Phụ nữ mang thai là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu nhiễm virus Zika. Họ cần làm gì để bảo vệ mình?
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay mặc dù bệnh do virus Zika chưa ghi nhận tại nước ta. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nguy cơ xuất hiện virus này.
WHO đang điều tra mối quan hệ rõ ràng giữa virus Zika với chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Việc gia tăng bất thường các trường hợp nhiễm virus Zika và các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh tại Brasil trong năm 2015 đang ngày càng làm dấy lên lo ngại đối với các phụ nữ mang thai.
Viện sức khỏe quốc gia Colombia cho biết trong số 31.555 trường hợp nhiễm virus Zika có 5.013 phụ nữ mang thai. Số trường hợp nhiễm virus nguy hiểm này đã tăng 23% so với tuần trước, số phụ nữ mang thai được chẩn đoán nhiễm virus tăng 57,8%.
Phụ nữ làm thế nào để bảo vệ mình không bị nhiễm virus Zika?
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra vắc xin phòng chống virus này. Vì vậy, theo ông Phu, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai nên áp dụng các biện pháp phòng tránh muỗi truyền bệnh đốt để tự bảo vệ mình không bị nhiễm virus Zika.
– Sử dụng các thuốc xua muỗi xoa lên vùng da hở hoặc bôi lên quần áo.
– Mặc quần áo có thể che phủ hầu hết bộ phận cơ thể.
– Sử dụng các màng chắn, đóng cửa để tránh muỗi bay vào trong nhà.
– Ngủ màn, kể cả thời gian ban ngày khi muỗi Aedes hoạt động.
– Phát hiện và loại bỏ những nơi muỗi có thể sinh sản bằng cách lật úp, đổ nước trong các vật dụng không chứa nước không cần thiết và đậy kín các vật dụng chứa nước sinh hoạt hàng ngày, thường xuyên thay nước trong các lọ hoa.
Ngoài ra, phụ nữ có thai nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika cần được theo dõi siêu âm thai 3-4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.
Trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần và vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh.
Hà Quyên
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.