Thứ Hai, 28/12/2015 | 12:02

Quinvaxem – vắc xin được sử dụng nhiều nhất trên thế giới – đang bị biến thành “con ngáo ộp”, “vũ khí giết người” và người dân chạy theo Pentaxim, dù giá cao, khan hiếm.

QUINVAXEM VÀ PENTAXIM KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?

Lựa chọn Quinvaxem hay Pentaxim cho con đang là mối quan tâm hàng đầu của các bậc làm cha, mẹ. Nguồn gốc, công dụng phòng bệnh và việc hai loại vắc xin này được sử dụng như thế nào trên thế giới trở thành câu hỏi được hàng triệu phụ huynh tìm kiếm lời giải đáp.

Quinvaxem, Pentaxim trong vòng xoáy khủng hoảng niềm tin

Bảng so sánh giá cả, nguồn gốc và công dụng phòng bệnh của hai loại vắc xin.

“Dù chọn phương án nào, Quinvaxem hay Pentaxim, cha mẹ của các bé đều mong muốn tạo điều kiện sức khoẻ tốt nhất cho con trong khả năng có thể, điều đó là đáng trân trọng”

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Thanh Minh

Để thay thế Pentaxim hoàn toàn cho Quinvaxem là điều cực khó vì mỗi năm có khoảng 1,6 triệu trẻ em Việt cần được tiêm (1,6 triệu bé x 4 = 6,4 triệu mũi Quinvaxem).

Hiện tại, WHO sử dụng Quinvaxem cho chương trình Tiêm chủng mở rộng để tài trợ vắc xin miễn phí cho hơn 90 nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Do đó, nếu đổi, WHO sẽ phải đổi cho cả hơn 90 nước, chưa kể đến chuyện một mũi Pentaxim đắt gấp 6,5 lần một mũi Quinvaxem.

Trên thực tế, mỗi năm, Việt Nam chỉ có khoảng 100.000-200.000 mũi tiêm vô bào Pentaxim nhưng có tới 5,5 triệu mũi tiêm toàn bào Quinvaxem.

Quinvaxem, Pentaxim trong vòng xoáy khủng hoảng niềm tin
Thông tin này được GS.TS Đặng Đức Anh chia sẻ.

CÁC TRƯỜNG HỢP BIẾN CHỨNG NGHI DO TIÊM VẮC XIN

Việt Nam bắt đầu sử dụng Quinvaxem do WHO tài trợ từ tháng 6/2010. Từ tháng 10/2012 đến 3/2013 có 12 ca tử vong sau khi được tiêm mũi Quinvaxem. Do đó, Bộ Y Tế Việt Nam đã ngừng sử dụng Quinvaxem cho đến tháng 10/2013, khi chuyên gia độc lập quốc tế, chuyên gia của WHO, và chuyên gia của Việt Nam khẳng định là 12 ca tử vong kể trên không do Quinvaxem.

Từ khi Quinvaxem được dùng lại đến nay, có 9 ca tử vong sau khi tiêm vắc xin này, trong đó 6 ca đã được xác nhận không do vắc xin, 1 ca vào tháng 9/2015 chưa rõ nguyên nhân và 2 ca vào tháng 10/2015 do sốc phản vệ, có thể là do vắc xin, dẫn đến tử vong.

Một trong hai ca tử vong gần đây là bé Nguyễn Ngọc Tường Vy, con gái chị Hoàng Thị Ngọc Lan, trú thôn Ngọc Lý, xã Ngọc Kỳ (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) tử vong vào sáng 27/10, tại Bệnh viện Nhi Hải Dương do sốc nhiễm trùng nặng. Cùng đợt tiêm chủng với Vy còn 16 bé khác nhưng đều chỉ sốt nhẹ.

Quinvaxem, Pentaxim trong vòng xoáy khủng hoảng niềm tin
Bố mẹ cháu bé tử vong đau buồn trong khi chờ công an khám nghiệm tử thi. Ảnh: M. Quý.

Trước đó, sáng 25/10, bé Tường Vy (sinh ngày 17/6/2015) được tiêm vắc xin Quinvaxem tại Trạm y tế xã Ngọc Kỳ. Đến chiều 26/10, bé Vy xuất hiện những vết thâm tím ở mông, chân đồng thời bị nôn khi ăn nên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Tứ Kỳ theo dõi. Sau đó, bé tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Hải Dương nhưng không qua khỏi.

Ông Phạm Ngọc Vinh, Trưởng trạm y tế xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương cho biết: “Vắc xin được bảo quản theo đúng quy định”.

Cũng trong tháng 9, sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem tại trạm y tế xã Năm Xuân, huyện Krông Nô, bé Nguyễn Đức Hiếu có biểu hiện tím tái. Gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng cháu mất trên đường đi.

QUINVAXEM BỊ QUAY LƯNG, TIÊM DỊCH VỤ PENTAXIM LÊN NGÔI

Trước hàng loạt trẻ tử vong sau tiêm chủng mở rộng, Quinvaxem bỗng trở thành kẻ sát nhân trong mắt người dân. Họ chuyển sang tiêm dịch vụ với vắc xin Pentaxim. Điển hình là việc hàng trăm người đã thức trắng đêm tại Phòng tiêm chủng dịch vụ Polyvac (182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội) để chờ liều vắc xin Pentaxim cho trẻ vào sáng ngày hôm sau.

Tuy nhiên, 7h30 sáng 25/12, cơ sở này buộc phải thông báo dừng tiêm dù nhiều phụ huynh đã bồng bế con nhỏ đứng chờ nhiều giờ ngoài trời giá rét. Mặc dù đây chỉ là sự việc xảy ra ở một điểm tiêm chủng riêng lẻ, song trước tình hình căng thẳng, Bộ Y tế đã yêu cầu dừng tiêm tại tất cả các điểm và tiến hành họp khẩn về kế hoạch triển khai tiêm chủng.

Chúng tôi khẳng định không đủ nguồn cung vắc xin vô bào (Pentaxim), ngay cả Pháp cũng không đủ nhưng họ vẫn tiêm vắc xin khác.

Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường

Thông tin từ Cục trưởng Cục Quản lý Dược – Trương Quốc Cường cho hay, trên thế giới chỉ có 2 nhà sản xuất sẵn sàng xuất khẩu vắc xin vô bào – Pentaxim nên nguồn cung khan hiếm. “Chúng tôi khẳng định không đủ nguồn cung vắc xin vô bào (Pentaxim), ngay cả Pháp cũng không đủ nhưng họ vẫn tiêm vắc xin khác”, ông Cường nói.

Về con số, ông Cường khẳng định năm 2015 chỉ nhập 160.000 liều, tháng 2/2016 sẽ có 40.000 liều Pentaxim, ngoài ra Cục không còn bất cứ cam kết nào.

Do đó, nếu thiếu thuốc dịch vụ, người dân phải quay sang tiêm Quinvaxem đúng lịch, không được chờ thuốc.

Quinvaxem, Pentaxim trong vòng xoáy khủng hoảng niềm tin
Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường. Ảnh: Lê Hiếu.

TRÁI ĐẮNG KHI LÒNG TIN BỊ LUNG LAY

Trả lời về tầm quan trọng của vắc xin, thạc sĩ Lương Quốc Chính – Khoa Cấp Cứu – Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, để giảm thiểu khả năng bùng phát dịch bệnh, tỷ lệ tiêm phòng với loại bệnh đó phải đạt ít nhất 80 – 90% số trẻ/số người thuộc đối tượng phải tiêm phòng.

Tôi tin, những người quyết định mua 200.000 liều Pentaxim cũng gan cùng mình, vì đây là vấn đề làm ăn. Chích mà không hết thì vô cùng nguy hiểm bởi vắc xin không để lâu được, trong khi chi phí lưu trữ nó cũng rất cao.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn

Tuy nhiên, Quivaxem đang bị biến thành “con ngáo ộp” như bác sĩ Võ Xuân Sơn vốn rất nổi tiếng trên facebook ví von. Nó như một thứ vũ khí giết người, hơn là một thứ vắc xin bảo vệ mạng sống con người. Nhiều người chạy theo Pentaxim, thậm chí đưa con ra nước ngoài chích. Còn lại một phần lớn người không đủ khả năng bỏ tiền cho con chích Pentaxim nhưng lại sợ Quinvaxem đến mức không cho con chích ngừa.

Đó là khi lòng tin đã bị lung lay đồng thời là sự thiếu hiểu biết. Hệ quả của việc này có thể khiến nhiều trẻ không được tiêm vắc xin – dễ dàng làm bùng phát dịch bệnh. Với 200.000 liều Pentaxim được nhập về Việt Nam là một con số không ít.

Quinvaxem, Pentaxim trong vòng xoáy khủng hoảng niềm tin
Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn.

Ông cho rằng việc chen chân, hỗn loạn đi tiêm Pentaxim mới đây là thành quả của chiến dịch công kích Quinvaxem trong thời gian vừa qua. Quinvaxem được Hàn Quốc sản xuất, theo đơn đặt hàng của WHO, và được WHO tài trợ cho các nước nghèo. Việt Nam và Hàn Quốc có tỷ lệ chi ngân sách cho y tế tương đương nhau (6,8% và 6,9%), nhưng số tuyệt đối chi cho đầu người của Hàn Quốc so với Việt nam là 1.193 USD trên 81 USD: 14,7 lần. Như vậy, việc Hàn Quốc không cần tài trợ của WHO và dùng thuốc đắt tiền là hoàn toàn hợp lí. Còn trong khi ở Việt Nam, chúng được tiêm miễn phí nên khiến nhiều người không tin tưởng.

Quinvaxem, Pentaxim trong vòng xoáy khủng hoảng niềm tin
Em bé ngủ trên tay mẹ chờ đến lượt tiêm phòng. Ảnh: Khánh Trung

Đồng quan điểm, bác sĩ Huỳnh Phước Sang cho rằng việc chen lấn giành nhau liều vắc xin đắt tiền hiện nay vẫn chưa là nguy hiểm mà hệ quả của tất cả chuyện này chính là việc chậm trễ hoặc bị nhỡ các mũi tiêm chủng. Đồng nghĩa với việc bạn có thể hại chết con một khi dịch bệnh xảy ra.

Nếu không tạo được miễn dịch cộng đồng thì không chỉ một vài chục cái chết được đổ tội cho vắc xin, mà là hàng trăm, hàng nghìn, hàng chục nghìn… người mắc bệnh và tử vong do bệnh dịch.

Bác sĩ Lương Quốc Chính

Ông cho biết, vắc xin đắt tiền thì ít tác dụng phụ hơn, nhưng sức bảo vệ yếu hơn. Còn loại rẻ tiền thì có nhiều tác dụng phụ hơn nhưng bảo vệ mạnh mẽ hơn. Điều này có ý nghĩa với những nước có hệ thống y tế chưa đủ mạnh.

Mỗi một ngày, Việt Nam có khoảng 70 trẻ dưới 1 tuổi chết không rõ nguyên nhân, nên việc trùng hợp vào đợt chích vắc xin là bình thường. Việc hùa theo đám đông tẩy chay vắc xin tiêm chủng mở rộng hoàn toàn không phải lựa chọn đúng đắn.

Dự kiến hệ thống đăng ký tiêm chủng trực tuyến của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội hoạt động từ 9h ngày 29/12. Thời gian tiêm chủng bắt đầu từ 7h30 ngày 30/12.

Nhóm PV
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook