Thứ Sáu, 27/11/2015 | 13:00

Để tránh tình trạng biệt dược gốc giá cao, bác sĩ kê đơn hưởng hoa hồng, dự thảo luật Dược Bộ Y tế đề xuất áp dụng đàm phán giá cấp quốc gia, đa phần là thuốc điều trị ung thư.

Biệt dược gốc là thuốc phát minh và thuộc quyền sở hữu của các công ty nghiên cứu thuốc; do đó có tính chất độc quyền trên toàn thế giới và thường tăng giá cao bất ngờ. Ví dụ, thuốc synacthen depot điều trị động kinh tại Canada vừa đột ngột tăng giá gấp 20 lần. Công ty Dược phẩm Turing (Mỹ) cũng đột ngột tăng giá thuốc daraprim điều trị HIV/ AIDS từ 13,5 USD một hộp lên tới 750 USD.

Để hạn chế tình trạng thuốc biệt dược gốc độc quyền tăng giá, dự thảo luật Dược quy định việc mua sắm các thuốc này phải thực hiện theo luật Đấu thầu. Theo ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Quản lý Dược, Bộ Y tế, các thuốc biệt dược gốc, thuốc có ít nhà cung ứng trên thị trường sẽ được áp dụng hình thức đàm phán giá cấp quốc gia. Phương thức này đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Việc đàm phán giá sẽ do Hội đồng đàm phán giá quốc gia thực hiện để đảm bảo sự thống nhất về giá, mức giá hợp lý trên cơ sở so sánh với các nước trên thế giới và các chi phí liên quan.

Siết quản lý thuốc giá cao

Nhiều thuốc đắt tiền, giá trị sử dụng lớn sẽ được đấu thầu cấp quốc gia hoặc đàm phán giá. Ảnh minh họa: T.C.

Dự thảo luật Dược cũng bổ sung thêm giải pháp tăng sự cạnh tranh nhằm giảm giá thuốc biệt dược như cho phép nộp hồ sơ đăng ký sớm trước khi thuốc phát minh hết hạn bản quyền; ưu đãi và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thuốc đầu tư sản xuất các thuốc biệt dược gốc mới hết hạn bằng sáng chế. Dự kiến ban đầu sẽ có 8 loại thuốc được áp hình thức đàm phán giá cấp quốc gia như sorafenib toysylate điều trị ung thư gan; cerebrolysin bổ não dùng trong dự phòng, cấp cứu và sau khi bị đột quỵ…

Ông Đông cho biết, một số thuốc phổ biến giá cao, có cạnh tranh sẽ phải áp dụng đấu thầu thuốc cấp quốc gia. Nhiều quốc gia đã thực hiện hình thức này và nhiều ưu điểm so với các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu riêng lẻ như đảm bảo mức giá trúng thầu thống nhất trên toàn quốc, tiết kiệm chi phí, thời gian tổ chức đấu thầu cho các đơn vị; mua sắm tập trung với số lượng lớn sẽ có được mức giá thấp.

100 thuốc với 22.000 loại chiếm 40% tổng thị trường thuốc trong nước sẽ được ưu tiên đàm phán giá tập trung ở cấp quốc gia. Bộ Y tế đang nghiên cứu để triển khai thí điểm trước mắt với 5 hoạt chất trong số này được sử dụng trong điều trị bệnh ung thư, từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất mở rộng.

Hiện nay cả nước có 55 Sở Y tế đấu thầu tập trung ở cấp tỉnh, thành phố; các tỉnh còn lại thực hiện theo hình thức đấu thầu riêng lẻ ở các cơ sở y tế hoặc giao bệnh viện đa khoa tỉnh đấu thầu, các cơ sở y tế khác áp dụng theo kết quả đấu thầu của bệnh viện đa khoa tỉnh.

Dự thảo luật Dược sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận ngày 27/11.

Nam Phương

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook