Thứ Năm, 12/05/2016 | 16:31

Một cặp vợ chồng hợp pháp, trong độ tuổi sinh sản, không có thai sau một năm chung sống cần sớm đi khám hiếm muộn.

Bác sĩ CKII Phạm Thúy Nga, Trưởng khoa Hỗ Trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay hiếm muộn (vô sinh) được định nghĩa khi một cặp vợ chồng hợp pháp, trong độ tuổi sinh sản, không có thai sau 1 năm chung sống mà không sử dụng một biện pháp tránh thai nào. Đây cũng chính là dấu hiệu các cặp vợ chồng nên nghĩ đến việc đi khám để điều trị hiếm muộn.

“Thế giới khuyến nghị nên đi khám vô sinh sau 1 năm song thực tế, tôi nghĩ mọi người nên nghĩ tới điều đó sớm hơn, khoảng 6 tháng, nhất là đối với người vợ trên 35 tuổi”, bác sĩ Nga cho hay.

Còn theo ThS.BS Đào Lan Hương, khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện, hiện tỷ lệ vô sinh thay đổi từ 10-18%. Vô sinh có nguyên phát (chưa có thai lần nào) hoặc thứ phát (trong tiền sử đã từng có ít nhất 1 lần mang thai, sau đó trên1 năm không có thai lại). Trong đó, tỷ lệ vô sinh nữ chiếm 40%, nam 40%, không rõ nguyên nhân chiếm 20%.

Nguyên nhân vô sinh nữ có thể do vòi tử cung chiếm 35%, rối loạn phóng noãn chiếm 35%, lạc nội mạc tử cung chiếm 20%, không rõ nguyên nhân chiếm 10%.

Nguyên nhân vô sinh nam như bất thường về tinh dịch đồ 26,4%, giãn tĩnh mạch thừng tinh 12,3% , suy tinh hoàn 9,4%, tắc ống dẫn tinh 6,1%, các yếu tố bẩm sinh, mắc phải, miễn dịch, rối loạn cương, không xuất tinh.

Do đó, để tìm ra tình trạng vô sinh và có hướng điều trị thích hợp, ngay khi có dấu hiệu, các cặp vợ chồng nên đi khám sớm nhất có thể.

Những nguyên nhân gây vô sinh ở hai giới Tư vấn khám hiếm muộn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng.

Quy trình khám hiếm muộn

Đối với người vợ

Trước hết, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh bao gồm các thông tin như tên, tuổi, nghề nghiệp, thời gian chung sống và mong muốn có thai, khả năng và tần suất giao hợp, tiền sử thai nghén, các biện pháp tránh thai đã dùng,…

Sau đó, bác sĩ khám lâm sàng bao gồm khám toàn thân tìm các nguyên nhân có thể dẫn tới hiếm muộn vô sinh và khám phụ khoa để đánh giá bất thường đuờng sinh dục.

Các thăm dò chẩn đoán nguyên nhân gây vô sinh nữ:

– Siêu âm

– Xét nghiệm nội tiết

– Chụp tử cung vòi trứng

– Đánh giá dự trữ buồng trứng

Đối với người chồng

Đầu tiên, bác sĩ cần hỏi bệnh với các nội dung tương tự người vợ. Sau đó, trong khám lâm sàng, họ được thăm khám dương vật, tinh hoàn, mào tinh; phát hiện giãn tĩnh mạch thừng tinh, tình trạng viêm nhiễm hoặc những bất thường ở bộ phận sinh dục.

Các xét nghiệm cần thiết:

– Xét nghiệm tinh dịch đồ: Là xét nghiệm cơ bản nhất và không thể thiếu khi thăm khám một cặp vợ chồng hiếm muộn nhằm đánh giá sơ bộ khả năng sinh sản của người chồng, hướng tới những xét nghiệm cần làm tiếp theo và đưa ra phương hướng điều trị.

– Xét nghiệm nội tiết: Chỉ định xét nghiệm nội tiết trong vô sinh nam khi tinh dịch đồ bất thường, đặc biệt là khi không có tinh trùng, mật độ tinh trùng dưới 10 triệu/ml, rối loạn tình dục giảm ham muốn, liệt dương.

– Siêu âm

– Chọc mào tinh chẩn đoán (PESA) và sinh thiết tinh hoàn (TESE): Áp dụng cho bệnh nhân không có tinh trùng với kích thước tinh hoàn bình thường và nồng độ FSH bình thường.

Theo bác sĩ Hương, sau các bước xét nghiệm cần thiết trên, bác sĩ sẽ xác định được nguyên nhân vô sinh và tư vấn hướng điều trị thích hợp. Người bệnh sẽ lựa chọn biện pháp tùy theo tình trạng sức khỏe, tài chính của mình.

Hiện cả nước có 23 trung tâm Hỗ trợ sinh sản. Tại Hà Nội, các cặp vợ chồng có thể đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Trung tâm Công nghệ Mô phôi Học viện Quân y, Bệnh viện Bưu điện, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn,…

Hà Quyên
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook