Trong thời gian qua, hoạt động của các dịch vụ thuê khoán trong bệnh viện (BV) như dịch vụ bảo vệ, gửi xe, vận chuyển bệnh nhân, căng tin…
Trong thời gian qua, hoạt động của các dịch vụ thuê khoán trong bệnh viện (BV) như dịch vụ bảo vệ, gửi xe, vận chuyển bệnh nhân, căng tin, giặt là, dịch vụ mai táng, bảo quản tử thi… đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng các dịch vụ cho người bệnh, người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, trên thực tế các dịch vụ này đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập… Xung quanh vấn đề được dư luận quan tâm này, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê…
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê.
PV: Thưa ông, được biết sau sự cố đáng tiếc xảy ra tại BV Nhi TW liên quan đến dịch vụ vận chuyển cấp cứu, cùng với các chỉ đạo liên tục của Lãnh đạo Bộ Y tế về vấn đề này, Bộ Y tế cũng đã thành lập đoàn công tác kiểm tra thực tế tại một số BV. Qua kiểm tra, ông thấy có những vấn đề gì còn đang tồn tại?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Đúng như bạn nói, thời gian qua, lãnh đạo Bộ Y tế đã liên tục có các chỉ đạo về các dịch vụ bên ngoài vào BV, trong đó nêu rõ, lãnh đạo các cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế nếu để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để có cơ sở thực tế, Bộ Y tế cũng đã thành lập đoàn công tác kiểm tra thực tế quá trình đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, dịch vụ bảo vệ, gửi xe, căng tin…; tính công khai minh bạch trong quá trình quản lý, giám sát điều hành công tác vận chuyển và bảo đảm an ninh trật tự; vai trò trách nhiệm của các cá nhân và các phòng ban liên quan… Qua kiểm tra thực tế tại một số BV tuyến TW và tuyến tỉnh, thành phố, chúng tôi nhận thấy cơ bản các BV đã thực hiện theo các yêu cầu của Bộ Y tế về đấu thầu, lựa chọn các dịch vụ thuê bên ngoài vào BV, tuy nhiên không phải không có những tồn tại. Chúng tôi đã tập hợp các vấn đề còn tồn tại báo cáo lãnh đạo Bộ để lãnh đạo Bộ có những chỉ đạo tiếp tục về hoạt động này của các BV trong hội nghị diễn ra ngày 11/8 tại Hà Nội bàn về “Nâng cao công tác quản lý các dịch vụ bên ngoài vào BV” với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế.
PV: Vậy trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ làm gì để chấn chỉnh các tồn tại hiện hữu về hoạt động của các dịch vụ bên ngoài vào BV, thưa ông?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Phải khẳng định, trong thời gian qua, đội ngũ xe cứu thương BV, dịch vụ vận chuyển cấp cứu đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển cấp cứu người bệnh kịp thời. Để hoạt động này ngày càng phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ rà soát các hoạt động liên quan tới công tác vận chuyển người bệnh cấp cứu và dịch vụ taxi tại các BV.
Đối với các xe cấp cứu, xe cứu thương BV hoạt động theo quy chế BV và các quy định của ngành. Đối với các dịch vụ vận chuyển cấp cứu ngoài BV, do đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện thực hiện theo Quyết định của Bộ Y tế số 01/2008/QĐ-BYT ngày 21/01/2008 về việc ban hành quy chế cấp cứu, hồi sức và chống độc nên cần phải rà soát điều kiện cấp giấy phép hoạt động của từng xe, từng đơn vị nhằm hạn chế tối đa hiện tượng xe cứu thương dù, xe không bảo đảm chất lượng, an toàn cho người bệnh.
Đối với vận chuyển người bệnh ra vào BV nói chung, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các BV kiên quyết gỡ bỏ các quy định nội bộ dẫn đến việc hạn chế tự do lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh ra vào BV, nhưng vẫn phải đi kèm với các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự trong BV. Bên cạnh đó, phải công khai minh bạch quá trình đấu thầu lựa chọn dịch vụ vận chuyển, công khai giá dịch vụ vận chuyển để người bệnh biết.
Về công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong BV, trên thực tế, đây là công tác đặc thù vì đối tượng ra vào BV rất phức tạp. Trên thực tế hoạt động của các BV thời gian qua cho thấy, lực lượng an ninh BV đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh trật tự, tài sản của BV, của người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh (KCB). Tuy nhiên, hành vi và ứng xử của đối tượng này cũng góp phần làm nên sự hài lòng của người bệnh đối với cơ sở KCB. Do vậy, chúng tôi kiên quyết loại bỏ ra khỏi cơ sở KCB các đối tượng có hành vi ứng xử với người bệnh, người nhà thiếu chuẩn mực; hay các đối tượng có hành vi tiêu cực, liên kết với hãng vận chuyển dịch vụ gây phiền hà cho người bệnh. Về phía các BV cũng phải chuẩn hóa công tác bảo vệ chuyên nghiệp hơn, thường xuyên đào tạo cấp chứng nhận về quy tắc ứng xử cho đội ngũ bảo vệ, đặc biệt bảo vệ từ các công ty hợp đồng, coi đây là điều khoản bắt buộc với nhân viên bảo vệ làm việc tại các BV…
Đối với các dịch vụ khác như gửi xe, căng tin, giặt là, dịch vụ mai táng, bảo quản tử thi…, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các BV cần phải tổ chức đấu thầu công khai các dịch vụ này…
Sẽ rà soát lại các hoạt động vận chuyển người bệnh cấp cứu và dịch vụ taxi các BV. Ảnh: TM
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, việc công khai minh bạch trong đấu thầu các dịch vụ thuê ngoài có thể coi là một trong những giải pháp hạn chế được sự độc quyền về dịch vụ tại BV hiện nay. Quan điểm của ông thế nào?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Liên quan đến vấn đề các dịch vụ bên ngoài vào BV này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các BV báo cáo việc tổ chức cung cấp và quản lý dịch vụ vận chuyển người bệnh nói chung và vận chuyển cấp cứu nói riêng cũng như các dịch vụ khác trong BV. Trên cơ sở báo cáo của các BV và thực tế kiểm tra, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu sửa đổi và xây dựng các quy định hướng dẫn các BV tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ vận chuyển người bệnh cũng như các dịch vụ bên ngoài BV khác. Phối hợp với cơ quan an ninh địa phương để chấn chỉnh hoạt động này tại các BV còn tồn tại… làm sao để cho người bệnh khi đến KCB không chỉ hài lòng về chất lượng KCB, hài lòng về phong cách phục vụ của cán bộ y tế mà còn hài lòng cả về những dịch vụ liên quan…
Trên thực tế, việc công khai minh bạch trong đấu thầu các dịch vụ thuê ngoài của các BV đã được Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các BV kiên quyết thực hiện. Có thể coi đó là một trong những giải pháp hạn chế được sự độc quyền về các dịch vụ tại BV hiện nay.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Thái Bình (thực hiện)
Nguồn: SKDS
Chưa có bình luận.