Bằng chứng ở sa mạc Atacama sẽ là một “đặt cược” mới cho dấu vết sự sống trên sao Hỏa.
Trước đây, đã từng rất nhiều lần các nhà khoa học phát hiện một cảnh quan địa chất của sao Hỏa mà họ cho rằng tồn tại dấu vết của sự sống. Chưa một bằng chứng nào được xác nhận. Tuy nhiên, để chắc chắn rằng chúng ta không bỏ sót một cơ hội nào, tất cả các đề xuất đều phải được xem xét một cách kỹ lưỡng.
Mới đây nhất, hai nhà địa chất và sinh vật học đến từ đại học Bang Arizona, Hoa Kỳ đã cùng nhau xuất bản một báo cáo trong hội nghị American Geophysical Union. Họ nói rằng có một điểm tương đồng rõ rệt giữa một mỏ quặng trên sao Hỏa với một khu vực thuộc sa mạc Atacama, Chile. Và nếu như ở sa mạc khắc nghiệt nhất Nam Mỹ này tồn tại những vi khuẩn sống, cơ hội là hoàn toàn có cho sao Hỏa.
Những cấu trúc địa chất mà hai nhà nghiên cứu nghi ngờ có dấu vết sự sống
Trở lại năm 2008, khi xe tự hành Spirit của NASA chụp hình miệng núi lửa Gusev của sao Hỏa, nó phát hiện ra một cấu trúc địa chất dạng “súp lơ”. Chúng được cho là những “cục u” vô hại của khoáng sản trong núi lửa.
Tuy nhiên, lật lại những hình ảnh này, nhà địa chất Steven Ruff và nhà địa sinh học Jack Farmer nói rằng những đám “súp lơ” này có thể là tàn dư của sự sống trên sao Hỏa.
Hơn 3 tỷ năm trước, rất nhiều địa điểm trên sao Hỏa là những vùng đất chứa đầy mạch nước ngầm. Khu vực núi lửa Gusev cũng được dự đoán chứa những suối nước nóng đang hoạt động trên sao Hỏa.
Sự tương đồng được tìm thấy trên sa mạc Atacama ngày nay. Khu vực El Tatio là nơi chứa những mạch nước ngầm lớn nhất Nam Bán Cầu. 80 mạch nước ngầm nóng đang hoạt động ở đây.
Lân cận một trong số đó, hai nhà nghiên cứu phát hiện ra những cấu trúc “súp lơ” chẳng khác nào trên sao Hỏa. Chúng được tạo thành từ quá trình phát triển, sinh sôi và chết đi của vi sinh vật. Đo đó, Ruff và Farmer thể hiện một sự tin tưởng cao vào những dấu vết được xe tự hành Spirit ghi lại. Nó có thể ẩn chứa nhiều điều hơn là những quặng khoáng sản.
Khu vực El Tatio trên sa mạc Atacama, nơi chứa những mạch nước ngầm tương đồng với sao Hỏa
Cũng phải nhắc lại rằng sa mạc Atacama có nhiều sự tương đồng cực kì sâu sắc với sao Hỏa. Nó nhận được một lượng bức xạ cực tím lớn, giống với những khu vực mà sao Hỏa nhận được.
Ít hơn 100 mm lượng mưa mỗi năm, nhiệt độ dao động mạnh từ -25oC tới 45oC khiến nó là một trong những nơi khắc nghiệt nhất hành tinh. Sa mạc Atacama cũng là khu vực các nhà nghiên cứu NASA sử dụng để giả lập địa hình sao Hỏa, phục vụ mục đích tinh chỉnh xe tự hành của họ.
Có thể thấy rằng bộ sưu tập những cơ hội dành cho sao Hỏa lại dày lên một chút. Sự sống vẫn chỉ là điều “có thể”. Chính hai nhà khoa học Ruff và Farmer cũng thừa nhận sẽ rất khó để chứng minh điều gì từ khoảng cách hơn 54 triệu km.
Mặc dù vậy như đã nói, chúng ta không thể bỏ sót một đề xuất nào bởi tất cả đều mang những cơ hội. Ruff và Farmer hi vọng với bằng chứng họ đưa ra trong nghiên cứu, các nhà khoa học khác sẽ tập trung vào khu vực núi lửa Gusev nhiều hơn. Những bằng chứng ở sa mạc Atacama sẽ là một “đặt cược” mới cho dấu vết của sự sống trên sao Hỏa.
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.