Thứ Hai, 17/10/2016 | 17:33

Vòng một là để yêu, không phải để ung thư; Mẹ trên 40 tuổi, tôi sẽ dẫn mẹ tôi đi khám tầm soát ung thư vú…

Vòng một là để yêu, không phải để ung thư; Mẹ trên 40 tuổi, tôi sẽ dẫn mẹ tôi đi khám tầm soát ung thư vú; Vì phụ nữ, vì ngày mai… Đó là thông điệp mạnh mẽ mà Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng muốn truyền tải tới mọi người qua chiến dịch “Tầm soát ung thư vú ngay khi bước sang tuổi 40”, trong khuôn khổ tháng Phòng chống Ung thư vú thế giới và kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10). Nhân dịp này, PV Báo Sức khỏe&Đời sống đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương xung quanh căn bệnh ung thư vú khá phổ biến ở chị em.

PGS.TS Trần Văn Thuấn khẳng định: “Tỉ lệ chữa khỏi bệnh ung thư vú ở Việt Nam đã tương đương với các nước phát triển như Singapore. Thống kê mới nhất cho thấy, tỉ lệ chữa khỏi bệnh ung thư vú ở BV K Trung ương đã đạt con số 70%. Đây là tín hiệu hết sức đáng mừng khi chúng ta áp dụng các biện pháp mới trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư vú”.

Đi khám muộn, chị em mất cơ hội sống

PV: Rõ ràng là đã có rất nhiều tiến bộ trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư vú nhưng còn không ít bệnh nhân vẫn ngộ nhận trong điều trị căn bệnh này khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Phó Giáo sư nghĩ sao về điều này?

PGS.TS Trần Văn Thuấn: Trên thực tế không riêng gì bệnh nhân ung thư vú mà với rất nhiều bệnh nhân ung thư khác, đặc biệt người bệnh ở các vùng sâu vùng xa do hiểu biết hạn chế, dẫn tới những ngộ nhận sai lầm về chữa bệnh ung thư. Nhiều người bệnh nghe theo thầy lang, thầy cúng để cúng bái hoặc dùng thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc dùng các biện pháp điều trị không chính thống, chỉ đến khi bệnh nặng họ mới đến BV thì đã muộn. Lúc này, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài dùng các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ, hỗ trợ dùng thuốc kéo dài được chừng nào hay chừng đó và đương nhiên trường hợp đó không thể chữa khỏi bởi quá muộn.

Cũng có một số bệnh nhân không tuân thủ được liệu trình điều trị vì rất nhiều lý do như: hiểu biết hạn chế, khó khăn trong kinh tế, hoặc do tác dụng phụ trong quá trình điều trị làm cho người bệnh sợ và bỏ điều trị. Chắc chắn nếu bỏ điều trị như vậy thì hiệu quả sẽ không thể nào bằng việc người bệnh tuân thủ và được áp dụng biện pháp điều trị tới nơi tới chốn.

PGS.TS Trần Văn Thuấn: “Chị em hãy tự tin đi tầm soát ung thư vú”PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương.

 

PV: Vậy “bức tranh” ung thư vú ở Việt Nam hiện nay đang như thế nào, thưa Phó Giáo sư?

PGS.TS Trần Văn Thuấn: Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Ước tính mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 14,1 triệu ca mới mắc ung thư, trong đó riêng bệnh ung thư vú chiếm tới 1,2 triệu ca. Ở nước ta, mỗi năm trên toàn quốc có khoảng 126.000 ca mới mắc và 94.000 trường hợp tử vong do ung thư, thì riêng ung thư vú chiếm khoảng 11.000 ca mới mắc và trên 5.000 trường hợp tử vong. Đáng lo ngại là xu hướng mắc bệnh ung thư vú ngày một gia tăng, ví dụ năm 2000, thống kê khi đó 100.000 phụ nữ mới có khoảng 18 người mới mắc thì đến năm 2010 con số này đã lên lên tới 30 người, tức là đã tăng lên gần gấp đôi sau 10 năm.

Ước tính đến năm 2020, chỉ tính riêng ung thư vú thì số ca mới mắc lên khoảng 23.000 ca. Điều đáng tiếc là nhiều chị em phụ nữ chưa ý thức được việc đi tầm soát ung thư vú nên phần lớn các ca bệnh ung thư vú đến khám và điều trị đã ở giai đoạn 2, 3, thậm chí có trường hợp bệnh đã ở giai đoạn 4. Theo thống kê của chúng tôi có khoảng 60% người bệnh tới khám, phát hiện ung thư ở giai đoạn 3, 4 tức là giai đoạn muộn. Lúc này, khả năng chữa khỏi thấp hơn rất nhiều so với đến sớm. Trong khi đó, ung thư vú là căn bệnh có thể phát hiện sớm, và điều trị khỏi nếu điều trị kịp thời và đúng phương pháp, việc phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỉ lệ chữa khỏi càng cao và chi phí điều trị càng thấp.

PV: Trước đây, nhiều người cho rằng nếu chẳng may mắc bệnh ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng là mang “án tử” vì bệnh này “vô phương cứu chữa”. Còn với y học hiện đại ngày nay thì sao, thưa Phó Giáo sư?

PGS.TS Trần Văn Thuấn: Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng tiến bộ trong chẩn đoán, sàng lọc và điều trị bệnh ung thư vú trên thế giới đã được áp dụng ở BV K Trung ương nói riêng và một số cơ sở phòng chống ung thư trong cả nước (như BV Ung  bướu TP. HCM và một số cơ sở chuyên sâu khác). Trong sàng lọc, bên cạnh các biện pháp khám lâm sàng, chụp nhũ ảnh chúng ta đã tiến hành chụp cộng hưởng từ để phát hiện sớm ung thư vú cho các đối tượng có nguy cơ cao – là các trường hợp có tiền sử gia đình người phụ nữ có mẹ hoặc chị em gái mắc ung thư vú. Đây là biện pháp đang được áp dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới và hiện nay đã được áp dụng tại Việt Nam để sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú bên cạnh biện pháp sàng lọc thường quy là chụp nhũ ảnh.

Đối với chẩn đoán giải phẫu bệnh tế bào sinh học, chúng ta đã áp dụng thành công rất nhiều biện pháp hiện đại trên thế giới như: nhuộm miễn dịch huỳnh quang để phát hiện những thụ thể yếu tố phát triển biểu bì, rồi đánh giá thụ thể nội tiết… giúp cho việc chẩn đoán đánh giá đáp ứng với điều trị và theo dõi sau quá trình điều trị khi bệnh nhân ra viện.

Trong điều trị ung thư vú có một số biện pháp chính, có thể chia ra làm 4 lĩnh vực gồm: phẫu thuật, xạ trị, điều trị bằng thuốc hóa chất và điều trị bằng nội tiết sinh học. Đối với mỗi biện pháp chúng ta đều có các tiến bộ mới. Chẳng hạn, trong điều trị phẫu thuật ung thư vú, chúng ta đã áp dụng thành công các biện pháp nạo vét hạch cửa, kết hợp với vét hạch chọn lọc để bảo tồn tối đa mô vú lành; bảo tồn kết hợp với tạo hình giúp chị em tự tin hơn, đồng thời ít gây biến chứng cho người bệnh, đặc biệt là biến chứng phù tay khi bệnh nhân bị nạo vét rộng.

Đối với xạ trị, trước đây với các trường hợp ung thư vú thường phải xạ trị rộng rãi thì nay đã áp dụng xạ trị điều biến liều và xạ trị một phần giúp việc điều trị vừa hiệu quả vừa giảm ảnh hưởng với người bệnh.

Đối với điều trị nội khoa, có thể nói, các thuốc hóa chất hiện đại nhất trên thế giới đều đã được ứng dụng tại BV K Trung ương nói riêng và nhiều cơ sở phòng chống ung thư nói chung. Bên cạnh đó, một số thuốc nội tiết và kháng thể dòng mới cũng đang được áp dụng, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị.

Có thể khẳng định rằng, tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú ở Việt Nam đã tương đương với các nước phát triển. Theo thống kê của chúng tôi gần đây, tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú ở BV K Trung ương đã đạt con số 70%, tương đương với các nước trong khu vực như Singapore và Thái Lan… Đây là tín hiệu hết sức đáng mừng khi chúng ta áp dụng các biện pháp mới trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư vú.

PGS.TS Trần Văn Thuấn: “Chị em hãy tự tin đi tầm soát ung thư vú”Các bác sĩ thăm hỏi bệnh nhân điều trị ung thư tại BV K Trung ương, cơ sở 1. Ảnh: H.Quỳnh

Tầm soát ung thư vú ngay khi bước sang tuổi 40

PV: Với một căn bệnh khá phổ biến ở phụ nữ như bệnh ung thư vú, Phó Giáo sư có lời khuyên nào cho chị em để phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này?

PGS.TS Trần Văn Thuấn: Ung thư vú là căn bệnh phổ biến, tuy nhiên đây là căn bệnh có thể dự phòng và phát hiện sớm được. Để phòng bệnh ung thư vú, chị em nên có chế độ ăn hợp lý, tăng cường hoa quả và rau xanh, hạn chế tối đa mỡ động vật, kết hợp với tập luyện tránh thừa cân, béo phì, hạn chế việc dùng thuốc nội tiết thay thế khi mà chuẩn bị bước sang tuổi mãn kinh, bởi lẽ nếu dùng lâu dài – đặc biệt là các trường hợp dùng quá 10 năm thì có nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 4-6 lần so với phụ nữ không có tiền sử như vậy.

Để phát hiện sớm căn bệnh này, các chị em đặc biệt là từ 40 tuổi trở lên nên đi khám sức khỏe định kỳ và nên quan tâm đến khám tầm soát phát hiện ung thư vú để nếu có mắc bệnh thì có thể điều trị kịp thời, đúng phương pháp. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ chỉ định chụp nhũ ảnh cho phép phát hiện ung thư vú từ lúc khối u chưa xuất hiện trên ngực người phụ nữ – tức là phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng và đương nhiên những trường hợp như vậy thì chúng ta hoàn toàn có thể chữa khỏi được.

Ngoài ra, với những trường hợp chị em có tiền sử gia đình mắc ung thư vú và khi xét nghiệm gen ung thư vú (cụ thể gen BRCA1, BRCA2) dương tính thì nên đi khám định kỳ sớm hơn và thậm chí chụp cộng hưởng từ thay vì chụp nhũ ảnh để phát hiện ung thư vú.

Để hạn chế tái phát di căn ung thư vú, tốt nhất người bệnh nên tuân thủ chế độ, quy định do bác sĩ đề ra. Vì với mỗi trường hợp bệnh, để đưa ra biện pháp điều trị chúng tôi có hẳn một tiểu ban khối u chuyên về từng bệnh ung thư, ví dụ như tiểu ban về bệnh ung thư vú, tiểu ban về bệnh ung thư phổi… Trong mỗi tiểu ban đó đều có các nhà chuyên khoa (về phẫu thuật vú, xạ trị, nội khoa, cận lâm sàng…) đánh giá phân tích tỉ mỉ từ đó mới đưa ra biện pháp tổng thể hợp lý nhất, hiệu quả nhất cho người bệnh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Trần Văn Thuấn!

Dương Hải (thực hiện)

Nguồn: SKDS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook