GS.TS Nguyễn Lân Việt.
Chuyện gần như không có gì bất ngờ bởi các thành viên trong đại gia đình này đã quá nổi tiếng đỗ đạt cũng như thành đạt. Tuy nhiên, chẳng riêng gì tôi mà có lẽ với nhiều người vẫn chưa bao giờ dứt những lời trầm trồ, thán phục về họ…
Tưởng ông Việt đã về hưu dễ gặp, nào ngờ, “ông Việt không thích cho ai số điện thoại đâu. Muốn gặp cậu cứ đến Bệnh viện (BV) Đông Đô vào sáng ngày mai nhé”. Theo sự bật mí của một trong những người anh của ông Việt, ông Nguyễn Lân Cường, tôi đến BV Đông Đô và lặng lẽ ngồi vào hàng ghế bệnh nhân đợi đến lượt mình được gọi. Hàng chục phút trôi qua, cuối cùng tôi cũng được toại nguyện. Tuy nhiên, “tôi thì có gì đâu để các anh viết mãi. Vả lại mình rất bận. Anh thấy đấy, bao bệnh nhân trong cả nước còn đang chờ mình ngoài cửa kia kìa”. Thì ông đã nghỉ hưu rồi còn gì? Đành rằng bao người đã viết về ông và đại gia đình ông rồi, nhưng… Cố nài nỉ thêm cũng vô ích. Tôi đành cáo lui ông, ra về tay không.
Viện Tim mạch (BV Bạch Mai)- nơi làm việc cuối cùng của ông Nguyễn Lân Việt trước khi về nghỉ hưu năm ngoái. Vừa đặt vấn đề tìm hiểu thông tin về ông, mấy bác sĩ ở đây mách luôn: “Thầy Việt đang ở đây”. Rồi họ chỉ dẫn tôi đến một căn phòng vẫn dành cho ông, ngay dưới tầng 1 của khoa, bên ngoài còn gắn tên kèm học hàm GS.TS. Tôi lại tiếp cận. Lần này ông cũng chỉ “chiếu cố” tiếp tôi vài phút rồi cho người sao cho tôi bản báo cáo thành tích đã từng được BV Bạch Mai soạn rồi gửi đi đề nghị phong danh hiệu anh hùng cho ông. Đoạn ông lại vùi đầu vào công việc của mình.
…Năm 2015, trong một lần được trò chuyện với GS.TS Nguyễn Lân Cường, tôi được ông cho hay: “Cậu Việt, em tôi, từng phải “chạy vạy”, nhờ cậy nhiều người nói hộ, mãi mới xin được nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến “tha” cho cái chức Thứ trưởng Bộ này”. Chuyện quả thật khó tin trong thời buổi hiện nay. Đến lúc gặp ông Việt, chuyện này mới được xác nhận. “Đúng là tôi phải từ chối mãi mới “thoát” vụ này. Mình chỉ thích làm chuyên môn thôi”.
Nói đến ông Việt, hầu hết những chuyên gia y tế hàng đầu trong nước đều phải thực sự “ngả mũ”. Đó không chỉ vì hàng loạt chức vụ mà ông đã kinh qua, nào lãnh đạo cao nhất một loạt các đơn vị như Viện Tim mạch, BV Bạch Mai, Trường ĐH Y Hà Nội, BV ĐH Y Hà Nội, nào chủ nhiệm hàng loạt những chương trình quốc gia, lãnh đạo các hội đồng khoa học mà hầu nhiều trong số các đơn vị này trong thời gian ông “nắm quyền” điều hành đều được ghi những mốc son chói lọi, được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, rồi Anh hùng lao động mà còn ở tài năng và đức độ cũng như những công hiến của ông cho nền y học nước nhà.
Là Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện Tim mạch từ năm 1996-2013, ông đã đưa đơn vị này thành đơn vị mũi nhọn hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch của đất nước. Từ một viện lúc đầu chỉ có vẻn vẹn 55 giường bệnh với những trang thiết bị còn tương đối lạc hậu, xuống cấp nay đã tăng lên 220 giường bệnh với nhiều trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ giỏi về chuyên môn, giầu lòng nhân ái với bệnh nhân. Đến nay, viện này đã thực hiện thường quy rất nhiều kỹ thuật điều trị tiên tiến trong lĩnh vực tim mạch như: Nong van 2 lá, nong động mạch vành và đặt stent động mạch vành, thăm dò điện sinh lý tim và đốt đường dẫn truyền bệnh lý, bít các lỗ thông liên nhĩ, thông liên thất, bít ống động mạch bằng các dụng cụ qua da (không cần mổ) đặt stent graft, thay van tim qua da, mổ cầu nối chủ – vành, mổ phình, lóc tách động mạch chủ… Việc thực hiện các kỹ thuật này đã cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Nhờ sự giúp đỡ của Viện, nay có khoảng 40 trung tâm tim mạch can thiệp đã được triển khai tại nhiều địa phương, nhiều vùng trên cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Khánh Hòa, Đà Nẵng, An Giang, TPHCM, Cần Thơ… cùng một số BV ngành khác như: Quân đội, Công an, Bưu điện, Xây dựng… Từ cuối năm 2002, Viện đã phẫu thuật thành công tim, mở ra cho ngành y một định hướng mới trong điều trị cấp cứu bệnh nhân tim mạch. Là một nhà giáo, ông có 34 năm đứng lớp trực tiếp giảng dạy, đào tạo ĐH, trên ĐH cho nhiều thế hệ bác sĩ, tiến sĩ y khoa của cả nước. Ông là người khơi dòng mở đầu cho định hướng thành lập BV trong trường ĐH (tại ĐH Y Hà Nội) để vừa tạo nơi thực hành, thực tập cho sinh viên, vừa phát huy trí tuệ các thầy, trò ở đây đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. BV này nay đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân TP Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ông còn tham gia và chủ trì gần chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, viết hơn 100 bài báo về các đề tài trong lĩnh vực chuyên môn của mình, đăng tải trên các báo, tạp chí lớn trong và ngoài nước, viết gần 20 đầu sách về chuyên ngành tim, mạch, nội khoa, tăng huyết áp…
Đầu xuân mới, trong khi người người, nhà nhà nô nức đi trảy hội, chơi xuân còn ông vẫn ngày ngày cặm cụi cùng các đồng nghiệp lo gánh trách nhiệm sứ mệnh của người thầy thuốc. Đưa tôi xem 3 cuốn sách mỏng, loại cầm tay đã xuất bản, ông cho hay: “Tôi dự kiến sẽ viết 10 tập sách cầm tay như thế này nhằm cung cấp cẩm nang cho các thầy thuốc và bệnh nhân về tim mạch phổ thông”. “Thưa thầy! Thầy giúp chúng em hội chẩn gấp ngay một ca bệnh khó với ạ” – có tiếng gõ cửa phòng. GS Nguyễn Lân Việt nhìn tôi ái ngại. Tôi vội đứng lên bắt tay ông ra về.
Đã quá 12 giờ trưa, gần đến ngày 27/2…
Trần Ngọc Kha
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.