Thứ Ba, 18/07/2017 | 22:19

Ngày 19/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung điều 134 về tình tiết tăng nặng khi hành hung người đang ‘chăm sóc sức khoẻ cho mình’. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng: ‘Cần quy định cụ thể hơn với đối tượng cần bảo vệ là toàn bộ các nhân viên y tế. Nên có điều luật riêng hoặc thậm chí có thể ban hành Luật chống bạo hành y tế, giáo dục như ở một số nước trên thế giới’.

PV Báo Sức khoẻ&Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang – Giảng viên, Phó chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch Trường Đại học Y Hà Nội; Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV Đại học Y Hà Nội xung quanh vấn đề này.

 

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Luật sửa đổi cần bảo vệ toàn bộ nhân viên y tế trước nạn hành hungPGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.

 

PV: Trong bối cảnh gần đây xảy ra nhiều vụ hành hung nhân viên y tế (NVYT), đỉnh điểm mới đây là vụ “bắt bác sĩ quỳ xuống xin lỗi ngay trong BV”, ông có suy nghĩ như thế nào về vấn nạn hành hung NVYT đang diễn ra – có thể nói là khá phổ biến hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Không thể chấp nhận được hành động ngông cuồng của tên côn đồ này. Việc đánh người đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật còn bắt quỳ xin lỗi rồi lấy máy ảnh quay lại đã làm nhục đến nhân phẩm con người mà ở đây là một vị bác sĩ hết sức hiền lành.

Nếu bạn đọc tin nhắn của bác sĩ gửi cho người nhà bệnh nhân, mọi người có thể hình dung ra anh là người hiền lành, nhún nhường và sự áp lực của nghề đã đè ép lên anh nói riêng và các đồng nghiệp của tôi nói chung nặng nề đến mức nào.

 

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Luật sửa đổi cần bảo vệ toàn bộ nhân viên y tế trước nạn hành hung

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Luật sửa đổi cần bảo vệ toàn bộ nhân viên y tế trước nạn hành hungTin nhắn bác sĩ bị hành hung gửi cho gia đình bệnh nhân.

 

PV: Được biết, Dự thảo Luật hình sự sửa đổi đã chỉnh sửa điều 134 khoản d về tình tiết tăng nặng khi phạm tội cố ý gây thương tích đối với người “chữa bệnh cho mình”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đối tượng hành hung y bác sĩ chủ yếu là người nhà bệnh nhân và có đến 90% vụ hành hung cán bộ y tế xảy ra khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh. Vậy ý kiến của ông thế nào? Điều này liệu có đủ sức răn đe cho các đối tượng hành hung NVYT?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Với tư cách Đại biểu Quốc hội, tôi chỉ biết làm hết sức mình để vận động Quốc hội sửa đổi một số điều khoản để răn đe các đối tượng manh động với các NVYT.

Ngày hôm qua tôi đã rất mừng khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung điều 134 về tình tiết tăng nặng khi hành hung người đang “chăm sóc sức khoẻ cho mình”. Niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nếu thêm được 4 chữ “chữa bệnh cho mình và người thân mình“. Theo tôi, cần quy định cụ thể hơn với đối tượng cần bảo vệ là toàn bộ các NVYT. Nên có điều luật riêng hoặc thậm chí có thể ban hành Luật chống bạo hành y tế, giáo dục như ở một số nước trên thế giới.

PV: Là một đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng là một bác sĩ cứu chữa người bệnh, ông có điều gì muốn nhắn gửi đến các đồng nghiệp của mình trong bối cảnh xảy ra nhiều vụ hành hung NVYT hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi nghĩ, các NVYT cần đồng lòng đấu tranh. Chuyện xảy ra với đồng nghiệp mình nếu không đấu tranh lên án thì một ngày nào đó sẽ đến với chính bản thân mình. Vai trò của sự đồng lòng có một sức mạnh vô cùng to lớn ví như bài phát biểu của tôi tại phiên các vấn đề kinh tế xã hội đã được các bạn ngành giáo dục chia sẻ trên mạng xã hội với hơn 600.000 người xem. Với sức mạnh ấy không một nhà hoạch định chính sách nào không ngồi xuống để nghiên cứu điều chỉnh để hợp với lòng người.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Luật sửa đổi cần bảo vệ toàn bộ nhân viên y tế trước nạn hành hungBV Thể thao VN – nơi xảy ra vụ việc hành hung nhân viên y tế, bắt bác sĩ quỳ xuống xin lỗi.

 

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Chính bản thân chúng tôi cũng cần đặt câu hỏi tại sao tỉ lệ bạo hành y tế ra tăng trong thời gian vừa qua. Phải chăng việc buông lỏng đào tạo bác sĩ từ nhiều năm qua đã đến lúc gây hậu quả. Người bác sĩ kém như anh đầu bếp nấu món ăn không ngon thì sao làm hài lòng được thượng đế. Kèm theo thái độ phục vụ hách dịch dù có lý do khách quan là quá tải cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến “thực khách” phản ứng tiêu cực với “nhà hàng”.

Một nguyên nhân nữa không thể không kể đến là mặt trái của chính sách tự chủ y tế sẽ sinh ra tình huống lạm dụng xét nghiệm, thuốc men và các kỹ thuật can thiệp phẫu thuật có giá thành cao… điều này sẽ làm mất niềm tin của người bệnh gây bất ổn cho xã hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu về cuộc trò chuyện này!

 

Trước đó, ngày 24/5/2017, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đã có bài phát biểu trước Quốc hội nhằm đề nghị xem xét, thảo luận việc ban hành luật về phòng chống bạo hành nhân viên y tế và huỷ hoại tài sản ở các cơ sở dịch vụ y tế, hoặc chí ít có một điều luật nằm trong bộ luật hình sự đang chỉnh sửa.

Mời bạn đọc xem toàn văn bài phát biểu tại đây!

Dương Hải (thực hiện)

Nguồn: SKDS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook