Thứ Hai, 19/10/2015 | 11:00

Theo các chuyên khoa, 5 người bầu có một người bị tiểu đường thai kỳ. Nhiềungười coi thường bệnh lý này trong khi bệnh nguy hiểm tới cả mẹ và bé.

Mất con vì mẹ quá chú tâm vỗ béo

Chị Trần Thị Mai Hương trú tại Văn Chấn, Yên Bái là một trong những bà mẹ không may mắn vì đứa con vừa chào đời đã bị tử vong vì hạ đường huyết. Chị Hương đã có hai cô con gái. Khi mang thai đứa con thứ 3, gia đình lại có điều kiện kinh tế hơn trước nên chị Hương cố gắng tẩm bổ với hi vọng con khỏe từ trong bụng mẹ.

Chị tăng 27kg. Chị Hương kể trong thời kỳ mang thai chị vẫn đi siêu âm thai đều đặn và thai nhi phát triển bình thường. Chị lại nghiện ăn đồ ngọt và tinh bột. Bữa sáng, bữa trưa, tối chị đều ăn 3- 4 bát cơm. Ngoài ra các thực phẩm khác chị cũng ăn rất nhiều. Lần nào đi siêu âm, bác sĩ cũng bảo thai nhi nặng cân, thừa cân hơn các thai nhi khác cùng tuần thai. Chị Hương vui lắm. Chị nghĩ “tôi xác định đẻ mổ theo giờ nên không quan tâm điều gì miễn sao con to và khỏe là được”.

Đến tuần 36, chị thai nhi của chị Hương lúc ấy đã 4,2 kg. Chị siêu âm ở phòng khám tư tuyến xã nên cũng không ai khuyến cáo gì về tiểu đường thai kỳ và cân nặng thai nhi. Đến khi chị Hương có dấu hiệu đẻ non, sản giật chị được đưa lên cấp cứu tại một bệnh viên tuyến trên. Bác sĩ cho biết chị bị tiểu đường thai nghén phải điều trị gấp. Lúc này, chị Hương mới biết tiểu đường thai nghén là gì.

Trường hợp của chị Vũ Thị Lan trú tại Hải Dương cũng tương tự. Chị Lan hiếm muộn nhiều năm mới có thai nên khi có thai chị giữ gìn rất kỹ. Chị ăn nhiều hơn và ít vận động. Cả quá trình thai kỳ chị tăng đến gần 30kg. Khi gần đến ngày sinh, chị vẫn không biết mình bị tiểu đường thai nghén. Lúc sinh con, cháu bé khỏe mạnh, khóc to nhưng chỉ vài tiếng sau cháu lịm dần rồi tử vong.

Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị hạ đường huyết.Khi sinh ra, cháu bé con chị vẫn khỏe nhưng chỉ vài giờ sau cháu có biểu hiện sốt cao, lả người đi. Các bác sĩ đưa cháu bé đi cấp cứu chẩn đoán do hạ đường huyết sơ sinh. Dù được cấp cứu kịp thời nhưng cháu bé vẫn không qua khỏi. Điều đó khiến chị Hương vô cùng ân hận.

Nhiều người còn thờ ơ với tiểu đường thai kỳ

Theo PGS TS Nguyễn Thị Diệu Vân – Trưởng khoa Nội Tiết, Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện nay đái tháo đường thai kỳ đang tăng lên nhanh chóng, chủ yếu ở những người bị béo phì; tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường; bị rối loạn dung nạp glucose hoặc đái tháo đường thai kỳ trước đó; hội chứng buồng trứng đa nang; tiền sử sinh con to, đa ối; hiện tượng đường có trong nước tiểu. Hiện nay, nhiều người còn coi thường tiểu đường thai kỳ do không có kiến thức về sức khỏe nội tiết khi mang thai.

Nhiều người được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ họ cho rằng điều đó không nghiêm trọng nhưng bệnh có thể nguy hiểm cho thai nhi, tai biến khi sinh.

PGS Vân cho biết nếu không được chữa trị kịp thời, đái tháo đường thai kỳ có thể dẫn đến các tai biến như: nguy cơ tử vong chu sinh tăng gấp 4 lần so với bình thường; nguy cơ sinh non tăng hơn gấp đôi (14,02%) so với tỉ lệ thông thường (6,55%); tỷ lệ hạ đường huyết sơ sinh trên lâm sàng tăng hơn 20 lần so với mức bình thường; nguy cơ khởi phát chuyển dạ tăng hơn gần 3 lần so với mức bình thường; hơn 50% phụ nữ có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ bị đái tháo đường típ 2 trong vòng 5-10 năm sau khi sinh.

Theo báo cáo mới nhất của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới, năm 2014 có 387 triệu người hiện mắc bệnh đái tháo đường. Nếu không phòng chống bệnh cụ thể, sẽ có khoảng 592 triệu người mắc căn bệnh này trong vòng 22 năm tới. Cũng theo thống kê này, Việt Nam có 3,3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường năm 2014.

Đặc biệt, số liệu cho thấy, có đến 15% phụ nữ mang thai trên toàn thế giới có khả năng bị mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Theo một nghiên cứu khác, tỉ lệ thai phụ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ ở Việt Nam là 20,3% tương đường 5 thai phụ thì có 1 người mắc thai kỳ.

Yhocvn.net (Theo Infonet)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook