Thứ Tư, 16/12/2015 | 15:39

Bộ Y tế chỉ cấp phép cho 2 sản phẩm phát hiện nhanh một số chất có thể có khi bị ung thư nhưng không phải là que thử ung thư. 

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị – Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, đơn vị này chỉ cấp phép cho 2 sản phẩm que thử để phát hiện nhanh một số chất liên quan đến bệnh ung thư. Đây là que thử mang tính chất định tính; không gọi là que thử phát hiện ung thư. Hai sản phẩm được cấp phép là Bioline AFP (phát hiện định tính AFP trong huyết tương hoặc huyết thanh người) và SD Bioline CEA (phát hiện định tính CEA trong huyết tương hoặc huyết thanh người).

Bộ Y tế sẽ phối hợp với thanh tra Bộ Y tế rà soát lại tình trạng quảng cáo, thông tin sản phẩm que thử ung thư”, ông Tuấn nói. 

Hiện trên thị trường có nhiều loại que thử y tế khác được quảng cáo có khả năng phát hiện ung thư cho kết quả chính xác đến 99,5%. Cụ thể, các sản phẩm này được người bán giới thiệu là phát hiện ung thư vú, đại trực tràng, vú, phổi, tuyến tụy nhờ chỉ số CEA; ung thư gan nhờ chỉ số AFP và ung thư tuyến tiền liệt với chỉ số PSA.

Que thử ung thư không được cấp phép nhập khẩu

Một loại que thử phát hiện sớm ung thư được quảng cáo trên mạng. 

Theo các chuyên gia y tế, CEA, AFP, PSA là một số chất chỉ điểm u có liên quan đến bệnh ung thư. Hiện tại các xét nghiệm chỉ điểm u được làm thường quy tại Bệnh viện K, trong 24 giờ có kết quả. Xét nghiệm CEA, AFP, PSA dao động 80.000-85.000 đồng. Các xét nghiệm thực hiện tại bệnh viện là xét nghiệm định lượng nồng độ các chất chỉ điểm u trong máu nên có giá trị và ý nghĩa lâm sàng cao hơn nhiều so với que thử là phương pháp định tính chỉ có giá trị cho biết dương tính hay âm tính. 

Phó giáo sư Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) khẳng định, các chất chỉ điểm u ít có ứng dụng trong chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư vì độ đặc hiệu thấp, có thể tăng trong các bệnh lý lành tính. Tình trạng âm tính không có giá trị phủ định bệnh và dương tính cũng không có giá trị khẳng định bệnh. Ví dụ, chất chỉ điểm u CEA thường tăng trong ung thư biểu mô nhầy của đường tiêu hóa, buồng trứng, vú, phổi, tụy. Tuy nhiên, các trường hợp lành tính có thể CEA tăng gồm hút thuốc, tuyến nang nhầy của buồng trứng hoặc ruột thừa, viêm túi mật, viêm túi thừa đại tràng…

Theo phó giáo sư Thuấn, PSA và AFP là 2 trong số rất ít các chỉ điểm u có thể sử dụng tham gia chẩn đoán ban đầu, phải kết hợp với các phương pháp chẩn đoán khác như nội soi, chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là sinh thiết chẩn đoán mô bệnh học. Lý do là PSA cũng tăng trong các bệnh tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến và viêm tuyến tiền liệt. Tương tự AFP tăng trong một số bệnh lý gan mật lành tính như xơ gan, viêm gan do virus.

Chung quan điểm trên, phó giáo sư Nguyễn Nghiêm Luật, hiện là giám đốc một bệnh viện tư nhân chuyên các dịch vụ xét nghiệm tại Hà Nội cho biết: “Không phải tất cả người có mức độ AFP tăng đều bị ung thư hoặc sẽ phát triển ung thư gan. Không phải tất cả mọi ung thư đều sản xuất ra AFP, do đó một người vẫn có thể bị ung thư ngay cả khi mức độ AFP bình thường”.

Phân tích thêm về chất chỉ điểm u CEA trong chẩn đoán ung thư đại trực tràng, phó giáo sư Luật cho biết độ nhạy lâm sàng của nó là 50%, độ đặc hiệu 90%, cộng thêm tần suất ung thư đại trực tràng chỉ 50/100.000 dân mỗi năm. Điều này có nghĩa là chỉ có 1/400 xét nghiệm CEA dương tính là dương tính thật. Như vậy, CEA không phù hợp để sàng lọc và chẩn đoán sớm ung thư đại trực tràng trong nhóm người không triệu chứng.

“Trong ung thư vú chưa di căn, mức độ CEA chỉ tăng ở 10% trường hợp. Trong các ung thư khác như ung thư biểu mô dạ dày, thực quản, tụy, phổi, buồng trứng, tuyến giáp thể tủy, cổ tử cung, các di căn xương…, mức độ CEA chỉ tăng khi ung thư tiến triển”, phó giáo sư Luật phân tích thêm.

Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo để khẳng định một người có bị ung thư hay không thì người bệnh cần thăm khám lâm sàng và quan trọng nhất là xét nghiệm mô bệnh học tế bào hay sinh thiết xem có tế bào ung thư hay không. Vì thế người dân cần đến các bệnh viện có chuyên khoa ung thư để được chẩn đoán chính xác.

Nam Phương

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook