Thứ Bảy, 30/01/2016 | 12:30

2-3 ca ngộ độc rượu cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mỗi ngày qua, không ít bệnh nhân hôn mê, tổn thương não, thậm chí tử vong.

Những ngày cận Tết, số bệnh nhân nhập viện càng gia tăng. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu tháng đến nay ngày nào nơi đây cũng tiếp nhận 2-3 ca ngộ độc rượu. Nhiều bệnh nhân kết quả xét nghiệm có nồng độ cồn công nghiệp methanol trong máu rất cao.

Ngày 29/1, một thanh niên 38 tuổi ở Sóc Sơn, Hà Nội, đã được gia đình xin về nhà lo hậu sự. 10 ngày trước đó, bệnh nhân ngày nào cũng uống rượu. Hôm 27/1 anh này uống nhiều loại rượu khác nhau với bạn, hôm sau người thân phát hiện anh nằm bất tỉnh, mất ý thức nên đưa đi cấp cứu.

Tại Trung tâm Chống độc, kết quả xét nghiệm định lượng methanol trong máu bệnh nhân cho thấy hàm lượng methanol lên tới 245 mg/dl, cao nhất trong những bệnh nhân ngộ độc methanol nơi đây từng điều trị. Methanol là cồn công nghiệp, loại chất độc không được phép có trong máu. Với bệnh nhân này, hàm lượng methanol trong máu quá cao nên ngộ độc nặng. Dù được lọc máu và điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện, gia đình xin đưa về nhà chấp nhận cái chết.

Quá chén tất niên, nhiều người nhập viện

Bệnh nhân bị ngộ độc rượu đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Nam Phương.

Nằm điều trị gần một tuần, bệnh nhân Tiến 37 tuổi ở Yên Thế, Bắc Giang, mới tạm qua cơn nguy kịch nhưng vẫn trong tình trạng hôn mê, não bị tổn thương do ngộ độc rượu. Theo người nhà, bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu. Cuối tuần trước anh uống rượu cả ngày, sáng hôm sau gia đình phát hiện anh nằm mê man dưới đất. Được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh cấp cứu, sau 2 ngày điều trị không bớt, anh được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, phải đặt nội khí quản. Hiện nồng độ cồn trong máu bệnh nhân không còn nhưng não bị tổn thương nghiêm trọng do ngộ độc rượu.

Bác sĩ Nguyên cho biết, việc điều trị cho bệnh nhân sẽ còn kéo dài và chưa thể đánh giá được mức độ phục hồi sau tổn thương não.

Để phòng ngộ độc rượu, các bác sĩ khuyên người dân nên hạn chế uống rượu, nếu uống thì phải chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trường hợp người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không thưa, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Nhiều người chủ quan cho rằng say rượu không nguy hiểm. Thực tế say rượu chính là ngộ độc rượu và tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí tử vong. Nếu uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol, sau 1-2 ngày bệnh nhân sẽ có dấu hiệu mù mắt, sau đó dẫn đến trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và tử vong. 

Phương Trang

* Tên nhân vật đã được thay đổi. 

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook