Thứ Ba, 10/11/2015 | 16:00

Phụ nữ lớn tuổi khi mang thai sẽ có những rủi ro về sức khỏe và biến chứng cao hơn so với phụ nữ trẻ tuổi.

Có hại cho sức khỏe của mẹ khi mang bầu

Là một người phụ nữ coi trọng sự nghiệp nên mãi tới năm 36 tuổi chị Hoàng Lan (Quận 5, Tp.HCM) mới kết hôn. Khi sự nghiệp đang trên đà thăng tiến, chị lại “kế hoạch” thêm 2 năm nữa để phấn đấu. Đến năm 38 tuổi, khi tất cả mọi thứ đã ổn định, hai vợ chồng chị quyết định sinh con, nhưng “thả” được 1 năm vẫn chưa thấy dính bầu.

Hai vợ chồng chị Lan lo lắng, chạy hết bệnh viện nọ tới bệnh viện kia, chữa hết thuốc Nam tới thuốc Tây cuối cùng 2 năm sau chị cũng có được đứa con đầu lòng. Những ngày mang thai, cả nhà đều lo lắng cho sức khỏe của hai mẹ con.

Bản thân chị Lan cũng rất chú ý tới mọi hoạt động, sinh hoạt đi đứng của mình, đồng thời chế độ chăm sóc, dinh dưỡng cho hai mẹ con cũng được quan tâm đặc biệt. Cũng chính vì thế mà trọng lượng của chị Lan tăng lên nhanh chóng do hàng ngày nạp quá nhiều đồ ăn, sữa tốt với mong muốn con sinh ra sẽ khỏe mạnh, không bị thiếu chất.

Đến tháng thứ 7, cảm thấy sức khỏe mình có vấn đề: những cơn sốt kéo dài, tình trạng phù nề, vã mồ hôi, chân tay run rẩy, mắt mờ, đau ngực, khó thở… nên chị đã bảo chồng đưa tới bác sĩ để khám. Bác sĩ kết luận chị đã có dấu hiệu mắc tiểu đường thai kỳ và cần nhập viện điều trị ngay.

Cũng đồng cảnh ngộ với chị Lan, chị Thu Phương (Quận 9, Tp.HCM) làm nghề kinh doanh tự do cũng gặp phải những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe do mãi tới năm gần 40 tuổi chị mới sinh con. Công việc buôn bán bận rộn, nên chị cố gắng làm cho xong mọi việc trước khi nghỉ sinh.

Gần tới tháng thứ 8, chị bỗng thấy đầu đau dữ dội, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, bàn tay bàn chân sưng phù, miệng buồn nôn, bụng đau âm ỉ… Vội vàng bảo chồng chở đến bệnh viện khám, bác sĩ nói chị có dấu hiệu tiền sản giật do sinh con muộn và phải mổ cấp cứu ngay thì mới có thể bảo đảm tính mạng cả mẹ và con. Đứa bé sinh non nên phải nuôi trong lồng kính với chế độ chăm sóc đặc biệt. Nhìn đứa con bé bỏng mà hai vợ chồng chị Phương ứa nước mắt, rồi không biết sau này sức khỏe của bé sẽ ra sao!?.

Sinh con muộn: Nhiều nguy cơ

Ảnh minh họa

Tăng nguy cơ sảy thai, dị tật cho con

Trao đổi với phóng viên Sức khỏe Gia đình về vấn đề sinh con tuổi 40, BS. Lê Thị Kim Dung, phụ trách khoa sản, Trung tâm y tế Thái Hà, Hà Nội cho biết, phụ nữ bước sang tuổi 35-40, sức khỏe, sự cân bằng hormone, chất lượng trứng, chu kì rụng trứng đã bắt đầu giảm dần nên không còn hoạt động hiệu quả như khi còn trẻ. Điều này khiến chị em có thể gặp khó khăn trong việc thụthai. Nếu may mắn mang thai thì khả năng bị sẩy thai hoặc sinh non cũng cao hơn.

Không chỉ vậy, những em bé ra đời sẽ kém thông minh hơn những em bé khác, làm tăng nguy cơ nhiễm sắc thể bào thai gây nhiều di chứng ở trẻ, dị tật, thiểu năng ở trẻ sinh ra cũng cao hơn phụ nữ trẻ.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, cứ 1.250 bé được sinh ra khi người mẹ ở độ tuổi 25 thì có 1 bé bị hội chứng Down. Nhưng nếu người mẹ mang thai ở độ tuổi 40 thì cứ 100 bé sẽ có 1 bé bị hội chứng này.

Bác sĩ Richard Paulson, Trưởng khoa Sản Đại học Nam California, Los Angeles, Mỹ cũng cho biết, phụ nữ có thể mang thai ở độ tuổi ngoài 35, nhưng ở độ tuổi này khả năng có thể sinh và tỉ lệ sinh con khỏe mạnh bắt đầu giảm và nó thể hiện rõ rệt ở tuổi 40, ngay cả khi họ thực hiện các biện pháp như thụ tinh trong ống nghiệm. Đồng thời, khi mang thai, phụ nữ cũng gặp nhiều rắc rối hơn vì độ tuổi sinh con lớn: Tỷ lệ mang thai ngoài tử cung và sẩy thai tăng lên đáng kể theo tuổi tác.

Ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ lâu dài

Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi và cuộc sống của đứa trẻ sau này, việc mang thai muộn còn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe ảnh hưởng tới người mẹ về lâu về dài.

Sau 35 tuổi là thời điểm hệ miễn dịch, sức đề kháng của mỗi người, đặc biệt là người phụ nữ đã có dấu hiệu suy giảm, do đó, họ dễ mắc các bệnh như loãng xương, tiểu đường, răng miệng, huyết áp, cholesterol cao, tim mạch… Đó cũng là những nguy cơ mắc phải khi phụ nữ chuẩn bị bước vào thời kỳ tiền mãn kinh (ngoài 40 tuổi). Chế độ ăn bồi bổ quá mức cũng là nguyên nhân khiến sản phụ mắc các bệnh này. Chúng hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe thai kì. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy rằng mang thai muộn làm tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân hoặc sinh non.

Ngoài ra, mang thai ở độ tuổi này, sản phụ có nguy cơ gặp các biến chứng nhau tiền đạo- tình trạng nhau thai chặn ở cổ tử cung khiến cho việc sinh thường gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù hoạt chất Pitocin sẽ được cung cấp nhiều cho cơ thể để giúp quá trình co thắt dạ con dễ dàng hơn nhưng khả năng sinh mổ ở những sản phụ này vẫn cao hơn ở sản phụ trẻ.

Bác sĩ Kim Dung cho biết: “Khi nhiều tuổi, phụ nữ đã phải đối mặt với nguy cơ lớn mắc các bệnh thông thường, nay lại phải mang thêm một đứa trẻ trong bụng thì gánh nặng càng lớn hơn, tác động của bệnh tới sức khỏe cũng nặng nề hơn.”

Tâm lý cũng là một trở ngại lớn

Theo bác sĩ Kim Dung, mang thai ở thời điểm này, mặc dù có thể sẽ gặp phải nhiều nguy cơ, rủi cho cho sức khỏe của cả mẹ và bé nhưng nếu biết lường trước vấn đề, chú trọng kiểm tra sức khỏe thường xuyên thì cơ hội sinh đẻ an toàn sẽ rất lớn.

“Một trong những trở ngại lớn nhất ở độ tuổi này khi mang thai chính là vấn đề tâm lý. Nếu ở tuổi 40 mới sinh thì 20 năm sau tức là khi đó đã 60 thì bố mẹ có thể giúp đỡ được con những gì, dạy bảo con ra sao. Không ít người sẽ có cảm giác buồn bã, tự ti vì cho rằng mình không thể giúp gì được con cái”- bác sĩ Dung chia sẻ.

Bác sĩ Dung giải thích việc có con khi còn trẻ, bố mẹ sẽ vui chơi với con một cách hòa đồng, chia sẻ tâm sự với con, làm bạn và đồng cảm với con trong cuộc sống nhưng khi sinh muộn, cả bố và mẹ nhiều tuổi, sức khỏe không còn được sung sức thì tất cả mọi hoạt động đều bị hạn chế. Đang quen với cuộc sống độc thân, có thêm sự xuất hiện của một thành viên nhí trong gia đình có thể sẽ khiến họ lúng túng.

Hơn nữa, quan điểm và lối sống có thể khác nhau nhiều nên sẽ rất khó kết hợp hài hòa mối quan hệ gia đình. Có người thì vô cùng quý con chiều con, nhưng có người lại dành ít thời gian cho con hoặc khó tính trong những hoạt động nghịch ngợm của con.

Một vấn đề nữa mà các cặp vợ chồng khi quyết định sinh con muộn cũng nên lưu ý và cân nhắc đó là việc giảm bớt gánh nặng cho người phụ nữ. Ở độ tuổi này, nếu phụ nữ mang thai mà người chồng cũng lớn tuổi thì mọi công việc phụ nữ sẽ phải gánh nhiều hơn, vất vả hơn. Vì vừa phải lo cho chồng, vừa phải lo cho con, trong khi sức khỏe ngày càng đi xuống.

“Có những trường hợp cả hai vợ chồng khỏe mạnh và nghĩ mình sinh muộn sẽ không có vấn đề gì, nhưng khi vừa sinh con xong thì chồng lăn ra ốm, thế là mọi việc đổ hết lên đầu phụ nữ”- bác sĩ Dung chia sẻ.

Bởi vậy, bác sĩ Dung khuyến, nếu vì lý do nào đó khiến chị em phải sinh con muộn (sau 30 tuổi) thì cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về vật chất, tinh thần để sinh ra một đứa con khỏe mạnh.

Để sinh con muộn, vẫn an toàn

Có thể có nhiều lý do khiến các cặp vợ chồng chọn cách sinh con muộn: hiếm muộn, kết hôn muộn, phấn đấu cho sự nghiệp trước, chưa chuẩn bị đầy đủ vật chất và tinh thần để sinh con… nhưng để đảm bảo an toàn trong quá trình mang thai và sinh ra một em bé khỏe mạnh, các cặp vợ chồng cần thực hiện một số lời khuyên dưới đây:

– Đi khám bác sĩ trước khi có ý định sinh con để biết được tình hình sức khỏe hiện tại của mình và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đối phó với những nguy cơ có thể xảy ra.

– Cần bổ sung kiến thức, kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn về thai sản, kỹ năng làm mẹ và chuẩn bị sẵn sàng về tài chính, tâm lý trước khi sinh.

– Có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi phù hợp: Một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng sẽ giúp thời kỳ mang thai của phụ nữ an toàn, đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.

– Dùng vitamin và axit folic trước khi sinh: Tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên dùng một loại vitamin trước khi sinh hàng ngày có chứa ít nhất 400 microgram acid folic. Hấp thụ đủ acid folic mỗi ngày trước và trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể giúp ngăn ngừa khuyết tật liên quan đến não bộ của bé và tủy sống. Uống acid folic bổ sung thêm một mức độ bảo vệ quan trọng cho phụ nữ lớn tuổi, những người có nguy cơ cao sinh con bị dị tật bẩm sinh.

– Duy trì trọng lượng: Thông thường, phụ nữ mang thai có thể tăng từ 10-15kg tùy thể trạng của từng người. Các sản phụ không nên bồi dưỡng quá mức để ngăn ngừa béo phì, gây khó khăn cho quá trình sinh nở và tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.

– Phụ nữ mang thai cũng không nên uống đồ uống có cồn, hút thuốc hoặc ở những nơi có khói thuốc. Điều này đặc biệt với những phụ nữ mang thai khi đã lớn tuổi vì khả năng thâm nhập độc tố vào cơ thể cao hơn.

– Trong thời gian mang thai, người mẹ phải có lối sống lành mạnh, luôn vui vẻ để thai nhi cũng khoẻ mạnh và vui vẻ. Tập thể dục, yoga, thiền… và đi bộ thường xuyên, nhẹ nhàng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

– Cuối cùng, các cặp vợ chồng nên lưu ý sức khỏe trong 8 tuần đầu của thai kỳ, vì nó vô cùng quan trọng với sự phát triển của em bé sau này. Chăm sóc thai sớm và thường xuyên sẽ giúp bạn có một thai kỳ an toàn và sinh ra một em bé khỏe mạnh.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook