Bác sĩ tâm thần phải coi nỗi đau của bệnh nhân là nỗi đau của mình thì mới có thể làm tốt công việc hàng ngày, Tiến sĩ Vũ Thy Cầm chia sẻ.
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, Tiến sĩ Vũ Thy Cầm công tác tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đã có hơn 20 năm kinh nghiệm điều trị bệnh nhân tâm thần. Nữ bác sĩ trẻ trung có thân hình nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng ấy lại vô cùng nhiệt huyết. Mấy chục gắn bó với những người “điên”, bác sĩ coi đó là một nhiệm vụ, giúp họ trở lại cuộc sống bình thường.
Bác sĩ Vũ Thy Cầm tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: Lê Nga. |
Bác sĩ Cầm tâm sự, bệnh nhân tâm thần là bệnh nhân đặc biệt, người bệnh không kiểm soát được cảm xúc hành vi và tư duy. Họ cũng không nhận thức được mình bị bệnh, thường phủ nhận bệnh nên việc tiếp xúc rất khó khăn. Thậm chí, có người tâm thần kích động tấn công lại các bác sĩ, điều dưỡng và những người xung quanh. Bác sĩ tâm thần là một nghề nguy hiểm.
Bác sĩ Cầm nhớ nhất một cô gái trẻ ở Nam Trực, Nam Định, điều trị cách đây gần 3 năm. Thiếu nữ là con đầu trong gia đình khó khăn có bố bị tâm thần phân liệt, mẹ bị mù một mắt. Khi đang học năm 3 Đại học Tài chính, cô gái phải bỏ dở việc học để về quê tìm bố do bố bị bệnh bỏ nhà đi lang thang. Lo lắng tìm bố, cô mất ngủ một tuần liền và phát bệnh, nhập viện trong tình trạng bị loạn thần nặng. Tại viện, cô cởi bỏ hết quần áo và chửi bới tấn công nhân viên y tế, cô ghét người nhà và những người xung quanh.
Bác sĩ Cầm nhớ, lúc đầu tiếp xúc với cô gái rất khó khăn, sau khi sử dụng thuốc tiêm phải gần một tuần bác sĩ mới có thể tiếp xúc được với bệnh nhân. Điều trị trong một tháng bệnh thuyên giảm, bệnh nhân được ra viện vừa uống thuốc vừa tiếp tục đi học. Sau khi tốt nghiệp đại học, bệnh nhân cũng không định hình được công việc, tương lai của của mình, bác sĩ tâm thần lại một lần nữa làm công tác tâm lý cho cô. Theo bác sĩ, có những bệnh nhân mà bác sĩ phải theo dấu họ vài năm, thậm chí nhiều năm trong cuộc đời.
Không có một máy móc hay trang thiết bị nào có thể đánh giá, đo lường được hành vi, cảm xúc, tư duy của bệnh nhân, chính bác sĩ chuyên khoa tâm thần là những người lượng giá. Mỗi ca bệnh đều có những đặc điểm riêng, khó khăn riêng. Do vậy điều quan trọng là bác sĩ tâm thần phải biết lắng nghe, thấu hiểu tâm lý người bệnh và người nhà bệnh nhân, dành thời gian để khám chi tiết, kỹ lưỡng đồng thời phải hiểu quy luật, diễn biến của bệnh mới có thể điều trị hiệu quả. “Bác sĩ tâm thần ngoài công việc điều trị chuyên môn còn phải làm việc như một chuyên gia tâm lý…”, nữ bác sĩ trải lòng.
Trong quá trình khám chữa bệnh, bác sĩ chuyên khoa tâm thần phải làm tâm lý tốt, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám và điều trị. Bệnh lý tâm thần dễ tái phát. Bác sĩ tâm thần cần tư vấn cho bệnh nhân giúp họ nhận thức được bệnh tật, dự phòng tái phát bằng cách tuân thủ khám định kỳ, tuân thủ thuốc điều trị, sinh hoạt, làm việc và vui chơi hợp lý, giúp bệnh nhân tái hòa nhập với cuộc sống, với cộng đồng xã hội.
“Làm nghề này luôn căng thẳng, mệt mỏi bởi thường ngày tiếp xúc với đối tượng đặc biệt, bác sĩ phải lắng nghe xem tâm tư của bệnh nhân mong muốn những gì. Thực tế sinh viên ra trường rất ít người về Khoa tâm thần làm việc. Không chỉ người ngoài mà nhiều bác sĩ khi nghe tới chữ ‘tâm thần’ là ái ngại”, bác sĩ Cầm nói.
Những ngày đầu làm việc tại chuyên khoa tâm thần, đôi lúc bác sĩ Cầm nản lòng định xin chuyển công tác tại chuyên khoa khác vì việc khám và điều trị bệnh nhân tâm thần rất nhiều áp lực. Song mọi muộn phiền đều trôi qua hết mỗi khi bác sĩ thấy bệnh nhân tâm thần hòa nhập với cuộc sống bình thường hay đơn giản chỉ là những thông báo khỏi bệnh, lời cảm ơn từ người nhà bệnh nhân. “Đó chính là lý do bác sĩ tâm thần chúng tôi chung thủy với nghề cao quý này”, bác sĩ Cần chia sẻ.
Lê Nga
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.