Mới đây một thanh niên người dân tộc thiểu số đã có bài phân tích sâu sắc cho thấy kiến thức của Tiến Sĩ Bùi Hiển về chữ viết còn nhiều hạn chế.
Nghiên cứu của PGS TS Bùi Hiển không chỉ làm thụt lùi văn hóa mà còn thiếu tính khoa học.
ĐỀ XUẤT CẢI CÁCH CHỮ VIẾT NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ HỌC
I. XÉT VỀ MẶT LÍ THUYẾT
Mỗi một âm vị được thể hiện duy nhất bằng một kí tự là điều lí tưởng trong ngôn ngữ, đây cũng là nguyên nhân để ông dày công nghiên cứu trong nhiều năm nhằm cải tiến chữ quốc ngữ. Tuy nhiên bộ chữ của ông còn tồn tại những vấn đề sau:
1. Chưa quy phạm
Một chữ cái gồm 3 phần là Hình dạng, Tên gọi và Giá trị âm. Ví dụ chữ cái hình dạng là “M” tên gọi là “mờ” còn giá trị âm là [m] (Giá trị âm bản chất là âm thanh, ở đây để thể hiện thành con chữ giá trị âm được quy định để trong ngoặc vuông), M là một phụ âm vì thế để gọi tên nó ta phải thêm một nguyên âm đằng sau mới phát ra âm rõ ràng được. – Cùng một giá trị âm mỗi ngôn ngữ có cách gọi tên khác nhau. Ví dụ đối với giá trị âm [m] Người Việt gọi là “mờ”, người Anh gọi là “em” còn người TQ gọi là “mua”. Ngay cả trong một hệ thống chữ viết một chữ cái có thể được gọi theo nhiều tên như tiếng Việt chữ B gọi là “bờ” hoặc là “bê”.
– Có trường hợp hình dạng chữ không giống nhau nhưng giá trị âm giống nhau như chữ H trong tiếng Nga và chữ N trong tiếng Việt đều có giá trị là [n].
– Có trường hợp hình dạng chữ giống nhau nhưng giá trị âm khác nhau như chữ T trong tiếng Việt có giá trị là [t] nhưng trong tiếng Trung lại là [th].
– Cùng một chữ cái nhưng ở các thể chữ khác nhau thì hình dạng khác nhau như “gờ” viết hoa là G, viết thường là g.
Bảng chữ của ông chưa quy phạm ở chỗ chưa có cột thể hiện giá trị âm cho chữ cái và nhầm lẫn 2 khái niệm Tên gọi và Giá trị âm như “chữ H tên là Hát, âm là Hờ”. Thực ra Hát hay Hờ cũng đều chỉ là Tên gọi của chữ H mà thôi. Vậy theo ngôn ngữ học thì nên sửa thành: Chữ H, Tên gọi “hát hoặc hờ” giá trị âm là [h].
2. Còn thiếu sót và nhầm lẫn
Bảng chữ cái của ông thiếu đi hai nguyên âm “ă” và “â”. Trong tiếng Việt an – ăn – ân có ý nghĩa khác nhau. Không biết ông đã hợp nhất ă và â vào nguyên âm nào. Dù đây chỉ là một phần nghiên cứu, phần nguyên âm ông vẫn còn đang nghiên cứu nhưng thiết nghĩ nếu chưa nghiên cứu hoàn thiện không nên công bố lúc này, bởi một nửa bảng chữ cái không phải là bảng chữ cái, không ai thông qua một công trình nghiên cứu dang dở cả.
Ông cho rằng bảng chữ của ông đã rút gọn từ 38 chữ cái ban đầu chỉ còn 31 chữ cái. Điều này là không đúng. Bảng chữ cái tiếng Việt chỉ có 29 chữ cái: a, ă, â, b, c, d, đ, e, ê, g, h, i, k, l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, v, x, y. Vậy 9 chữ cái kia ở đâu ra? Thực ra đó chính là do ông cho rằng 9 phụ âm ng/ngh/gi/ch/tr/ph/th/kh/nh là 9 chữ cái nên mới đếm lên thành 29 + 9 = 38 chữ. Phụ âm và Chữ cái là 2 khái niệm khác nhau, phụ âm ph [f] khi viết được thể hiện bằng 2 chữ cái P và H, phụ âm kh [x] khi viết được thể hiện bằng 2 chữ cái K và H. Trong bảng chữ của ông không những số lượng chữ cái không giảm đi mà còn tăng thêm, giảm chữ cái Đ nhưng tăng F, J, W, Z.
3. Chưa xét đến các phương diện khác
Bảng chữ của ông được xây dựng trên cơ sở ngữ âm miền Bắc chứ không phải ngữ âm của cả nước. Theo PGS việc không phân biệt được ch/tr, d/gi/r, s/x khiến người Bắc viết sai vì thế quy tất cả về một mối sẽ không sai nữa: C = ch/tr, S = s/x, Z = d/gi/r vậy thì rất tiện cho người miền Bắc. Thế nhưng người miền Trung, miền Nam họ phân biệt được những âm này, họ phát âm CHA và TRA là khác nhau, khi dạy học sinh giáo viên sẽ phải nói sao? Chẳng phải lại phạm phải lỗi CÙNG MỘT CON CHỮ THỂ HIỆN NHIỀU ÂM KHÁC NHAU?
Người miền Trung, miền Nam họ không phân biệt dấu hỏi và dấu ngã, vậy theo PGS có khi chúng ta cũng nên bỏ nốt dấu hỏi hoặc dấu ngã quy về một dấu thôi. Rồi người miền Nam Về = Dề cho nên có cần thiết bỏ luôn V hoặc D đi không?
Bộ chữ quốc ngữ hiện tại là thành quả của cả một quãng đường rất dài, nó đã phù hợp với tiếng nói của cả ba miền và hơn thế nữa nó còn phản ánh lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Ví dụ âm Gi và Tr trong lịch sử được phân hóa ra từ một phụ âm cổ, chúng có cùng gốc vì thế rất nhiều từ có phụ âm đầu Gi và Tr có nghĩa giống nhau: Giả tiền – Trả tiền, Ông trời – Ông giời, Ăn trầu – Ăn giầu… Rồi các âm H dường như là âm câm trong các tổ hợp Kh/Th/Ph thực chất là kí hiệu của âm bật hơi, đến nay phương ngữ miền Bắc chỉ còn bật hơi âm Th.
Bộ chữ của PSG chưa chắc đã kinh tế hơn ví dụ Chanh và Tranh là hai vật khác nhau, nếu như viết thành “Can`” thay cho cả Chanh và Tranh thì thay vì tiết kiệm lại hóa ra lãng phí hơn vì chỉ cần viết Chanh người ta hiểu là “quả chanh” rồi còn viết Can`rõ ràng phải ghi thêm “kuả can`” người ta mới hiểu! Hoặc “Gia đình” và “Ra đình” nghĩa khác nhau, nếu đều viết thành “Za Dìn`” mà không có văn cảnh ta chịu không hiểu.
Xét về từ vựng, bộ chữ hiện tại có tác dụng phân biệt từ Hán – Việt và từ thuần Việt, ví dụ Gia là Hán – Việt còn Da/Ra là thuần Việt. Lại còn có thể phân biệt được các từ Hán – Việt với nhau như Chinh là chinh chiến, Trinh là trinh tiết. Tác giả chỉ đơn thuần nghĩ đến việc RÚT GỌN CON CHỮ mà chưa thấy SỰ NHẦM LẪN Ý NGHĨA DO LOẠI BỎ CHỮ CÁI gây ra. Không phải ngẫu nhiên mà người TQ đến bây giờ họ vẫn dùng chữ Hán tượng hình dù rất khó học, khó nhớ, nếu là người học tiếng Trung đều thấy rõ đọc chữ Hán hiểu đúng nghĩa hơn đọc phiên âm.
4. Thiếu tính thống nhất
Nếu để ý chúng ta thấy các nước sử dụng bộ chữ Latin về cơ bản các chữ cái có giá trị âm rất tương đồng, ví dụ m, n, l, p, s, b, c, k, t, tr… trong tiếng Việt lẫn tiếng Anh đều phát âm na ná nhau. Nếu bây giờ đảo lộn giá trị thì người Việt khi học tiếng nước ngoài cũng như người nước ngoài khi học tiếng Việt sẽ vấp phải vấn đề rất khó khăn là ĐỔI GIÁ TRỊ CHỮ CÁI TRONG ĐẦU. Người Việt gặp từ Wifi sẽ đọc là “Thi phi”, hãng Canon sẽ thành “Cha non”, điều này sẽ khiến Việt Nam tự mình tách khỏi cộng đồng quốc tế. Ai đã học tiếng Nga đều biết khi nhìn chữ H, X, Y trong tiếng Nga phải đọc là N, KH, U trong tiếng Việt, giai đoạn mới học sẽ khiến bạn thường xuyên nhầm lẫn. Tuy nhiên chữ cái của Nga không thuộc hệ chữ Latin nên bảng chữ của họ có rất nhiều chữ chúng ta không có, khi học chỉ cần chú ý một chút là được. Còn chữ quốc ngữ nằm trong hệ Latin vậy thì cần phải giữ sự thống nhất nhất định với các chữ viết khác trong hệ thống.
II. XÉT VỀ ỨNG DỤNG
1. Lưu trữ in ấn và thẩm mỹ
Việc thay một hệ thống chữ viết sẽ khiến chúng ta phải in lại tất cả các ấn phẩm trước kia. Tất cả những sách vở viết bằng chữ cũ bị đào thải, toàn bộ tài liệu thông tin trong các thư viện, kho lưu trữ phải thay mới. Kinh phí để làm điều này thật là lớn không tưởng!
Thay đổi chữ viết còn phải xét đến vấn đề thẩm mỹ, nếu thay xong mà cảm nhận thấy xấu hơn chữ cũ hoặc gây cảm giác phản cảm thì không nên thay. Đây là lí do rất nhiều chữ dị thể trong tiếng Hán bị đào thải. Ngoài ra một loạt các biển hiệu, băng rôn, pa nô, áp phích, biển báo, logo cũng đều phải thay đổi. Quả là một khối lượng công việc đồ sộ.
2. Giảng dạy và truyền bá
Toàn bộ người Việt Nam phải học lại chữ, tạm thời bị mù chữ. Và để chuyển đổi hệ chữ đã hình thành trong đầu sang hệ chữ mới có khi mất cả chục năm trời. Bộ chữ hiện tại chúng ta dùng đã lâu là vậy mà vẫn còn có rất nhiều trẻ em vùng sâu vùng xa đang mù chữ. Liệu chuyển sang hệ chữ mới tỉ lệ mù chữ đọc không thông viết không thạo ở Việt Nam sẽ là bao nhiêu?
Tất cả giáo trình dạy tiếng Việt phải in ấn lại, số người nước ngoài đã học tiếng Việt cũng tạm thời bị mù chữ. Như vậy hệ tụy là rất lớn không những ảnh hưởng trong nước mà còn ảnh hưởng cả quốc tế.
3. Tâm lý xã hội
Hệ chữ của tiếng Anh còn bất cập hơn rất nhiều so với tiếng Việt, A đọc là Ây thế mà trong từ CAR lại đọc là A, còn trong từ LATE lại đọc thành Ê. Từ HOUR rõ ràng có H mà lại bị câm v. v… Rồi đã là chữ biểu âm mà học tiếng Anh phải học thêm cả phiên âm quốc tế nữa, quá rắc rối. Thế nhưng cho đến tận bây giờ tiếng Anh vẫn không thay đổi hệ chữ viết, lẽ nào ta nói họ lạc hậu hơn ta? Ngôn ngữ là của cả một xã hội, nào của riêng ai. Cái gì xã hội chấp nhận thì chả cần ép người ta cũng theo, ví dụ việc viết “đg, tg, k, đc” thay cho “đường, tường, không, được” đã được dùng rộng rãi. Việc đề xuất của ông bị nhiều người phản bác đã cho thấy đề xuất ông đưa ra không được xã hội chấp nhận. Nếu đề xuất ấy hợp lý hơn chắc chắn mọi người cũng không phản ứng gay gắt như vậy.
Lời bàn: Thực ra nếu chú ý một chút thì không có chuyện sai chính tả, người Việt ta không có thói quen tra từ điển, không có thói quen trau chuốt từ ngữ khi nói nên hay nói sai viết sai. Việc học một số quy tắc chính tả có thể làm giảm đáng kể tình trạng sai chính tả. Ví dụ:
– GH/NGH/K ba phụ âm này đằng sau chỉ có thể là E, Ê, I
– Các đồ vật trong nhà thường có tên bắt đầu bằng X và CH rất ít khi là S và TR: Xe, Xô, Xích, Xẻng, Xoong, Chai, Chõng, Chiếu, Chăn, Chum, Chĩnh, Chổi, Chạn, Chóe…
– Đối với người Bắc, khi gặp từ láy có cặp phụ âm s, x, ch, tr, d, gi, r thì thường đằng trước là phụ âm nào đằng sau là phụ âm đấy: san sát, xinh xắn, chi chít, tròng trành, da diết, già giặn, ríu rít.
– Đối với người Nam, các từ Hán – Việt mà có phụ âm đầu là M, NH, L, N, V, D, NG hầu hết đều phải viết dấu ngã như Mã, Nhĩ, Lãng, Nữ, Vũ, Dũng, Ngỗ. Nhớ cái này rất dễ chỉ cần học thuộc câu “Mình Nhớ Là Nên Viết Dấu Ngã”.
Tuy nhiên còn có nhiều điều cấp thiết hơn và thực tế hơn cần làm như “Chuẩn hóa từ ngữ tiếng Việt”, “Phân biệt các từ gần nghĩa”, “Đi tìm nguồn gốc từ ngữ”, “Những lỗi sai thường gặp trong tiếng Việt” v. v… Hi vọng sẽ có những học giả uy tín nghiên cứu các vấn đề đó để tiếng Việt ta càng giàu càng đẹp.
P/S: Hi vọng rằng hệ chữ hiện tại không bị thay đổi, nếu không chắc mình sẽ bị gọi là Thạc sĩ mù chữ mất…
Video: Khoảnh khắc mẹ gặp lại con trai lạc ở ga tàu hút hơn 25 triệu lượt xem
Theo onews.vn
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.