Đằng sau vẻ ngoài khỏe mạnh, Tổng thống John F. Kennedy gặp hàng loạt vấn đề sức khỏe và phải dùng đến 12 loại thuốc cùng lúc để điều trị.
“Hiếm có ngày nào mà ông ấy không phải vật lộn với bệnh tật”, giáo sư sử học Robert Dallek từ Đại học Boston chuyên nghiên cứu các tổng thống nói với ABC News. Đằng sau hình ảnh trẻ trung, tràn đầy năng lượng, tổng thống thứ 35 của Mỹ là một người tương đối ốm yếu.
Chân dung tổng thống John F. Kennedy. Ảnh: Wikipedia. |
Theo The Atlantic, John F. Kennedy luôn cố giữ bí mật về tình trạng sức khỏe bởi nếu để lộ sẽ làm tiêu tan tham vọng chính trị. Tuy nhiên, sự rò rỉ thông tin là không thể tránh khỏi. Năm 1960, trợ thủ của ứng viên Đảng Dân chủ Lyndon B. Johnson (sau này trở thành tổng thống thứ 36) tuyên bố với báo chí rằng Kennedy mắc bệnh Addison, hội chứng liên quan đến tuyến thượng thận, đặc trưng bởi sự thiếu hụt các hormone cần thiết để điều chỉnh lượng đường huyết, muối, kali và phản ứng stress. Họ khẳng định vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng và buộc Kennedy phải sử dụng cortisone đều đặn. Tất nhiên, gia đình JFK thẳng thừng từ chối cáo buộc.
Dựa trên thư từ cá nhân, hồ sơ hải quân cùng những lời truyền miệng, các nhà tiểu sử học và sử học bắt đầu nghiên cứu khía cạnh bệnh tật của John F. Kennedy. Trải qua thời thơ ấu ốm yếu, ông vẫn phải nhập viện ở tuổi trưởng thành vì bệnh đường ruột cùng nhiễm khuẩn nặng. Kennedy còn bị viêm loét đài tràng, bệnh Addison và đau lưng dữ dội. Cuốn sách Profiles in Courage được viết trong thời gian ông hồi phục sau ca phẫu thuật lưng năm 1954.
Hồ sơ y tế đầy đủ mới được tiết lộ của vị tổng thống cho thấy biện pháp điều trị các bác sĩ áp dụng cho Kennedy hóa ra mang đến nhiều tác hại hơn là lợi ích. Đặc biệt, việc sử dụng steroid ngay từ thời trẻ khiến bệnh đường ruột trở nên phức tạp và nhiều khả năng chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh Addison cùng thoái hóa xương sống.
Hồ sơ kê thuốc xác nhận suốt thời gian tại vị, nhất là trước những tình huống căng thẳng như khủng hoảng tên lửa Cuba tháng 10/1962, Kennedy đã uống ít nhất 12 loại thuốc cùng lúc, trong đó có:
– Steroid để trị bệnh Addison;
– Lomotil, metamucil, thuốc giảm đau, phenobarbital, testosterone, và trasentine để kiểm soát tiêu chảy, các cơn đau bụng và giảm cân;
– Tiêm procaine và dán cao nóng để giảm đau lưng;
– Pennicilin cùng các loại kháng sinh để trị nhiễm trùng đường tiết niệu và áp xe;
– Thuốc chống spasmodics để chữa viêm đại tràng;
– Thuốc kháng histamin cho dị ứng;
– Ritalin (một chất kích thích), meprobamate và librium để chống lo âu;
– Tuinal để ngủ tốt;
– Thuốc chống loạn thần để hạn chế thay đổi tâm trạng thất thường.
Tình trạng sức khỏe không ổn định khiến Kennedy luôn cần đến đội ngũ bác sĩ chăm sóc gồm bác sĩ dị ứng, bác sĩ nội tiết, bác sĩ dạ dày, bác sĩ tiết niệu cùng dược sĩ Janet Travell, Đô đốc George Burkley và Max Jacobson, một bác sĩ di cư từ Đức. Jacobson chuyên lấy amphetamines để trị trầm cảm, mệt mỏi.
Tổng thống Kennedy luôn xuất hiện với hình ảnh nhà lãnh đạo khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng. Ảnh: Huffington Post. |
6 tháng đầu nhiệm kỳ, JFK bị đau dạ dày và đại tràng, gặp các vấn đề về tuyến tiền liệt, sốt cao, thường xuyên mất nước, áp xe, mất ngủ, cholesterol cao, đau lưng và mắc bệnh thận. Nhà lãnh đạo phụ thuộc vào thuốc đến nỗi nếu thiếu chúng, ông sẽ làm việc kém hiệu quả hoặc không thể làm việc. Thế nhưng, Kennedy không coi đây là vấn đề. Khi được hỏi về các mũi tiêm của Jacobson, ông thẳng thừng: “Nó có hiệu quả nên dù là nước tiểu ngựa tôi cũng không quan tâm“.
Do uống quá nhiều loại thuốc cùng lúc, Kennedy chệnh choạng và xuất hiện dấu hiệu trầm cảm. Thấy vậy, ông lại dùng thêm thuốc chống lo âu. “Ông ấy đã đánh cược với chính bản thân và đất nước”. Dallek nhận định.
Sau cùng, không phải bệnh tật mà là Lee Harvey Oswald đã giết chết Kennedy. Tuy vậy, nhiều chuyên gia tin rằng yếu tố sức khỏe đã góp phần vào sự ra đi của vị tổng thống Mỹ thứ 35. Dallek đoán rằng chiếc áo bó Kennedy mặc nhằm giảm đau lưng đã khiến ông ngồi đúng tư thế hoàn hảo để ám sát. “Tất nhiên, chúng ta chẳng biết được, nhưng ông ấy đã có thể được cứu nếu đổ người xuống sau khi viên đạn đầu tiên được bắn ra”, nhà sử học kết luận.
Minh Nguyên
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.