Tùy theo giai đoạn, bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt gan, ghép gan, phá hủy u tại chỗ bằng sóng cao tần hoặc vi sóng, nút mạch hóa chất hoặc phối hợp nhiều phương pháp với nhau.
Đối với các trường hợp phát hiện bệnh ung thư gan ở giai đoạn trung gian và tiến triển, nếu tình trạng chức năng gan còn tốt, điều trị bằng liệu pháp nhắm trúng đích đường uống có thể giúp bệnh nhân kéo dài cuộc sống.
Bác sĩ Nguyễn Đình Song Huy – Phó giám đốc Trung tâm Ung bướu, Trưởng khoa u gan Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ kinh nghiệm điều trị thực tế.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Song Huy – Phó giám đốc Trung tâm Ung bướu, Trưởng khoa u gan Bệnh viện Chợ Rẫy, ung thư gan nguyên phát được chia thành 5 giai đoạn: rất sớm, sớm, trung gian, tiến triển và cuối.
Mỗi năm, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 3.000-3.500 trường hợp mắc mới ung thư gan. Nguyên tắc chữa bệnh là giải quyết các khối ung thư gan được phát hiện, điều trị bệnh lý nguyên nhân và yếu tố nguy cơ (viêm gan siêu vi B, C, xơ gan…). Tùy theo từng giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương án phù hợp như phẫu thuật cắt gan, ghép gan, phá hủy u tại chỗ bằng sóng cao tần hoặc vi sóng, nút mạch hóa chất (TACE) hoặc phối hợp nhiều phương pháp với nhau.
Theo hướng dẫn điều trị ung thư gan năm 2014 của Hiệp hội Gan Nhật Bản (2014), với bệnh nhân ung thư gan giai đoạn trung gian không thể phẫu thuật và nút mạch hóa chất (TACE) không còn hiệu quả (TACE thất bại), các bác sĩ có thể sớm chuyển sang điều trị bằng liệu pháp nhắm trúng đích đường uống. Liệu pháp này giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống và bảo tồn chức năng gan tốt hơn.
Các kinh nghiệm điều trị thực tế được bác sĩ Huy chia sẻ tại hội thảo khoa học, do Bệnh viện Ung bướu TP HCM và Bayer Việt Nam tổ chức mới đây. Hội thảo quy tụ nhiều bác sĩ chuyên ngành tiêu hóa – gan mật, nội tổng quát, chẩn đoán hình ảnh và các chuyên gia Đại học Y khoa Kindai (Osaka, Nhật Bản).
“Hội thảo lần này là cơ hội quý giá để các chuyên gia trong lĩnh vực ung thư gan tại TP HCM trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật liệu pháp điều trị tiên tiến từ Giáo sư Masatoshi Kudo (Đại học Y khoa Kindai). Tất cả nhằm đem lại hiệu quả điều trị và chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân ung thư gan tại Việt Nam”, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Xuân Dũng – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết.
Hội thảo quy tụ nhiều bác sĩ chuyên ngành tiêu hóa – gan mật, nội tổng quát, chẩn đoán hình ảnh của Việt Nam, Nhật Bản.
Ung thư gan nguyên phát xuất phát từ tế bào gan, là loại tổn thương thường gặp nhất trong các loại u gan. Bệnh có mối liên quan chặt chẽ với tình trạng nhiễm virus viêm gan B và C, bệnh lý xơ gan do rượu. Ngoài ra, còn do một số nguyên nhân hiếm gặp khác như nhiễm độc tố aflatoxin, dioxin…
Tiến sĩ Dũng dẫn các thống kê gần đây tại TP HCM cho thấy, ung thư gan và phổi là 2 loại ung thư thường gặp nhất. Đối với các trường hợp phát hiện ung thư gan ở giai đoạn trung gian và tiến triển, điều trị bằng liệu pháp nhắm trúng đích đường uống nếu tình trạng chức năng gan còn tốt, có thể giúp bệnh nhân kéo dài cuộc sống.
Đối với bệnh ung thư gan, quan trọng nhất là phòng tránh bằng vắcxin ngừa virus viêm gan theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống điều độ, hạn chế rượu bia… sẽ giúp giảm nguy cơ bệnh lý. Nếu đã nhiễm virus viêm gan B hoặc C, cần chủ động khám định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Giáo sư Masatoshi Kudo, Đại học Y khoa Kindai chia sẻ thực tế điều trị ung thư gan tại Nhật Bản.
“Thông qua hội thảo này, chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng các chuyên gia ung thư gan tại TP HCM và Giáo sư Kudo, đem đến các liệu pháp điều trị bệnh ung thư gan tiên tiến nhất cho người dân Việt Nam”, bà Lynette Moey – Giám đốc nhánh dược phẩm của Bayer tại Việt Nam cho biết.
An San
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.