SpaceX luốn là kẻ đi đầu trong những công nghệ tên lửa vũ trụ mới, đặt những dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử ngành công nghiệp vũ trụ.
Khi nhà tỷ phú Elon Musk thành lập công ty hàng không vũ trụ tư nhân SpaceX vào năm 2002, không ai nghĩ rằng nó có thể làm thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp vũ trụ như hiện nay. Thậm chí bước đột phá mới của SpaceX còn khiến cho NASA cũng phải ngả mũ thán phục.
Vừa mới đây, SpaceX đã thử nghiệm thành công việc hạ cánh tên lửa tái sử dụng Falcon 9 sau khi phóng lên tầng dưới của quỹ đạo Trái đất. Đây là bước ngoặt vĩ đại của ngành công nghiệp vũ trụ, vì nó hứa hẹn sẽ khiến cho chi phí bay vào vũ trụ được giảm xuống khá nhiều.
SpaceX của Elon Musk cũng đã có một chặng đường phát triển hơn 13 năm. Tuy rằng những nghiên cứu và dự án của nó chưa thể bằng được NASA, với những nguồn vốn khổng lồ của chính phủ Mỹ, nhưng SpaceX cũng đã góp phần làm thay đổi ngành công nghiệp vũ trụ.
SpaceX đã trở thành công ty vũ trụ tư nhân có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới
Năm 2002, tỷ phú Elon Musk thành lập công ty SpaceX với kỳ vọng cách mạng hóa ngành công nghiệp vũ trụ trong tương lai. Công ty đã có một sự khởi đầu khá chậm chạp, khi vào cuối năm 2002 cả công ty mới chỉ có 14 nhân viên. Tiếp đó số nhân viên tăng lên 160 vào tháng 10 năm 2005.
Và hiện nay, số lượng nhân viên của SpaceX đã vượt qua 4000 người, trong đó có rất nhiều những nhà khoa học, kỹ sư hàng đầu trên thế giới. Cũng vì vậy mà SpaceX đã trở thành công ty vũ trụ tư nhân có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Là một trong số rất ít công ty chế tạo tên lửa vũ trụ
Hầu hết các công ty vũ trụ tư nhân khác đều chỉ cung cấp dịch vụ, với những tên lửa vũ trụ được mua lại của NASA hoặc các nhà sản xuất khác. Tuy nhiên SpaceX là một trong số rất ít công ty tư nhân tự nghiên cứu công nghệ và chế tạo những chiếc tên lữa vũ trụ của riêng mình.
Tên lửa tái sử dụng Falcon 9 cũng là do SpaceX tự nghiên cứu và chế tạo hầu hết các bộ phận, linh kiện bên trong. Mà quan trọng nhất chính là động cơ tên lửa Merlin 1D, được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ và vật liệu của Mỹ. Đó là một niềm tự hào lớn của SpaceX cũng như nước Mỹ.
SpaceX có tên lửa giá rẻ nhất trên thị trường
Đó không chỉ là sự cạnh tranh mà còn là bước đột phá trong việc sản xuất tên lửa vũ trụ. Trong năm 2014, Elon Musk tuyên bố SpaceX có thể giúp đưa các vệ tinh không quân của Mỹ lên quỹ đạo chỉ với giá 90 triệu USD. Trong khi các đối thủ cạnh tranh khác như United Launch Alliance có chi phí lên đến 460 triệu USD một lần phóng.
Là công ty tư nhân đầu tiên phóng thành công tên lửa vào vũ trụ
Đó là dấu mốc vô cùng quan trọng với SpaceX, khi vào năm 2008 SpaceX đã phóng thành công tên lửa Falcon 1 lên quỹ đạo trái đất. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một công ty hàng không vũ trụ tư nhân đã chế tạo và phóng thành công tên lửa nhiên liệu lỏng vào không gian. Đó cũng là thời điểm mà cả thế giới phải biết đến cái tên SpaceX và Elon Musk.
Tiếp tục nghiên cứu và cải tiến công nghệ tên lửa
Sau 4 năm, đến năm 2012 SpaceX đã hoàn thành tên lửa thế hệ kế tiếp của mình, đó là tên lửa Falcon 9. Ngoài ra SpaceX còn chế tạo thành công tàu vũ trụ Dragon mà có thể giúp đưa hàng hóa tiếp tế lên trạm vũ trụ ISS.
Sự kiện đó khiến cho SpaceX tiếp tục đặt một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành công nghiệp vũ trụ, khi trở thành công ty tư nhân đầu tiên có thể vận chuyển hàng hóa bằng tàu vũ trụ lên trạm ISS.
SpaceX đã tạo ra chiếc tên lửa vẫn có thể hoạt động dù cho một trong số các động cơ gặp sự cố
SpaceX đã thiết kế chiếc tên lửa Falcon 9 với 9 động cơ Merlin 1D, điều đó cũng lý giải cái tên của chiếc tên lửa này. Chính nhờ vậy mà cho dù có một trong số các động cơ gặp sự cố và không thể hoạt động giữa lúc khởi hành, thì chiếc tên lửa vẫn có khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
Các tên lửa vũ trụ khác như Antares của Orbital ATK hay tên lửa Atlas V của United Launch Alliance chỉ được trang bị một hoặc hai động cơ cỡ lớn. Mà do đó trong quá trình phóng nếu một trong số các động cơ ngừng hoạt động có thể sẽ dẫn đến thảm họa.
Năm 2012 và 2013, SpaceX đã tạo ra một thứ chưa từng có trên thế giới
Trước năm 2013, SpaceX đã đặt mục tiêu thay đổi ngành du lịch và vận chuyển hàng hóa vào vũ trụ bằng một công nghệ chưa từng có trên thế giới. Công ty đã bắt đầu nghiên cứu và chế tạo thành công một loại tên lửa có khả năng tái sử dụng đầu tiên, được gọi là Grasshopper.
Đó là lần đầu tiên thế giới được chứng kiến một chiếc tên lửa vũ trụ có khả năng hạ cánh quay trở lại mặt đất sau khi đã phóng lên không trung. Grasshopper là loại tên lửa cỡ nhỏ và đã đặt nền móng đầu tiên cho thành công của Falcon 9 hiện tại.
Elon Musk đã kiện chính phủ Mỹ, khi cấm các công ty vũ trụ tư nhân ký hợp đồng với Không quân Mỹ
Trước đây, Không quân Mỹ vẫn ký hợp đồng với Launch Alliance United, một nhà sản xuất tên lửa thuộc Chính phủ Mỹ với các nhiệm vụ đưa vệ tinh của Không quân Mỹ lên quỹ đạo. Tuy nhiên sau khi SpaceX đạt được những thành công nhất định, Không quân Mỹ đã bắt đầu để ý đến công ty của Elon Musk và ngỏ ý muốn hợp tác.
Chính phủ Mỹ ngay lập tức cấm việc hợp tác này vì cho rằng các công ty tư nhân có thể là mối đe dọa khi tiếp cận với các hệ thống quân sự. Tỷ phú Elon Musk đã vô cùng cứng rắn phản bác lại lập luận của Chính phủ Mỹ và thậm chí là đệ đơn kiện lên tòa án tối cao. Cuối cùng SpaceX đã có quyền được đấu thầu các hợp đồng của Không quân Mỹ trong năm 2015.
Đây là nỗ lực đấu tranh rất đáng khen ngợi của Elon Musk và SpaceX, mở đường cho các công ty vũ trụ tư nhân trong tương lai có cơ hội để phát triển với những dự án tiềm năng, không bị bó buộc bởi Chính phủ.
SpaceX đang dẫn đầu một kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp vũ trụ
Vừa qua, SpaceX đã hạ cánh thành công tên lửa tái sử dụng Falcon 9 trong một thử nghiệm của mình. Thành công này là nỗ lực rất lớn sau rất nhiều thất bại trước đây của SpaceX, trong các thử nghiệm hạ cánh tên lửa vào tháng 1 và tháng 4 năm 2015.
SpaceX tiếp tục ghi tên mình là công ty tư nhân đầu tiên trong lịch sử hạ cánh thành công một tên lửa vũ trụ, sau khi phóng lên quỹ đạo Trái đất và đưa 11 vệ tinhOrbcomm vào quỹ đạo. Tầm vóc to lớn của thành công này không chỉ ở việc hạ cánh thành công một tên lửa tái sử dụng, điều mà SpaceX và Blue Origin từng làm được trước đây, mà là ở việc Falcon 9 không phải một tên lửa cỡ nhỏ.
Falcon 9 là tên lửa cỡ lớn, có khả năng mang theo tàu vũ trụ để tiếp tế hàng hóa cho trạm vũ trụ ISS. Khiến cho chiếc tên lửa này trở nên thực tiễn hơn trong tương lai, chứ không chỉ dừng lại ở việc thử nghiệm.
Một chương mới của ngành công nghiệp vũ trụ vừa được mở ra, một kỷ nguyên mà chúng ta sẽ có thể dễ dàng bay vào vũ trụ với chi phí thấp hơn rất nhiều so với trước đây. Các thử nghiệm trong vũ trụ cũng sẽ được tiến hành một cách dễ dàng hơn và sứ mệnh chinh phục Sao Hỏa sẽ càng trở nên thực tiễn hơn.
Tham khảo: BI
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.