếu kiện; bệnh viện, Sở Y tế hoặc cao hơn là Bộ Y tế sẽ tổ chức một hội đồng chuyên môn để đánh giá tai biến đó, phân xử xem ai đúng ai sai một cách khoa học, nhưng hầu như BN không tin, bảo rằng các ông là người nhà bao che cho nhau, dư luận cũng hoài nghi. Theo tôi, cần thành lập Y sĩ đoàn – cơ quan kiểm định độc lập – để bảo vệ quyền lợi cho bác sĩ cũng như bệnh nhân khi xảy ra khiếu kiện. Về vấn đề này, chúng tôi cũng mong muốn các thầy thuốc, nhà khoa học, nhà quản lý cho ý kiến để thành lập tổ chức Y sĩ đoàn cũng như để tổ chức Y sĩ đoàn, khi thành lập, sẽ hoạt động có hiệu quả.

Mặt khác, theo quy định của ngành y, thông tin bệnh án của bệnh nhân là bí mật, bác sĩ không được tùy tiện tiết lộ thông tin này, kể cả với báo chí. Do thiếu thông tin, không hiểu thực chất vấn đề, nhiều trường hợp báo chí đưa thông tin sai lệch. Ví dụ gần đây nhất là thông tin truyền nhầm máu của sản phụ Loan ở Sơn Tây khiến người nhà bị kích động, kiện bệnh viện. Sau khi được giải thích cặn kẽ, người nhà đã xin lỗi bệnh viện và cũng có ý lên án báo chí đã làm họ hiểu nhầm vấn đề. Một khía cạnh khác là đôi khi thầy thuốc, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không hiểu nhau. Đáng nhẽ phải cùng nhau nhìn về một hướng để chữa trị, cùng nhau mang lại sức khỏe cho người bệnh thì quay lại đối đầu.

Ngành y là ngành làm việc tập thể, bệnh nhân muốn vào nhập viện phải qua phòng khám, rồi có thể chuyển vào phòng cấp cứu và các khoa phòng khác…, nếu BN nặng thì có hội chẩn và các BS điều trị phải thực hiện theo kết quả hội chẩn. Nhưng khi tai biến xảy ra, bệnh nhân và báo chí thường chĩa mũi nhọn phê phán cá nhân bác sĩ, đây là một áp lực lớn cho thầy thuốc. Trên thực tế, theo thống kê, 30% sai sót y khoa là do cá nhân bác sĩ, còn 70% là do lỗi hệ thống và các nguyên nhân khác.

Qua tất cả những lý do trên, tôi mong rằng, với vai trò định hướng dư luận, giới truyền thông cũng cần hết sức thận trọng khi đề cập đến vấn đề tai biến y khoa để tránh những hiểu lầm đáng tiếc, gây thiệt thòi cho cả người bệnh lẫn thầy thuốc. Đây cũng là vấn đề chúng ta cần bàn luận trong diễn đàn Tai biến y khoa của báo Sức khỏe&Đời sống.

PV báo Sức khỏe&Đời sống: Gần đây, xảy ra nhiều vụ việc côn đồ hành hung bác sĩ, rồi bác sĩ bị người nhà bệnh nhân áp đảo, khiếu kiện buộc phải đền bù bất luận đúng sai. Phải chăng bác sĩ đang hành nghề trong môi trường thiếu an toàn?

Đây cũng là nỗi lo lắng của các bác sĩ. Bản thân tôi cũng đã từng trực tiếp chữa bệnh cứu người 13 năm và bây giờ lại là người hoạt động báo chí. Trong buổi cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm hỏi và chúc Tết nhà báo Hữu Thọ mới đây, nhà báo lão thành có chia sẻ: “Tôi rất băn khoăn cho luật pháp hiện nay. Ở các nước phát triển, chưa bao giờ có chuyện người nhà lao vào hành hung bác sĩ và một số cơ quan báo chí lại đưa tin một cách lạnh lùng, chê bai thầy thuốc giống như ngầm động viên hành động sai trái trên”.

Khi tai biến xảy ra, chúng ta chia sẻ với nỗi đau người bệnh, với sự mất mát của bệnh nhân và người thân; nhưng đồng thời cũng lên án hành động côn đồ, hành hung thầy thuốc đang có xu hướng diễn ra phổ biến. Tôi thấy thực trạng hiện nay là hành lang pháp lý chưa đủ mạnh để ngăn chặn hành động bạo lực với thầy thuốc, một số cơ quan báo chí đăng tin một chiều vô tình gây áp lực cho thầy thuốc, kích động người nhà bệnh nhân. Việc này không có lợi cho thầy thuốc và cả người bệnh. Bệnh nhân có quyền khiếu kiện khi tai biến xảy ra và điều này là hợp lý. Nhưng sự đền bù cho người bệnh thường cũng chỉ là do thỏa thuận đôi bên giữa bệnh viện, bệnh nhân. Theo tôi, ta phải xử lý theo luật pháp. Không thể để tình trạng bệnh nhân, bất luận đúng sai, gây áp lực, đòi bồi thường là bệnh viện lại nhượng bộ cho êm chuyện. Đây là một tiền lệ xấu, gây thiệt thòi cho bệnh nhân và cả thầy thuốc. Tôi cũng có tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của một số bác sĩ, họ cho rằng cần có một quy định điều trị cho từng loại bệnh để khi tai biến xảy ra, có cơ sở pháp lý để phân xử. Cần có luật bảo vệ bệnh nhân, luật bảo vệ thầy thuốc trong khám chữa bệnh. Bảo vệ cho thầy thuốc cũng chính là đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Bảo vệ bệnh nhân cũng chính là bảo vệ cho thầy thuốc.

Trong diễn đàn Tai biến y khoa này, tôi cũng mong sự góp ý của thầy thuốc, các cơ quan chức năng, các nhà làm luật, bệnh nhân và các cơ quan báo chí cho ý kiến đóng góp.

PV báo Sức khỏe&Đời sống: Hiện tai biến sau khi tiêm vaccin là vấn đề người dân còn nhiều thắc mắc, ông có thể cho biết ý kiến của mình?

Khi xảy ra tai biến sau tiêm vaccin, ngành y tế Việt Nam đã xử lý hết sức chính xác – đó là dừng ngay việc sử dụng lô vaccin để điều tra xem đâu là nguyên nhân gây tai biến, lỗi vaccin hay do cơ địa của trẻ? Ngay cả ở những cường quốc y tế, tai biến sau tiêm vaccin vẫn xảy ra do cơ địa, do sốc phản vệ… dù tỷ lệ rất nhỏ. Một vaccin dù sản xuất trong nước hay nước ngoài khi sản xuất đều phải trải qua quá trình kiểm định hết sức nghiêm ngặt.

Chúng ta thấy, rõ ràng, nhờ có vaccin mà nhiều đại dịch đã được đẩy lùi. Tiêm vaccin không chỉ cho hiện tại mà là dự phòng cho sức khỏe tương lai của cả dân tộc. Tôi lấy ví dụ như vaccin viêm gan, nếu không tiêm ngừa thì người dân cũng không ngay lập tức mắc bệnh nhưng 20 năm sau hậu quả sẽ bị viêm gan, xơ gan và ung thư gan.Vaccin là để bảo vệ cho sức khỏe con người, khi xảy ra tai biến sau tiêm vaccin cần có kết quả kiểm định rõ ràng, báo chí tránh thông tin một chiều, quy kết cho vaccin khiến người dân hoang mang không dám đưa con đi chích ngừa. Đây là điều tôi rất lo lắng bởi nếu chẳng may bệnh dịch quay trở lại thì hậu quả sẽ khôn lường, như một loạt ca nhiễm sởi gần đây do bố mẹ hoang mang vì những thông tin tai biến vaccin, bỏ mũi tiêm của bé.

PV VTV2: Với tư cách một nhà báo, ông thấy các đồng nghiệp của mình đưa tin có khách quan, công bằng với ngành y?

Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn của cả xã hội và đặc biệt là các cơ quan truyền thông. Phải khẳng định rằng truyền thông có vai trò rất lớn trong việc đẩy lùi các đại dịch như HIV, SARS, A/H5N1 và các đại dịch khác. Tuy nhiên, vừa rồi, dư luận dồn dập phê phán một số vụ việc trong ngành y một cách chưa công bằng. Tôi lấy ví dụ vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường. Cần tách biệt rõ ràng, thẩm mỹ viện là đơn vị kinh doanh, phục vụ và chiều lòng khách hàng; với phương châm khách hàng là thượng đế, đối tượng phục vụ là người khỏe mạnh (trừ phẫu thuật chỉnh hình). Như khi tư vấn, khách hàng muốn nâng mũi cao hơn thì bác sĩ thẩm mỹ sẽ chiều theo ý vị khách đó. Nhưng với ngành y, đối tượng phục vụ là người bệnh, với phương châm “thầy thuốc như mẹ hiền”, tận tâm, chăm sóc thương yêu con nhưng phải rất nghiêm khắc, yêu cầu người bệnh phải tuân thủ y lệnh, phác đồ điều trị để đạt hiệu quả cao và giảm thiểu tai biến. Ngành y có quy định về y đức, trên thế giới, Hiệp hội Giải phẫu thẩm mỹ cũng có quy định riêng của họ. Tôi rất đồng tình với câu nói của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, vấn đề y đức là vấn đề từ lúc lọt lòng mẹ đến khi kết thúc cuộc đời. Người thầy thuốc có 3 yếu tố: Người là Nhân tính; Thầy là Nhân đức và Thuốc là Nhân thuật. Vấn đề phi tang xác nạn nhân của ông Tường thuộc về nhân tính.

Chính vì vậy, việc một số báo dồn dập đưa tin rồi nâng lên thành vấn đề rất lớn của xã hội, quy kết vi phạm y đức, phê phán cả ngành y như vậy theo tôi là chưa chính xác, chưa công bằng. Việc truyền thông như vậy khiến cả xã hội hoang mang, mất lòng tin với cả đội ngũ bác sĩ chân chính, còn các bác sĩ thì tổn thương, chán nản. Cách đưa tin như vậy đã gián tiếp phá hỏng mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Bên cạnh những con sâu, còn cả một đội ngũ thầy thuốc, bằng tâm và tài của mình, ở biên giới cũng như hải đảo, ở vùng sâu vùng xa cũng như ở các đô thị đông đúc đang ngày đêm chăm lo cho sức khỏe nhân dân. Chặt một cây gỗ mục mà làm héo úa cả cánh rừng là điều mà giới truyền thông cần suy nghĩ.

Sự phản biện của báo chí là cần thiết nhưng thời gian gần đây, tôi thấy một số cơ quan báo chí nặng về quy chụp, nhẹ về phản biện.

PV báo Sức khỏe&Đời sống: Có nhiều ý kiến cho rằng lĩnh vực y tế chưa được đầu tư một cách xứng đáng, đây cũng là một nguyên nhân của tai biến y khoa, ông nghĩ sao?

Tai biến, ngoài các yếu tố chủ quan còn có những yếu tố khách quan như quá tải, cơ sở vật chất kém, thiếu trang thiết bị y tế. Vì vậy, việc đầu tư cho bệnh viện, cho nhân lực y tế là điều hết sức cần thiết. Mỹ mỗi năm chi 8,8 tỷ USD để giải quyết tai biến. Tôi nghĩ, ở Việt Nam, chi phí điều trị, giải quyết những ca tai biến cũng không hề nhỏ. Đó là chúng ta chưa tính đến khía cạnh tai biến làm cho bệnh nhân bị tử vong, tàn phế cả đời không sản xuất ra của cải vật chất, trở thành gánh nặng cho xã hội. Nhiều gia đình rơi vào cảnh đói nghèo vì tai biến y khoa. Tai biến do quá tải BV đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và đời sống xã hội.

Qua đó thấy rằng, đầu tư cho y tế là lợi nhất về kinh tế, an sinh xã hội và sức khỏe. Báo chí và truyền thông cũng cần lên tiếng đối với cơ quan chức năng về đầu tư cho BV, cho cơ sở vật chất, cho nhân lực ngành y. Đầu tư cho y tế là đầu tư cho con người, cho dân tộc cả hiện tại và tương lai. Cần tránh tình trạng xây dựng những con đường hàng nghìn tỷ chỉ để phơi thóc. Nhiều nơi xây dựng trụ sở giữa cánh đồng. Nhiều khu đô thị xây lên không người ở gây lãng phí chỉ để nuôi bò… Trong khi đó, đầu tư cho y tế lại ở mức rất thấp. Bác Hồ nói rất chí lý: “Dân cường nước thịnh, dân có khỏe mạnh thì đất nước mới giàu”. Muốn nước thịnh, hãy đầu tư cho y tế!

 

Yến Châu (ghi)

Nguồn: SKDS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook