Thứ Hai, 20/11/2017 | 08:01

Bệnh viện Thận Hà Nội hiện là bệnh viện chuyên sâu về chuyên ngành thận học và lọc máu duy nhất cả nước,

có nhiệm vụ cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh nội,  ngoại trú theo chuyên ngành Thận học – Tiết niệu cho nhân dân trên địa bàn Hà Nội và các vùng lân cận; tổ chức áp dụng các phương pháp lọc máu ngoài thận trong điều trị bệnh nhân thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc, HDF online, Plasma Apheresis… Nâng cao chất lượng điều trị, bảo đảm an toàn cho người bệnh trong quá trình lọc máu là yêu cầu quan trọng được đặt ra đối với cơ sở điều trị chuyên về thận. Báo SK&ĐS đã phỏng vấn BS. Hà Huy Thắng – Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội về an toàn điều trị cho người bệnh.

PV: Thưa ông, yêu cầu an toàn cho người bệnh trong lọc máu được đặt ra rất khắt khe và nghiêm ngặt, chỉ một sơ sảy nhỏ thì hậu quả thật là khôn lường. Đối với BV Thận Hà Nội, vấn đề an toàn cho người bệnh trong quá trình lọc máu được thực hiện như thế nào?

BS. Hà Huy Thắng: Đúng như bạn nói, ngành y tế nói chung và chuyên ngành lọc máu của chúng tôi nói riêng, yêu cầu an toàn trong điều trị cho người bệnh đặt ra liên tục và phải được giám sát chặt chẽ, thực hiện thường xuyên. Sau sự cố tai biến y khoa xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, với trách nhiệm là bệnh viện chuyên ngành thận duy nhất của Hà Nội, chúng tôi cùng với lãnh đạo ngành y tế Thủ đô trực tiếp đi khảo sát, đánh giá lại quy trình điều trị ở 12 bệnh viện có khoa thận ở Hà Nội để từ đó rút ra được bức tranh toàn cảnh, đánh giá tình hình, nhìn nhận được mặt mạnh, những vấn đề cần phải khắc phục, kiểm soát được chất lượng điều trị lọc máu tại các bệnh viện trong mạng lưới của Hà Nội.

Quy trình chặt chẽ, giám sát liên tục để không có rủi ro trong điều trịChuyên gia Pháp sang đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ BV Thận Hà Nội. BS. Hà Huy Thắng (người cầm giấy) làm việc với các chuyên gia.

BV Thận Hà Nội là bệnh viện chỉ đạo đầu ngành chuyên khoa Thận học và lọc máu đã thực hiện cải tiến rất nhiều biện pháp nhằm quản lý, giám sát, nâng cao chất lượng KCB nói chung và điều trị thận nhân tạo nói riêng. Cụ thể, tập trung rà soát các hoạt động quản lý nguồn nước, đường nước từ nước thành phố vào bể chứa và từ bể chứa đến hệ thống RO.

Năm 2017, chúng tôi đã phê duyệt và báo cáo kết quả 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp cơ sở để tăng cường công tác giám sát, quản lý chất lượng nguồn nước cũng như hệ thống nước toàn bệnh viện là: Tăng cường các biện pháp an ninh đảm bảo an toàn cho hệ thống cung cấp nước phục vụ chuyên môn tại BV Thận Hà Nội và Sơ đồ hóa, xây dựng quy định, quy trình giám sát chất lượng nước RO phục vụ điều trị Thận nhân tạo và HDF online.

PV: Được biết, hệ thống rửa quả lọc tự động của bệnh viện cũng là duy nhất của cả nước?

BS. Hà Huy Thắng: Từ sự cố gắng của tập thể cán bộ bệnh viện và từ nguồn kinh phí tự chủ, chúng tôi đã đầu tư buồng rửa quả lọc tự động thay vì thủ công như trước. Máy rửa quả lọc tự động Renatron II 100 là một hệ thống tự động hoàn toàn để rửa, làm sạch, làm đầy hóa chất sát khuẩn và kiểm tra chất lượng quả lọc trước –  sau mỗi lần sử dụng trên bệnh nhân.

Thông qua hệ thống máy tính được cài đặt trên máy Renatron II 100, người vận hành dễ dàng quản lý được loại quả lọc, thông số của quả lọc, thông tin bệnh nhân, số lần đã tái sử dụng và chất lượng quả lọc đó…  Đồng thời giúp cho người quản lý truy xuất được các thông tin như quả lọc đó được rửa trên máy nào, người rửa quả lọc đó là ai, ngày giờ cụ thể rửa quả lọc đó bằng phần mềm và  mã vạch. Một đầu quét mã vạch sẽ được gắn với module giao tiếp sẽ giúp người vận hành nhập các thông tin của quả lọc, máy rửa quả và mã của nhân viên thực hiện quá trình tái sử dụng quả lọc theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.

Chúng tôi mới đưa vào sử dụng 30 máy điều trị thận nhân tạo hiện đại bậc nhất của châu Âu với sự hảo tâm của các bạn CH Pháp, đặc biệt vai trò của GS. Jean J. Conte – người được phong tặng danh hiệu cao quý “Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội”, ông Saint Pe Andre – chuyên gia kỹ thuật sang làm việc, tập huấn, hiệu chỉnh và bà Barbault Marie Madeieine Louise – Điều dưỡng trưởng Khoa Thận, Viện trường Paul Sapatiers, Toulouse III – CH Pháp sang tập huấn về kỹ năng, công tác điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện.

Từ sự nỗ lực của các thầy thuốc, Bệnh viện đã tổ chức hợp tác tốt về chuyên môn nghiệp vụ với các đơn vị lọc máu tại Hà Nội. Đồng thời, đã hỗ trợ đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Nhất là gần đây, năm 2006, năm 2007 với BVĐK Ba Vì, BVĐK Hoài Đức… – những cơ sở lọc máu phía Tây Thủ đô, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhân khu vực này.

Là bệnh viện đầu ngành có trách nhiệm chỉ đạo tuyến cho 12 bệnh viện có đơn vị thận, lọc máu của Thủ đô, chúng tôi đã triển khai rà soát, đánh giá điều kiện các đơn vị toàn mạng lưới theo Bộ bảng kiểm Check list. Hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật tới các đơn vị triển khai các kỹ thuật lọc máu, nhờ đó toàn bộ mạng lưới đã thu dung được hơn 1.200 bệnh nhân thận nhân tạo, không những góp phần giảm tải đáng kể cho tuyến Trung ương, mật độ trong trung tâm của Thành phố mà còn từng bước hình thành mạng lưới nhân lực để khám sàng lọc phát hiện sớm, điều trị kịp thời và quản lý chặt chẽ các các bệnh thận trong cộng đồng nhằm hoạch định và từng bước hoàn chỉnh chiến lược phát triển hội nhập, chuẩn hóa với thủ đô, thành phố lớn của các nước tiên tiến trên thế giới.

Xuân Tuyến (thực hiện)

Nguồn: SKDS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook