Thứ Bảy, 04/02/2017 | 00:30

Sau khi uống mật cá pha với rượu, đến 19h cùng ngày, ông Nam thấy khó chịu, buồn nôn, khó tiểu.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai) cho biết ngày 1/2, trung tâm tiếp nhận bệnh nhân Hoàng Văn Nam (ở Hà Nam) trong tình trạng hoa mắt, buồn nôn, suy thận nặng, nguy hiểm đến tính mạng do uống rượu pha mật cá trắm.

Theo gia đình bệnh nhân, sáng 28/1, ông Nam đã uống 3 giọt mật cá pha và nửa cốc rượu. Đến 19h cùng ngày, ông bắt đầu thấy khó chịu, buồn nôn, khó tiểu.

Đến ngày 1/2, do không thể tiếp tục chịu đựng, ông được các con đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch. Bệnh nhân phải chạy thận liên tục. Hiện, sức khỏe của ông Nam đã tạm thời ổn định, cần tiếp tục theo dõi.

“Trong mật cá trắm có chất độc dạng cồn, dễ gây ngộ độc khi sử dụng. Chất độc này có thể gây tổn thương nghiêm trọng thận, gan, đặc biệt là tình trạng suy thận. Vì thế, bệnh nhân nếu phát hiện muộn sẽ dẫn đến tử vong”, bác sĩ Nguyên cảnh cáo.

Suýt mất mạng vì uống rượu pha mật cá trắm

Bác sĩ Nguyên đang khám cho bệnh nhân bị ngộ độc mật cá trắm. Ảnh: L.P.

PGS.TS Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế) cũng khuyến cáo mật cá trắm rất độc, song, nhiều người lại dùng bộ phận này để chữa bệnh, dẫn tới ngộ độc, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân là mật cá có chất Alcool gây xuất huyết, tổn thương nội tạng, nhất là ống thận. Cá có trọng lượng càng lớn, chất độc càng cao.

Không chỉ cá trắm, các loại cá khác như cá chép, trôi, anh vũ đều có thể gây suy thận cấp, nhưng nặng nhất vẫn là mật cá trắm. Hơn nữa, việc chữa bệnh theo kiểu truyền miệng chỉ xảy ra với mật cá trắm nên các ca cấp cứu vì loại cá này rất nhiều với biến chứng nguy hiểm gồm sốc nhiễm khuẩn, chảy máu cấp, phù não, phù phổi, viêm ống thận.

Những biểu hiện trúng độc sau khi uống mật cá thường là đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, phản ứng chậm, mắt vàng, tiểu ít, chân phù, co giật. Nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ tử vong.

PGS Trần Đáng cho biết Cục An toàn Thực phẩm đã có rất nhiều khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào, song vẫn có rất nhiều người xem thường điều này.

Đồng quan điểm, bác sĩ Cao Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Trung tâm Thừa kế Ứng dụng Hội Đông y Hà Nội, Trưởng phòng khám Đông y, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, cũng cho hay hiện nay chưa có tài liệu y học nào khẳng định mật cá trắm có thể bồi bổ sức khỏe hay chữa bệnh cho con người. Do đó, việc sử dụng bộ phận này rất vô bổ đồng thời đẩy người ăn đến nguy cơ nhiễm độc.

Theo các chuyên gia, cá trắm rất tốt cho cơ thể, song, khi chế biến cần lưu ý bỏ hết phần mật, tránh làm vỡ, lan sang phần thịt.

Hà Quyên
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook