Thứ Năm, 26/10/2017 | 10:26

Trẻ có những mốc đánh dấu trong cuộc đời như lẫy, bò, ngồi, tênh tênh rồi bước đi. Đây là những mốc đánh dấu sự phát triển của bé mà thông thường giai đoạn bé ngồi lên được sẽ luôn được mong chờ nhất. Hầu hết trẻ sẽ tự biết ngồi khi được khoảng 6 – 8 tháng tuổi.

Bé sẽ tập ngồi như thế nào?

+ Từ 3 – 4 tháng

Cơ đầu và cơ cổ của bé sẽ phát triển nhanh chóng và cứng cáp hơn. Nhờ đó, bé sẽ học cách ngẩng cao và giữ đầu mình trong khi lật. Sau đó, các bé sẽ tìm cách dùng cánh tay để nâng người lên và giữ cho ngực không chạm sàn. Những động tác đơn giản này sẽ giúp các cơ của bé phát triển khỏe mạnh.

+ Từ 5 – 6 tháng

Lúc này, bé đã đủ sức để đẩy cơ thể mình lên cao để có thể ngồi. Ban đầu, nếu không có sự hỗ trợ, bé chỉ có thể ngồi trong chốc lát. Tuy nhiên, ngay sau đó, bé sẽ tự tìm cách duy trì sự cân bằng cho cơ thể khi ngồi bằng cách hơi đổ người phía trước với một hay hai tay chống xuống đất. Điều này sẽ giúp bé ngồi lâu mà không bị ngã.

+ Từ 7 – 9 tháng

Bé đã có thể ngồi vững mà không cần đến sự hỗ trợ. Cơ cổ và cơ lưng cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Bé vẫn tiếp tục phát triển. 9 tháng tuổi, bé có thể tự chuyển từ tư thế nằm sang tư thế ngồi mà không cần sự hỗ trợ. Ngoài ra, khi ngồi tay bé có thể tự do vung vẩy và khám phá, lúc này bé sẽ học cách xoay sở để với lấy những thứ mà bé thích khi đang ngồi.

Bé sẽ ngồi vững khi được một tuổi và lúc này bạn không cần phải hỗ trợ bất cứ điều gì. Khi ở độ tuổi này, bé cũng đã sẵn sàng để tập đi. Do đó, việc ngồi đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Bé học ngồi trước hay học bò?

Bé sẽ học cách ngồi vào tháng thứ 6 và học bò vào tháng thứ 9. Học ngồi sẽ giúp bé học bò dễ hơn vì nó giúp tăng cường cơ bắp.

Làm thế nào để dạy bé ngồi?

Bé chỉ có thể ngồi khi các cơ đã phát triển đầy đủ. Vì vậy, bạn không thể ép bé học ngồi quá sớm. Tuy nhiên, bạn có thể giúp các cơ của bé làm quen với các tư thế ngồi để việc học ngồi trở nên dễ dàng hơn khi cơ thể đã sẵn sàng.

+ Khuyến khích bé nằm sấp và khám phá

Bước đầu tiên để có một tư thế ngồi hoàn hảo là phải tập giữ đầu ổn định. Cách tốt nhất để làm được điều này là tăng cường cơ cổ và cơ lưng khi nằm sấp. Đặt bé nằm sấp và để đồ chơi mà bé thích trước mặt. Khuyến khích bé nhìn đồ chơi bằng cách nâng đầu lên. Khi bé đã làm được, hãy lặp lại động tác này. Điều này sẽ giúp bé cân bằng trọng lượng của bản thân khi ngồi. Ngoài ra, bạn hãy giấu đồ chơi và để cho bé thấy, bé sẽ cố gắng nâng cơ thể dậy để tìm đồ chơi đấy.

+ Di chuyển bé

Cách để bé làm quen với sự vận động là bạn hãy tập cho bé. Giữ bé và giúp bé lăn nhẹ nhàng trên một bề mặt mềm mại (nệm, chăn). Điều này sẽ giúp định hướng để bé tự vận động.

+ Bạn hãy làm ghế tựa cho bé

Khi bé được 6 tháng tuổi, bạn có thể dạy bé ngồi qua những buổi ngồi giả bằng cách biến cơ thể bạn thành cái ghế tựa cho bé. Đặt đồ chơi yêu thích của bé lên thảm, sau đó để bé ngồi trong lòng bạn và chơi với những món đồ chơi. Điều này sẽ giúp tăng cường sức mạnh của cơ lưng và quen với cảm giác ngồi.

+ Sử dụng sự tò mò của bé

Đến tháng thứ 9, bé đã có thể ngồi vững vàng. Đây là lúc bạn nên khuyến khích bé ngồi càng nhiều càng tốt. Để làm được điều này, bạn hãy đặt những món đồ chơi mới lạ xung quanh sao cho bé có thể lấy được khi ngồi. Bạn cũng có thể ngồi kế bên và chơi cùng bé.

+ Xây dựng sức mạnh các cơ

Bất kỳ sự vận động nào của cơ thể cũng liên quan đến cơ. Nếu cơ bắp của bé phát triển tốt, bé sẽ học ngồi nhanh hơn. Massage cho bé thường xuyên và chơi một vài trò đơn giản để tăng sức mạnh của các cơ. Ngoài ra, các hoạt động như bò, lăn, nằm sấp cũng là những cách tự nhiên để giúp bé tăng cường sức mạnh của các cơ. Khuyến khích bé luyện tập càng nhiều càng tốt để học ngồi dễ hơn.

Các bài tập giúp bé học ngồi

+ Tìm cái trống lắc

Độ tuổi: 4 tháng

Cách tập: Đây là một bài tập đơn giản khi bé tập nằm sấp. Đặt bé nằm sấp và để cái trống lắc trong tầm nhìn của bé. Khi bé đã di chuyển đầu theo đúng hướng phát ra âm thanh, hãy di chuyển sang vị trí khác để bé di chuyển đầu theo.

Lợi ích: Luyện tập cơ cổ và cơ lưng. Ngoài ra, bé cũng có thể sử dụng hai cánh tay để di chuyển cơ thể, nên cũng giúp tăng cường các cơ vai.

+ Tập gập bụng

Độ tuổi: 4 tháng (khi bé đã tự nâng đầu được)

Cách tập: Đặt bé ngồi lên chân theo hướng đối diện bạn. Giữ tay bé và nhẹ nhàng kéo bé lên xuống giống như động tác gập bụng. Hãy di chuyển bé lên xuống thật nhẹ nhàng. Lúc tập, bạn có thể tạo ra một vài âm thanh vui nhộn chẳng hạn như đếm số.

Lợi ích: Giúp tăng cường cơ lưng và cơ bụng. Điều này rất cần thiết khi bé học ngồi.

+ Lăn

Độ tuổi: 6 tháng

Cách tập: Đặt bé nằm ngửa, sau đó để đồ chơi trước mặt bé và từ từ di chuyển nó sang bên cạnh sao cho bé vẫn theo dõi món đồ chơi ấy. Khi đã đặt món đồ chơi sang một bên, hãy khuyến khích bé lấy nó. Ở độ tuổi này, đa số các bé đều đã biết lăn. Vì vậy, bé sẽ cố gắng lăn để đến gần hơn và quan sát món đồ chơi kỹ hơn. Lặp lại bài tập này thường xuyên, đặc biệt lúc bé tỉnh táo.

Lợi ích: Giúp tăng cường cơ lưng để bé học ngồi nhanh hơn.

+ Đi xe đạp

Độ tuổi: 6 tháng

Cách tập: Đặt bé nằm trên một bề mặt mềm. Nhẹ nhàng giữ chân bé và nâng lên, sau đó thực hiện những động tác giống như đạp xe đạp. Tạo ra một số âm thanh vui nhộn để thu hút sự chú ý của bé. Hãy nghỉ ngơi khoảng vài giây sau 5 lần tập.

Lợi ích: Tăng cường cơ bắp chân.

+ Tập squat

Độ tuổi: 8 tháng

Cách tập: Để bé ở tư thế ngồi, nắm tay bé và nhẹ nhàng nâng bé dậy. Lặp lại 3 – 4 lần, sau đó nghỉ một vài giây trước khi tập lại.

Lợi ích: Giúp cơ lưng, cơ bụng và cơ đùi khỏe hơn. Đến 8 tháng, bé đã tự ngồi được và bắt đầu học đứng.

Lưu ý: Cơ thể của bé rất mỏng manh. Do đó, bạn chỉ thực hiện những động tác này khi chắc chắn rằng sẽ không làm tổn thương đến bé. Ngoài ra, bạn cũng cần phải có các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo sự an toàn cho bé.

Những điều cần lưu ý khi dạy bé ngồi

+ Tôn trọng quá trình phát triển tự nhiên của bé

Bạn không nên cho bé ăn những thức ăn dạng đặc trước khi bé một tuổi và cũng không nên cho tập cho bé ngồi trước khi bé bước vào giai đoạn phát triển phù hợp. Bé chỉ học ngồi khi đã nâng đầu dậy được và thời điểm thích hợp nhất để bé học ngồi là khi bé 6 tháng. Nếu bé tập ngồi quá sớm sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bé.

+ Không sử dụng ghế tập ngồi hoặc xe tập đi

Ghế tập ngồi là một loại ghế làm bằng nhựa, có một thanh chắn ở giữa. Mục đích của nó là giúp bé học ngồi và ngồi lâu. Còn xe tập đi trông giống như người đi bộ nhưng nó đứng yên.

Ghế tập ngồi và xe tập đi không đem đến nhiều lợi ích cho bé. Thậm chí, chúng còn gây hại. Khi bạn đặt bé ngồi trong ghế, bé có thể ngồi không đúng tư thế, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển. Cũng có một số trường hợp các bé bị ngã khi đang ngồi trong ghế.

Các chuyên gia phản đối việc sử dụng ghế tập ngồi vì chúng có thể làm cơ thể bị dị dạng. Chiếc ghế này bắt bé chỉ ngồi một chỗ và hạn chế việc khám phá thế giới xung quanh. Do đó, hãy tôn trọng sự phát triển của bé và để bé học ngồi một cách tự nhiên.

+ Luôn quan sát bé

Bé vẫn chưa thật sự ngồi cứng cho đến khi bé được 2 – 3 tuổi. Điều này có nghĩa khi bé đã tự ngồi, bạn cũng nên chú ý quan sát bé cẩn thận vì bé có thể bị ngã bất cứ lúc nào. Do đó, hãy luôn chú ý quan sát bé để đảm bảo sự an toàn.

Ngồi ở tư thế W: Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý đến tư thế ngồi của bé. Tư thế ngồi W có thể gây hại cho sự phát triển thể chất. Những bé dưới 11 tháng tuổi thường ngồi ở tư thế này. Ngồi theo kiểu W là kiểu ngồi bệt xuống sàn với hai chân hướng về sau, đầu gối gập và hai bàn chân hướng ra ngoài. Ngồi kiểu này trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng đến cơ hông, khớp gối và cơ bắp thân trên. Nếu thấy bé ngồi ở tư thế này, hãy điều chỉnh tư thế cho bé ngay. Tư thế thoải mái nhất là để bé ngồi duỗi hai chân ra trước, thẳng hoặc cong chụm thành vòng tròn tùy ý.

Nếu bé không biết ngồi?

Một số bé sẽ chậm phát triển hơn nhưng nếu đến 9 tháng mà bé vẫn chưa biết ngồi, bạn hãy lưu ý những điều sau:

  • Nếu bé sinh non tháng thì bé sẽ chậm phát triển hơn những bé sinh đủ tháng. Bé sẽ bỏ lỡ một vài cột mốc phát triển quan trọng và sẽ đạt được trễ hơn.
  • Những bé bị nhiễm trùng hoặc mắc bệnh nặng trong những tháng đầu đời sẽ phát triển chậm hơn các bé khác. Bé có thể chậm phát triển các kỹ năng như lăn, bò, ngồi… Nếu đã khỏi bệnh hoàn toàn, bé sẽ dần phát triển theo đúng tiến trình của mình.

Những dấu hiệu đáng báo động cha mẹ cần chú ý 

Nếu bé không sinh non và cũng không bị nhiễm trùng nhưng vẫn không ngồi được thì bạn phải xem xét những điều sau:

  • Bé có tự nâng đầu dậy khi nằm sấp hay không hoặc bé chỉ nhấc mặt lên và không di chuyển đầu nữa.
  • Bé không thể lăn dù đã được 6 tháng. Đến những vận động cơ bản mà bé cũng cần bạn hỗ trợ.
  • Bé không biết bò dù đã được 9 tháng.
  • Không thể bò và đứng dù đã có sự hỗ trợ khi được 1 tuổi.
  • Không biết đi sau 18 tháng.

Tư vấn bác sĩ nhi khoa

Nếu bé có các triệu chứng trên, bạn nên đến gặp và tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa. Thông thường, không biết ngồi thường đi kèm với một số vấn đề khác. Do đó, bạn hãy ghi chép cẩn thận các cột mốc phát triển quan trọng của bé và thảo luận với bác sĩ mỗi khi kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Hãy nhớ rằng nếu bé không biết ngồi nhưng vẫn đạt được những cột mốc khác, bạn cũng đừng quá lo lắng. Không nên “đốt cháy giai đoạn”, nếu bé không biết ngồi trong tháng này bé sẽ ngồi được trong những tháng tiếp theo thôi.

Yhocvn.net (Theo nguồn  Hellobacsi)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook