Thứ Ba, 17/10/2017 | 17:29

 

Thai nhi trong bụng mẹ phát triển kém, cho dù đã đủ tháng nhưng cân nặng lúc mới sinh dưới 2500g, hiện tượng này được gọi là suy dinh dưỡng bào thai. Đây là thể suy dinh dưỡng sớm nhất mà trẻ có thể mắc phải.

 

Thai nhi trong bụng mẹ phát triển kém, cho dù đã đủ tháng nhưng cân nặng lúc mới sinh dưới 2500g, hiện tượng này được gọi là suy dinh dưỡng bào thai. Đây là thể suy dinh dưỡng sớm nhất mà trẻ có thể mắc phải.

Đối với những trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, các cơ quan như xương, cơ, da, não…đều bị ảnh hưởng và dễ nhận thấy nhất là sau khi sinh trẻ bị nhẹ cân. Nếu được nuôi dưỡng tốt và đúng cách trẻ sẽ phát triển bình thường và đạt mức cân nặng chuẩn, nhưng chiều cao lại khó đạt được. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ biết được nguyên nhân cũng như cách nhận biết sớm thai nhi bị suy dinh dưỡng.

Nhận biết suy dinh dưỡng bào thai

Với trình độ khoa học hiện nay, mẹ có thể nhận biết sớm thai nhi bị suy dinh dưỡng qua các kỳ khám thai. Dựa vào các chỉ số như chiều cao tử cung, vòng bụng bác sĩ có thể chẩn đoán thai nhi có đang phát triển tốt hay không.

Ngoài ra, qua mức độ tăng cân của mẹ trong giai đoạn mang thai cũng giúp nhận biết thai nhi có bị suy sinh dưỡng hay không. Thông thường, trong suốt thai kỳ mẹ bầu tăng từ 10-12kg. Đối với những mẹ ở cuối thai kỳ nhưng cân nặng chỉ tăng 6kg, nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai khá cao.

Suy dinh dưỡng bào thai: Cẩn thận không nguy!

Siêm âm là cách sớm nhất giúp mẹ bầu phát hiện thai nhi có suy dinh dưỡng hay không

Nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng bào thai

Có 4 nguyên nhân chính làm cho bào thai bị suy dinh dưỡng, tác động trực tiếp sức khỏe thể chất và trí tuệ sau này của bé.

1/ Độ tuổi khi mang thai

Cơ thể người phụ nữ bắt đầu lão hóa khi bước sang tuổi 30, mang thai khi càng lớn tuổi thai nhi càng dễ bị suy dinh dưỡng vì không được cung cấp đủ chất cần thiết. Trẻ sinh ra thường kém thông minh, mắc hội chứng down, dị tật tim bẩm sinh, hở hàm ếch. Nhằm hạn chế những nguy cơ trên cho bé cưng, mẹ nên kết hôn và sinh con vào giai đoạn từ 25-30 tuổi.

2/ Sức khỏe của mẹ ảnh hưởng đến thai nhi

Trong thời gian mang thai, nếu sức khỏe mẹ không được tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bé. Chẳng hạn mẹ bị cúm, sốt phát ban, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp, thai nhi có khả năng bị dị tật bẩm sinh. Vì vậy, các chuyên gia khuyên bạn nên trị dứt điểm bệnh trước khi có ý định mang thai.

3/ Dinh dưỡng trong thai kỳ

Chế độ dinh dưỡng khi mang thai cực kỳ quan trọng, không phải chỉ cần số lượng mà còn phải đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Mẹ cần cung cấp đủ 4 nhóm chất là chất bột, chất đạm, chất béo và vitamin cùng khoáng chất. Những dưỡng chất này đảm bảo tốt cho sức khỏe của mẹ, đồng thời góp phần xây dựng các cơ quan cho bé như não bộ, tim, gan, bộ máy tiêu hóa, hô hấp…

Không cần phải đợi đến lúc có bầu người mẹ mới bắt đầu tẩm bổ. Trước khi mang nếu có một chế độ ăn uống đầy đủ, khoa học những đứa trẻ sinh ra sẽ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ.

4/ Môi trường làm việc của mẹ bầu

Điều kiện, tính chất cũng như môi trường làm việc của mẹ đều ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Nếu mẹ làm việc nặng nhọc, đầu óc luôn bị căng thẳng, áp lực, ô nhiễm…sẽ tác động tiêu cực đến thai nhi. Sức khỏe, năng lượng của mẹ không chỉ dành cho các hoạt động lao động hàng ngày mà còn phải dành một phần lớn năng lượng cho em bé trong bụng phát triển cũng như quá trình vượt cạn và nuôi con.

Phòng ngừa nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai

Suy dinh dưỡng để lại những hậu quả không tốt đối với bé, vì vậy khi mang thai mẹ cần bổ sung đa dạng các nhóm thực phẩm như đạm, vitamin, axid folic, canxi, sắt, i-ốt cùng các vi chất dinh dưỡng thiết yếu khác.

Bên cạnh đó, trong thời gian thai nghén mẹ bầu nên có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao động vất vả và luôn giữ cho tinh thần thoải mái, vui vẻ.

Benh.vn (Theo Yhocvn.net)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook